1976, “Cô Nhíp” - phim truyện về đề tài cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 - ra đời và được đón nhận không phải qua sóng truyền hình mà trên hệ thống phát hành phim trong cả nước. Đó là bộ phim có những thành công rất ngoạn mục...
Một cảnh trong phim “Cô Nhíp”
Thành công lớn đầu tiên là bộ phim - nói theo ngôn ngữ hiện nay - là doanh thu: Công ty Fafilm Việt Nam mua bản quyền để phát hành rộng rãi trong hệ thống ngành chiếu bóng trên toàn quốc, dù lúc bấy giờ, mục đích tuyên truyền mới là nhiệm vụ chính. Phim Cô Nhíp còn gây tiếng vang khi được dịch và chiếu trên sóng truyền hình của Liên Xô (cũ), Cộng hòa Tiệp Khắc (cũ) và được Trung Quốc mua bản quyền phát sóng.
Ở góc độ chuyên môn nghệ thuật, phim truyện Cô Nhíp cũng được trao giải thưởng Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 vào năm 1977. Và trong Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới tại Bình Nhưỡng vào 1978, phim Cô Nhíp được tặng Bằng khen của Viện Hàn lâm nghệ thuật Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Cô Nhíp là phim truyện mà nội dung dựa vào một nhân vật có thật. Và điều đặc biệt hơn nữa: diễn viên chính của phim cũng là nhân vật thật ở ngoài đời được mời tham gia diễn xuất. Tác giả kịch bản Nguyễn Trí Việt sau này trả lời phỏng vấn báo chí cho biết thêm, kịch bản phim này ông viết dựa vào câu chuyện về chiến sĩ biệt động Nguyễn Trung Kiên - người đã tham gia dẫn đường cho xe tăng của bộ đội ta tiến vào Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy những ngày tháng 4 năm 1975 lịch sử. Lúc bấy giờ, quân và dân Sài Gòn biết đến nữ chiến sĩ Nguyễn Trung Kiên qua một tấm ảnh báo chí nổi tiếng do nhà báo Đậu Ngọc Đản chụp. Tấm ảnh ấy được đăng trên trang nhất báo Sài Gòn Giải Phóng. Hình ảnh nữ chiến sĩ Nguyễn Trung Kiên rất đẹp với nụ cười rạng rỡ bên chiếc xe tăng. Chú thích tấm ảnh có ghi: “Nguyễn Trung Kiên, nữ biệt động 18 tuổi hướng dẫn xe tăng quân Giải Phóng chiếm sân bay Tân Sơn Nhất”. Từ tấm hình này, nhà biên kịch Nguyễn Trí Việt đã tìm hiểu và chọn nữ chiến sĩ Trung Kiên thành nhân vật chính cho kịch bản phim Cô Nhíp.
Bức ảnh tư liệu nữ chiến sĩ biệt động nguyễn trung kiên dẫn đường cho xe tăng của Sư đoàn 10 Quân đoàn 3 vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất do nhà báo Đậu Ngọc Đản chụp ngày 29/4/1975
Còn nhà báo Đậu Ngọc Đản sau này cũng kể lại trên báo: “Tôi gặp cô Nhíp ở Tân Sơn Nhất. Thấy xe tăng cắm cờ Quân Giải phóng, lại có cô gái đẹp, vừa hiền dịu, vừa hiên ngang, tôi hỏi thì được biết là xe tăng của Quân đoàn 3, còn cô gái tên là Cao Thị Nhíp, tên hoạt động là Nguyễn Trung Kiên. Nhíp con nhà nghèo, quê Tiền Giang, lên Sài Gòn hoạt động cách mạng, tham gia biệt động thành dưới vỏ bọc là người làm công cho gia đình một sĩ quan ngụy. Vốn thông thuộc đường sá, Nhíp đã dẫn đường cho xe tăng ta vào đánh sân bay Tân Sơn Nhất và các vị trí quân sự quan trọng khác. Ngay khi gặp cô Nhíp bên xe tăng, tôi đã bị cuốn hút, cảm giác ngay rằng, đây là một hình tượng rất đẹp. Hình tượng của Tổng tiến công (quân chủ lực) và nổi dậy (nhân dân). Hình tượng Việt Nam: Nụ cười tươi sáng, hiền dịu, yêu hòa bình nhưng kiên cường, quyết thắng. Trong tư thế chiến thắng, toát lên sự nhân hậu, vị tha... Tôi đã bấm máy”.
