HTV – Dấu ấn tuổi 45 (Kỳ 1: Ngày đầu gian khó)

Sau một đêm Sài Gòn không có truyền hình, đúng 19g ngày 01/5/1975, phát thanh viên Hồ Mỹ Hạnh cất giọng, truyền đi những thông cáo lịch sử của dân tộc, cũng là dấu mốc quan trọng mở ra chặng đường phát triển mới của Đài truyền hình TP.Hồ Chí Minh (HTV).

Ngay buổi chiều Ngày Chiến thắng lịch sử 30/4/1975, đoàn tiếp quản quân giải phóng kế thừa toàn bộ cơ sở vật chất của đài Truyền hình Việt Nam 9 của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Chỉ một ngày sau đó, chương trình truyền hình giải phóng đầu tiên được phát sóng, đánh dấu thời khắc lịch sử của Đài Truyền hình Sài Gòn giải phóng, tiền thân của Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh (HTV) ngày nay.

Phóng viên HTV tác nghiệp tại trung tâm Thành phố năm 1975 (Ảnh tư liệu)

Sau một đêm Sài Gòn không có truyền hình, đúng 19:00 ngày 01/05/1975, phát thanh viên Hồ Mỹ Hạnh cất giọng đọc, truyền đi những thông cáo lịch sử của dân tộc: "Đây là đài vô tuyến truyền hình Sài Gòn giải phóng, phát đi từ Sài Gòn. Kính chào đồng bào ruột thịt và yêu quý! Kể từ giờ phút lịch sử và xúc động này, hồi 11:30 ngày 30/04/1975, thành phố anh hùng và vinh quang của chúng ta đã được giải phóng…”. Thời khắc ấy cũng là dấu mốc quan trọng mở ra chặng đường phát triển mới của Đài truyền hình TP.Hồ Chí Minh (HTV).

Trong điều kiện thành phố sau ngày giải phóng chồng chất khó khăn, phức tạp, việc Đài Truyền hình SGGP phát sóng buổi đầu tiên chỉ sau đúng 01 ngày Sài Gòn im tiếng súng là một sự nỗ lực phi thường của đội ngũ cán bộ, phóng viên, đặc biệt là của đội ngũ chuyên trách về kỹ thuật của đoàn tiếp quản khi ấy còn rất lạ lẫm với các máy móc thiết bị hiện đại của THVN9.

Việc tiếp quản, bảo toàn được cơ sở vật chất và tổ chức cho Đài Truyền hình SGGP hoạt động được ngay sau ngày giải phóng cũng như vận động được các nhân viên làm việc trong chế độ cũ cộng tác làm việc thể hiện sự nhạy bén, sáng tạo và năng lực vận động quần chúng của lực lượng quân quản cũng như đội ngũ cán bộ chuyên trách ngày đầu tiếp quản Đài. 

Một năm sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhân dân cả nước đã thực hiện quyền làm chủ của mình, tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước vào tháng 4 năm 1976. Tại kỳ họp thứ nhất, ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành “Thành phố Hồ Chí Minh”, mở ra một trang vàng chói lọi cho “đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật của cả nước”. 

Cũng từ ngày 02/07/1976, Đài Truyền hình SGGP cũng được đổi thành Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh. Với vai trò là đài khu vực Nam Bộ, từ năm 1975 đến năm 1981, HTV đã giúp đỡ cho các đài phía Nam khôi phục lại cơ sở vật chất, từng bước hoạt động ổn định và phát triển.

 Nhóm làm phim HTV tá nghiệp tại Campuchia 1979 (Ảnh tư liệu)

Xây dựng thương hiệu

Năm 1981, HTV được chuyển giao về UBND TP.Hồ Chí Minh. Cũng như tình hình chung của xã hội bao cấp, trong giai đoạn này, HTV phải hoạt động trong sự thiếu hụt kinh phí triền miên. Biên chế có lúc lên đến hơn 1.200 người nhưng lao động thực tế lại thiếu trầm trọng, chính sách tiền lương bất cập, chế độ thù lao - nhuận bút lạc hậu... khiến cho đời sống của người lao động hết sức khó khăn.

Năm 1986, bên cạnh Kênh 9 đang phát sóng, HTV bắt đầu phát thử nghiệm Kênh 7 (nay là HTV7). Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Kênh 7 đã lên sóng chính thức với chức năng là kênh Dịch vụ - Thông tin rao vặt của HTV. Cùng với sự ra đời của Kênh 7, lần đầu tiên quảng cáo chính thức quay lại trên sóng truyền hình kể từ sau năm 1975 và cũng là lần đầu tiên một đài truyền hình của Việt Nam phát 2 kênh có nội dung độc lập. HTV bắt đầu có nguồn thu từ đó.

Sau sự cố hỏa hoạn đêm 23/8/1987, thiêu hủy toàn bộ trung tâm truyền hình, ngay đêm hôm sau, 24/08/1987, HTV chuyển qua phát hình màu và chấm dứt hệ đen trắng, tạo ra một bước ngoặt lịch sử mới cho ngành truyền hình Việt Nam.

