Giá trị trường tồn của chiến thắng 30/4/1975 (Kỳ 1: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước)

Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui.

 Lễ diễu binh và diễn hành kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Ngày 23/9/1945, tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, thực dân Pháp đã nổ súng xâm lược Việt Nam lần thứ 2. Vào thời điểm xuất hiện sự kiện không ai có thể ngờ rằng đây là cột mốc khởi đầu cho một cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài 30 năm giữa nhân dân Việt Nam với các thế lực đế quốc phản động hàng đầu thế giới là đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ.

Để chiếm đoạt thuộc địa giàu đẹp nhất của mình là Việt Nam và Đông Dương, nước Pháp bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh thế giới lần II, ra sức dồn sức người, sức của, hòng tiến hành cuộc chiến tranh chớp nhoáng để áp đặt trở lại chế độ thuộc địa đối với Việt Nam. Người Pháp không thể hiểu được rằng, với thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám 1945 và bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, nước Việt Nam đã do nhân dân Việt Nam làm chủ. Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần quật cường của người Việt Nam được hồi sinh và trỗi dậy lên tới đỉnh cao của nó. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. “Tầm vông vạt nhọn” của Nam bộ kháng chiến đã tạo nên thành đồng Tổ Quốc, là máu xương của đồng bào chiến sĩ miền Nam anh dũng ngã xuống vì cả nước, tất yếu dẫn tới Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Trải qua 9 năm gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã lập nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu (7/5/1954), thắng lợi quân sự trên chiến trường đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20/7/1954, lập lại hòa bình, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược lần 2.


Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975

Trong hồi ức của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: Từ chiến trường Điện Biên Phủ về Việt Bắc nơi thủ đô kháng chiến tại Đại Từ (Thái Nguyên), gặp Hồ Chủ Tịch, Đại tướng phấn khởi báo cáo về việc quân ta đã toàn thắng trên chiến trường. Đại tướng không quên lời Bác nhắc nhở, đây mới chỉ là thắng lợi ban đầu, chú Giáp về cùng với lãnh đạo Quân đội, rèn cán, chỉnh quân để chuẩn bị cho một trận mới còn lớn hơn và mang ý nghĩa quyết định. Tầm nhìn của Lãnh tụ sau đó đã được thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương tháng 7/1954, trước một tuần lễ ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, khi Pháp chưa rút quân ra khỏi Việt Nam, Đảng ta đã khẳng định: Đế quốc Mỹ đã trở thành kẻ thù trực tiếp nguy hiểm của cách mạng Việt Nam.

Từ năm 1954 đến năm 1975, đế quốc Mỹ đã thực hiện chính sách thực dân mới ở Miền Nam Việt Nam, để thực hiện chiến lược toàn cầu phản cách mạng nhằm bao vây ngăn chặn chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Bắt đầu là chiến lược chiến tranh một phía (1954-1960), dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm độc tài, phát xít. Với việc ban hành luật 10/59, chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém đi tàn sát những người yêu nước ở miền Nam với khẩu hiệu tàn bạo: “Thà giết nhầm 1000 người còn hơn bỏ sót 1 tên Việt Cộng”, “Biên giới của Hoa Kỳ kéo dài tới vĩ tuyến 17”. Cách mạng Miền Nam chìm vào thời kỳ đen tối với 90% cán bộ, đảng viên bị địch sát hại. 

Trong tang thương bị địch khủng bố, đồng bào miền Nam vẫn một lòng hướng về Đảng và Bác Hồ. Dưới ánh sáng của Nghị quyết 15 (1/1959), ngày 17/1/1960, Đồng khởi Bến Tre bùng nổ và nhanh chóng lan rộng ra khắp Miền Nam trong năm 1960 với hình ảnh tiêu biểu của những đội quân tóc dài, với người nữ anh hùng Nguyễn Thị Định đã làm thất bại chiến lược chiến tranh một phía, đẩy Mỹ - Diệm vào thế bị động chiến lược, chuyển cách mạng miền Nam sang thế tiến công. 

Từ năm 1961 đến năm 1965, đế quốc Mỹ dùng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, sử dụng chiến tranh thực dân mới nhằm tiêu diệt Quân giải phóng, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Vũ khí Mỹ, cố vẫn Mỹ kết hợp với quân lực Việt Nam Cộng hòa, dùng các chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận, đã gây nhiều tổn thất cho cách mạng miền Nam. Trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta ở miền Nam với phương châm “Hai chân, ba mũi, ba vùng, ba thứ quân”, đã đập tan chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đẩy chế độ Việt Nam Cộng hòa vào tình thế hiểm nghèo khi thua trận trên chiến trường và có thể thua cả trong một cuộc chiến. Trong giờ phút sinh tử đó, đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược chiến tranh bằng cách liều lĩnh đưa quân Mỹ trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam và ném bom miền Bắc.


 Đoàn xe tăng lao qua cổng chính, tiến vào sân Dinh Độc Lập sáng 30/4. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận ra khỏi xe 843, lấy lá cờ trên xe của mình treo lên cột cờ trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11g30

Từ năm 1965 đến năm 1968, cả nước là chiến trường, ra ngõ gặp anh hùng, vào nhà gặp dũng sĩ. Đồng bào miền Bắc mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt. Lớp lớp thanh niên miền Bắc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Triệu triệu đồng bào miền Nam hy sinh xương máu “Miền Bắc gọi, miền Nam trả lời”, lấy lưỡi lê, mũi súng trút căm thù vào quân xâm lược để trả thù cho đồng bào miền Bắc bị bom đạn đế quốc Mỹ sát hại. Quân và dân miền Bắc đã liên tiếp đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ, đồng thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Đồng bào, chiến sĩ miền Nam với phương châm “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, đã chủ động tiến công ngay từ đầu khi quân Mỹ chân ướt, chân ráo nhảy vào chiến trường miền Nam, làm thất bại kế hoạch “tìm và diệt” của địch. 

(Còn tiếp)

TS, GVCC Nguyễn Việt Hùng (Trưởng Khoa XDĐ&TTHCM, Học viện Cán bộ TP.HCM)