(HTV) - Sáng 12/6, tại Bộ kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã tổ chức họp thẩm định hồ sơ Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đồng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: TP.HCM là đô thị đặc biệt của cả nước, cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Hội nghị thẩm định Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Tuy nhiên, trong thời gian qua Thành phố đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi tiềm năng, thế mạnh, năng lực đột phá, sáng tạo của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả; vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt có chiều hướng chững lại trong những năm gần đây. Đặc biệt kết cấu hạ tầng đô thị bị quá tải so với sự gia tăng nhanh của dân số; hạ tầng khung đô thị, nhất là hạ tầng ngầm chậm được phát triển, dẫn đến chất lượng sống của người dân đô thị chưa cao. Vấn đề về tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt ngày càng gia tăng trong bối cảnh tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế; cấu trúc không gian đô thị chưa phù hợp với một đô thị cực lớn và siêu thành phố trong tương lai, chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế của một đô thị ven sông, hướng biển.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Tổ chức không gian phát triển còn nhiều bất cập; hạ tầng chưa đồng bộ; quỹ đất phát triển công nghiệp ít, không gian phát triển các KCN chưa phù hợp, dẫn tới việc thu hút đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp còn gặp khó khăn. Hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng giữa TP.HCM với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế của cả nước còn hạn chế. Cần có cơ chế, chính sách và đầu tư hạ tầng phù hợp để duy trì lợi thế cửa ngõ quốc tế của TP.HCM khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động”.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh công tác quy hoạch có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình và xây dựng các kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong từng lĩnh vực nói riêng. Trong thời gian qua, với nhận thức như trên, lãnh đạo Thành phố đã tập trung đôn đốc triển khai công tác lập quy hoạch. Trong quá trình triển khai công tác này, TP.HCM đã nhận được các ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có 20 Bộ, cơ quan ngang bộ, 4 tỉnh lân cận, Tổ tư vấn phản biện quy hoạch, các sở, ngành, quận, huyện và nhiều tổ chức, cá nhân liên quan.
Đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM
Đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận xét: “Dự thảo Báo cáo quy hoạch tập trung thể hiện rõ các định hướng phát triển của Thành phố trên 5 nội dung: Kinh tế xanh; Đô thị sáng tạo; Hạ tầng thông minh; Xã hội văn minh và Môi trường bền vững. Dự thảo báo cáo đã bám sát quy định định hướng, với các định hướng này 5 thách thức tư duy kiến tạo không gian mới, động lực mới cho phát triển Thành phố đã được thể hiện rõ”.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng nhấn mạnh dự thảo Báo cáo quy hoạch Thành phố cơ bản bám sát, đảm bảo phù hợp về mặt định hướng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bám sát các định hướng từ Nghị quyết 24 của Bộ chính trị về Đông Nam Bộ, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về TP.HCM và vận dụng các cơ chế đặc thù Nghị quyết 98 của Quốc hội để triển khai quy hoạch này.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9