Lớp học vẽ miễn phí mang tên "Âm thanh hội họa" là nơi người câm điếc có thể trải nỗi lòng mình trên từng bức họa. Lớp học đó là tâm huyết của họa sĩ Văn Y.
"Với tên gọi lớp học là Âm thanh hội họa, tôi muốn các bạn dùng hội họa làm ngôn ngữ giao tiếp để xóa bỏ mặc cảm tự ti, hòa nhập với cộng đồng, trở thành người thường, thậm chí vượt lên bình thường!" - Họa sĩ Văn Y chia sẻ.
Nhiều năm trước, họa sĩ Văn Y tình cờ chứng kiến nhóm bạn trẻ đứng múa để xin tiền ở một công viên của TP.HCM. Những khuôn mặt ấy đều sáng sủa, tươi trẻ nhưng bị điếc câm, và họ hiểu được các dấu hiệu của ông. Ý tưởng lớn dần thành tâm huyết, lớp học miễn phí mang tên "Âm thanh hội họa" từ đó mà ra đời.
Thời gian đầu, cả thầy lẫn trò đều bị "sốc" vì nhau. Các bạn học viên không hợp tác, bày biện màu vẽ khắp nơi, phá tan nát các tác phẩm mẫu, đánh nhau khiến họa sĩ Văn Y rất lo lắng. Nhưng kiên nhẫn tiếp xúc thêm, ông dần dần nhận ra sự quậy phá "tan nát" ấy chính là cách các em xả căng thẳng do tự ti, mặc cảm ức chế dồn nén lâu ngày không biết xả vào đâu. Người thầy nhẫn nại bắt đầu tìm giải pháp, lắng nghe và quan sát các học viên đặc biệt nhiều hơn.
Sự kiên nhẫn đó đã được đền đáp xứng đáng, các học viên từ từ vào nề nếp, sáng tác ra những ý tưởng độc đáo, rất riêng biệt, không ai trùng lắp ai. Đến nay, hơn 20 người trong số học viên đã trở thành những cành cọ chắc tay, bán được nhiều tranh cho người yêu thích hội họa trong và ngoài nước.
Họ đều được Hội Mỹ thuật TP.HCM công nhận là "họa sĩ khuyết tật", có em được đánh giá có khả năng trở thành tài năng lớn. Nhưng trên tất cả, hầu hết các học viên đều lạc quan, hòa nhập cộng đồng một cách tích cực hơn.
Bảo Châu