(HTV) - Việc xử lý hiệu quả lượng phế phẩm bằng các công nghệ hiện đại không chỉ tránh lãng phí nguồn tài nguyên mà còn hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Hội thảo chuyên đề "Giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp hướng đến tăng trưởng xanh"
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước hiện có khoảng 5 - 6 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung với khối lượng nguồn thải ra môi trường khoảng 84,5 triệu tấn/năm, trong đó, chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả còn lại 80% lượng chất thải chăn nuôi thải ra môi trường.
Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: "Chăn nuôi tạo ra chất thải rất lớn, điều này có lợi cho ngành gần cây trồng nếu chúng ta có thể xử lý chúng bằng các kỹ thuật vi sinh, kỹ thuật hóa học, để biến những chất thải thành nguồn chất hữu cơ có lợi để bổ sung dinh dưỡng cho đất và cây".
Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng Việt Nam tuy đang thực hiện nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Tuy nhiên, cần hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cũng như các cơ chế chính sách khuyến khích.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết: "Theo khảo sát của chúng tôi, nhận thức của người dân đối với việc bảo vệ môi trường trong thời gian qua đã tăng đáng kể, điều này đóng góp rất lớn trong việc thực hiện đề án của chính phủ. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các chiến lược truyền thông thực tiễn hơn, đi sát với thực tế hơn để mỗi người dân thật sự là tuyên truyền viên trong công tác bảo vệ môi trường".
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường
TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó viện trưởng, Viện chiến lược chính sách Tài Nguyên và Môi Trường, Bộ Tài nguyên Môi trường chia sẻ: "Nội dung về các cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện được mô hình phát triển bền vững hướng đến môi trường xanh".
TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó viện trưởng, Viện chiến lược chính sách Tài Nguyên và Môi Trường
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu là một mục tiêu rất quan trọng.
Trong năm 2022, tổng khối lượng phụ phẩm của cả nước là trên 156,8 triệu tấn và đây phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải.
Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn Việt Nam Phùng Đức Tiến cho biết: "Cần tiếp tục nhân rộng các mô hình hay và hiệu quả trong thời gian qua để tạo ra thêm nhiều doanh nghiệp phát triển bền vững mà muốn như thế thì cần đẩy mạnh truyền thông, đây được xem là điều quan trọng. Áp dụng thêm các công nghệ mới trong phát triển kinh tế tuần hoàn để biến phế phẩm trở bên có lợi ích hơn, song song đó vẫn phải duy trì tốt mô hình hợp tác xã".
Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn Việt Nam Phùng Đức Tiến
Hội thảo là dịp để các cơ quan chức năng và cơ quan hữu quan tập trung thảo luận về những giải pháp hợp lý và hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp bền vững.
Hội thảo là dịp thảo luận các vấn đề về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Hướng tới nền nền kinh tế xanh, góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2023 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9