Từ năm 1990, HTV bắt đầu chuyển hướng bằng việc đề xuất với cấp trên cho phục hồi tính năng kinh tế của ngành truyền hình. Tập thể lãnh đạo đài đã mạnh dạn thử nghiệm ứng dụng các chế độ nhằm kích thích tăng năng suất, điều tiết lao động, giảm biên chế, thí điểm xây dựng chế độ thù lao nhuận bút mới, triệt tiêu dần chế độ bình quân chủ nghĩa, đồng thời tập hợp được đông đảo lực lượng cộng tác viên có tay nghề cao. Chất lượng chuyên môn từ đó cũng ngày càng được nâng lên.

Chương trình “Đố em” phát sóng trên HTV những năm đầu giải phóng (Ảnh tư liệu)

Năm 1989, HTV bắt đầu thực hiện việc "xã hội hóa" bằng việc kêu gọi tài trợ cho Cuộc đua xe đạp tranh Cúp Truyền hình TP.HCM. Từ thành công đó, HTV tiếp tục kêu gọi tài trợ cho cuộc thi Tiếng hát Truyền hình năm 1991, các chương trình xây dựng nhà tình nghĩa - nhà tình thương và nhiều chương trình truyền hình khác.

Đến năm 1991, Hãng phim Truyền hình TFS chính thức thành lập, đưa việc sản xuất phim và phim tài liệu qua một giai đoạn mới. Ban đầu, TFS tập trung sản xuất các phim lẻ theo kiểu điện ảnh, mở màn là Giữa dòng và gặt hái một kỷ lục về giải thưởng. Sau đó, hãng bắt đầu làm các phim dài tập với sự mở màn của Người đẹp Tây Đô, tạo ra tiếng vang lớn. Các bộ phim tiếp theo tiếp tục đưa tên tuổi TFS lên tầm cao như: Xóm nước đen, Đất Phương Nam, Giã từ dĩ vãng, Đồng tiền xương máu, Ngọn nến hoàng cung, Blouse trắng...

Năm 1994 là năm HTV thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ nhất, từ việc đưa ra biểu trưng HTV đầu tiên đến việc tăng mạnh thời lượng phát sóng lên 18 giờ/ngày cho cả hai kênh HTV7 và HTV9. Cũng từ năm 1994, HTV bắt đầu tự chủ về tài chính, trở thành đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình xóa bỏ hoàn toàn chế độ bao cấp.

Năm 1999, HTV đưa vào vận hành hệ thống phát băng betacam tự động cho hai kênh HTV7, HTV9. Đó là hệ thống phát hình hiện đại nhất trên thế giới mà HTV là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sở hữu cho đến khi truyền hình Việt Nam chấm dứt sử dụng băng Betacam. 

Để chứng minh sự tiên phong trong việc chuyển đổi kỹ thuật ghi hình và phát sóng từ analog sang kỹ thuật số, đầu tháng 09/2003, đài phát thử nghiệm DVB-T trên kênh 30 UHF, phát kênh HTV7, HTV9 và một số kênh khác. Sau đó không lâu, ngày 01/10/2003, kênh này lên sóng chính thức và HTV1, HTV2, HTV3, HTV4 cùng lúc ra đời. Năm 2004, đài bắt đầu lắp đặt hệ thống server phát sóng tự động đồng bộ với Trung tâm Điều chế và Trung tâm Truyền dẫn - Phát sóng. 

Năm 2006, hệ thống được vận hành chính thức, thay thế cho hệ thống robot phát băng betacam sau hơn 7 năm hoạt động. Sự kiện này đánh dấu việc hoàn tất số hoá trong khâu sản xuất và lưu trữ nội dung tại HTV, chấm dứt sử dụng băng hình betacam sớm nhất trong cả nước. Cần nói thêm, hệ thống server phát sóng tự động mà HTV đầu tư là hiện đại nhất thế giới thời điểm đó. Trải qua nhiều lần nâng cấp, hệ thống này hiện vẫn đang hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn phát sóng cho HTV.

Năm 2005, sự kiện SEA Games 23 tại Phillippines đánh dấu việc HTV là đài truyền hình đầu tiên thực hiện cầu truyền hình trực tiếp giữa Việt Nam và nước ngoài. Bên cạnh việc tổ chức truyền hình trực tiếp và đưa tin với các sự kiện thể thao lớn của thế giới, HTV cũng ghi dấu ấn mạnh khi lần đầu tiên tổ chức thành công cuộc thi Chinh phục đỉnh Everest. 

Ngày 27/04/2006, sau 5 năm khởi công xây dựng, HTV khánh thành tòa nhà Trung tâm Truyền hình. Đây là tòa nhà truyền hình lớn nhất Việt Nam tính tới năm 2017, cao 16 tầng với tổng diện tích sàn 19.462 m2, có 11 trường quay. Tòa nhà được đầu tư hoàn toàn từ nguồn vốn của đài.

Về lĩnh vực truyền hình trả tiền, năm 2003, HTV thành lập Trung tâm Truyền hình Cáp HTVC. Sau một năm hoạt động, HTVC đã có 700.000 thuê bao tại TP.HCM, trở thành đơn vị truyền hình trả tiền lớn thứ hai tại Việt Nam ở thời điểm đó.

Văn Nguyễn