Thuộc dạng phim về nghề, nhưng lâu nay vẫn còn ít phim khai thác sâu về nghề nhà giáo, cùng những câu chuyện liên quan đến cuộc sống và công việc của họ. Tuy nhiên, hình ảnh thầy cô giáo vẫn thấp thoáng trong nhiều bộ phim về học trò.
Cảnh trong phim "Vẫn hoài ước mơ"
Tuy ít và không thực sự phong phú về chủ đề lẫn cách thể hiện nhưng nhìn chung những bộ phim đi sâu về nghề giáo đều chuyển tải được tính nhân văn sâu sắc cùng tính giáo dục cao. Và hình ảnh những người thầy, người cô được khắc họa trong đó với nhiều tính cách, song lúc nào cũng tràn đầy sức sống lạc quan đã đem tới nhiều cảm xúc cho người xem.
Trong dòng phim về đề tài nhà giáo do TFS – hãng phim của Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh sản xuất, Tuổi thần tiên (Cu Tí và cô giáo Mai – 1995) là một bộ phim rất xúc động về tình cô trò thập đẹp và ấm áp, khi xoay quanh câu chuyện giữa cô giáo Mai và cu Tí 5 tuổi - con một của gia đình giàu có nên rất được nuông chiều. Người đánh trống trường (2005) cũng nhận được rất nhiều lời khen, kể về những thầy cô giáo với những khó khăn khi dạy học ở vùng sâu vùng xa của miền sông nước Tây Nam bộ.
Hải âu (2003) là câu chuyện mang nhiều thông điệp tích cực, xúc động về thầy giáo trẻ bị mất một cánh tay đã tìm đến một làng chài nghèo ven biển dạy chữ, dạy múa cho những đứa trẻ ở đây. Vẫn hoài ước mơ (2012) xoay quanh những giáo viên trẻ lớn lên ở thành phố trong trong thời đại công nghệ cao, song vẫn đam mê, nhiệt tình vượt qua những trở ngại để cống hiến kiến thức của mình cho các em nơi vùng sâu, vùng xa… Trường nội trú (2012) là cuộc chinh phục, cảm hóa của thầy Tường với những cô cậu siêu quậy trong nhóm Lục quái của lớp 12A1 trong một trường nội trú…
Cảnh trong phim "Tuổi thần tiên"
Riêng phim Yêu nhầm con gái ông trùm 2 (vừa phát sóng trên HTV7) xoay quanh câu chuyện giữa một giảng viên phụ trách bộ môn Quản trị nhân lực đồng thời giữ vai trò chủ nhiệm tạm thời, và cô nữ sinh lắm chiêu nhiều trò - người đứng sau chỉ đạo những trò quậy phá của lớp.
Ngoài những bộ phim kể trên, hình ảnh thầy cô giáo còn thấp thoáng trong nhiều phim truyền hình khác như: Kính thưa Ôsin, Đam mê, Những ông bố độc thân, Tường Vi cánh mỏng, Anh và em, Lối sống sai lầm, Cầu vồng tình yêu, Tuổi thanh xuân, Gia đình là số một, Người giúp việc, Glee, Bí mật đàn ông, Đánh tráo số phận… nhưng chỉ mượn tên nghề, còn chủ yếu khai thác ở những khía cạnh liên quan đến cuộc sống và tình cảm của nhân vật đặt trong bối cảnh xã hội và gia đình.