Đạo diễn của phim truyện Cô Nhíp là NSƯT Khương Mễ (1916 - 2004) cũng kể lại: “Khi kịch bản được duyệt rồi, tôi đi tìm diễn viên chính cho phim. Cục Chính trị Quân Giải phóng, Thành hội Phụ nữ thành phố Sài Gòn giới thiệu một số điển hình tham gia trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Có một chi tiết ngẫu nhiên là cả hai cơ quan này đều cùng giới thiệu nữ chiến sĩ Nguyễn Trung Kiên”. Và từ sau gợi ý của tác giả kịch bản Nguyễn Trí Việt, đạo diễn Khương Mễ đã gặp gỡ Nguyễn Trung Kiên, lúc này cô đang làm thuyết minh viên tại Bảo tàng Cách mạng thành phố, chỉ cần 15 phút trao đổi, đạo diễn Khương Mễ đã quyết định mời cô vào vai chính trong bộ phim Cô Nhíp.
NSƯT Khương Mễ (phải), đạo diễn phim “Cô Nhíp”
Vai “đối trọng” với vai cô Nhíp trong phim là Hoàng, đại tá quân đội Việt Nam Cộng hòa, do NSND Lý Huỳnh thể hiện. Đây cũng là vai diễn gây ấn tượng mạnh đối với người xem: đại tá Hoàng do Lý Huỳnh thủ vai phải thể hiện nội tâm giằng xé khi chọn lựa giữa trốn chạy hay ra trình diện chính quyền cách mạng. Đây là vai diễn đầu tay của nghệ sĩ Lý Huỳnh sau 1975. Có lần anh kể lại: “Sau ngày miền Nam giải phóng, tôi cũng như nhiều anh em nghệ sĩ khác vẫn mang mặc cảm là nghệ sĩ của chế độ cũ, dù rằng những vai diễn điện ảnh ở Sài Gòn của tôi trước đó chỉ là những vai đánh võ trong các phim võ thuật như Long hổ sát đấu... Thế nhưng người mà bác Khương Mễ chọn để tham gia vào bộ phim cách mạng đầu tiên của điện ảnh miền Nam ngay sau ngày giải phóng chính là tôi, vai đại tá Hoàng trong phim Cô Nhíp do bác làm đạo diễn.
Tôi còn nhớ hôm ấy bác đến nhà tôi qua lời giới thiệu của đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Quan sát tôi một lúc, bác ấy nói hình thức bên ngoài của tôi là rất đạt nhưng còn phải thử khả năng diễn xem sao. Và tôi đã diễn vai đại tá Hoàng với tất cả khả năng, lòng nhiệt thành của tôi. Sau phim Cô Nhíp, tôi còn có cơ hội làm với bác Khương Mễ nhiều phim khác như: Chiều sâu lòng đất, Bên lề 30/4… Nhưng chính vai đại tá Hoàng trong phim Cô Nhíp là bước ngoặt, là cánh cửa mở ra cho tôi có cơ hội bước tiếp trên con đường điện ảnh cách mạng những năm sau này. Từ vai đại tá Hoàng, tôi đến và thành công với vai Hai Lúa trong phim Vùng gió xoáy, vai ông Hai Cũ trong bộ phim cùng tên và hàng loạt những vai diễn khác”.
Diễn viên điện ảnh NSND Lý Huỳnh, người đã tham gia đóng vai đại tá Hoàng trong phim “Cô Nhíp”
Đã gần 45 năm trôi qua kể từ ngày bộ phim Cô Nhíp ra đời, những người sáng tạo nghệ thuật cho tác phẩm ấy đã bước vào tuổi xưa nay hiếm và nhiều người trong số họ đã ra đi mãi mãi. Thế nhưng, những hình ảnh trên phim ngày ấy vẫn còn lưu lại trong lịch sử điện ảnh chiến tranh cách mạng Việt Nam bài ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó cũng là bộ phim của một thời vượt khó làm nghệ thuật và cống hiến cho nhân dân của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh.
Thanh Huyền