(HTV) - Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 29 (COP29) diễn ra từ ngày 11 đến ngày 22/11 tại Baku (Azerbaijan).
Nhiệm vụ chính của hội nghị là đạt được sự đồng thuận của các nước về mục tiêu tài trợ giúp các quốc gia nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia ước tính các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu có thể tiêu tốn hàng ngàn tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, các nước nghèo không có đủ tiền. Vì thế, tài chính cho khí hậu sẽ là một trong những nội dung chính thảo luận tại hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP29 khai mạc ở Baku, Azerbaijan hôm 11/11.
Ông Seth Borenstein - Phóng viên Hãng tin AP, cho biết: "Các quốc gia nghèo rất cần hỗ trợ tài chính. Hiện tại, các nước nghèo nhận khoảng 100 tỷ đô la/năm từ các nước giàu và tổ chức như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế có thể lên tới 1.000 tỷ mỗi năm."
Tài trợ cho các nước nghèo trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ là một trong những mục tiêu chính của COP29. Nguồn ảnh: AP
Vấn đề tài chính được thảo luận tại COP29 sẽ tập trung vào nhiều khía cạnh, như giúp nước nghèo chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, hỗ trợ thích ứng với tình trạng ấm lên toàn cầu, và đền bù cho các nước dễ bị tổn thương chịu thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Điểm gây bất đồng là nước nào sẽ chi trả. Các hội nghị khí hậu đã sử dụng tiêu chuẩn của năm 1992 để phân loại, xác định những nước giàu như Mỹ sẽ hỗ trợ tài chính cho các quốc gia nghèo.
Tuy nhiên, báo New York Times đưa tin, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris về khí hậu. Điều này có thể tác động đến các nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hội nghị COP29 sẽ thu hút khoảng 80.000 đại biểu tham gia. Tuy nhiên, số lượng các nguyên thủ quốc gia phát biểu chỉ còn 48 người, ít hơn dự kiến. Các nhà lãnh đạo của hai quốc gia có lượng khí thải carbon hàng đầu là Trung Quốc và Mỹ sẽ vắng mặt.
Mặc dù, đại diện phái đoàn Mỹ là chính quyền của ông Biden, nhưng việc ông Donald Trump tái đắc cử, người vốn coi nhẹ biến đổi khó hậu và không thích viện trợ nước ngoài, khiến các cam kết của Mỹ khó có thể thực hiện được.
Hội nghị COP29 khai mạc ngày 11/11 tại Baku (Azerbaijan). Nguồn ảnh: AP
Khoảng 77% lượng khí thải làm tăng nhiệt độ trái đất hiện nay đến từ các quốc gia giàu có trong nhóm G20, nhiều quốc gia trong số đó hiện đang cắt giảm ô nhiễm.
COP thường niên là nơi các chính phủ họp bàn và đánh giá những nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Mục tiêu then chốt là giới hạn sự tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 1,5 độ C.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9