Cảnh trong phim "Yêu nhầm con gái ông trùm 2"
Mặc dù có ít phim khai thác sâu về nghề giáo, nhưng phim truyền hình về học trò rất nhiều - có thể kể tên như: Vĩnh biệt mùa hè, Áo trắng sân trường, 12A & 4H, Sau những giấc mơ hồng, Gọi giấc mơ về, Kính vạn hoa, Cầu vồng đơn sắc, Nữ sinh, Thứ ba học trò, Những thiên thần áo trắng, Ngôi đền cổ tích, Giấc mơ biển, Chuyện học đường, Gia đình phép thuật, Chạm tay vào nỗi nhớ, Miền xanh, Ngôi sao thứ 31, Lala School, Biệt đội 12A1,Thanh xuân ký… Có học trò tất nhiên là phải có thầy cô. Thời lượng xuất hiện trong các phim này của thầy cô giáo không quá nhiều, vì học trò mới là trung tâm của chuyện phim, song hình ảnh của họ được khắc họa khá sinh động với nhiều môn dạy khác nhau từ văn, vật lý, thể dục, hóa, sinh, tâm lý hay đảm nhận vai trò hiệu trưởng, hiệu phó, giám thị.
Đặc biệt, trong một số phim học đường, hình ảnh của thầy cô giáo không xây dựng theo mẫu số chung quen thuộc là đạo mạo, nghiêm trang hay dịu dàng, hiền hòa cùng những chuẩn mực như mọi người thường nghĩ… Nghĩa là để phù hợp và gần gũi với tâm lý, suy nghĩ của học trò thời mạng xã hội thì trên phim cũng xây dựng hình ảnh các thầy cô trẻ theo xu hướng năng động, chịu “chơi”, chịu “quậy”…
Cảnh trong phim “Gia đình là số 1” phần một
Về phía các diễn viên, với câu chuyện phim sâu sắc, giàu tính nhân văn nên khi thủ vai thầy cô giáo, nhiều người đã chiếm trọn tình cảm yêu mến của đông đảo khán giả. Hóa thân xuất sắc vào vai cô giáo Mai xinh đẹp, dịu dàng và phúc hậu trong phim Tuổi thần tiên, diễn viên Hiền Mai đã có một vai diễn đáng nhớ, và bao nhiêu năm trôi qua nhiều người vẫn thích gọi chị là “cô giáo Mai”.
Hồng Ánh cũng để lại được ấn tượng đẹp khi thủ vai cô giáo Trinh yêu nghề, yêu học trò - chủ nhiệm một lớp có nhiều học sinh rất “quậy” trong phim Kính vạn hoa phần ba. Ca sĩ Quang Vinh vẫn được nhiều fan gọi là “thầy giáo Gia” sau vai diễn đầu tiên trong phim Nữ sinh. Ca sĩ Đan Trường cũng được tặng biệt danh “thầy giáo Nghiêm Tuấn” của phim Thứ ba học trò.
Đảm nhận vai thầy giáo Lâm dạy múa trong bộ phim Hải âu, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng lần đầu chạm ngõ điện ảnh đã nhận được giải Diễn viên triển vọng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2004. Gần đây nhất, với tính cách đáng yêu nhưng không kém phần hài hước, nhân vật cô giáo Diệu Hiền trong phim Gia đình là số 1 đã giúp diễn viên trẻ Diệu Nhi dễ dàng nhận được sự quan tâm và yêu mến của khán giả mỗi khi xuất hiện.
Cảnh trong phim "Những thiên thần áo trắng"
Nhìn chung, từ xưa đến nay những vấn đề liên quan đến ngành giáo dục và nghề giáo luôn được xã hội quan tâm, gợi ý nhiều đề tài gai góc và hấp dẫn cho phim ảnh khai thác. Nhưng vì sao phim về đề tài nhà giáo với thế giới học đường và những câu chuyện đẹp nảy nở ở trường học, những bài học ý nghĩa được truyền dạy từ thầy, cô giáo ngày càng ít xuất hiện trên màn ảnh nhỏ?
Ngoài vấn đề khó tìm được kịch bản hay, miêu tả một cách chân thực và sâu sắc về nghề giáo – nói như nhà biên kịch Châu Thổ thì còn khó thực hiện do “đụng” tới nghề nhà giáo - một trong những ngành nghề luôn được xem là nhạy cảm, hoặc các nhà sản xuất lo ngại làm phim không tới sẽ bị chê là phiến diện, thiếu tính giáo dục hay gây mất thiện cảm với khán giả, nhất là giới học sinh.
Đan Khanh