Hành trình của Thụy Điển đến cánh cửa vào NATO

VIỆT HÙNG - HÀ THẢO - HẢI ÂU - LONG ĐỖ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 8/3/2024, 07:00

(HTV) - Việc Hungary phê chuẩn đơn gia nhập NATO của Thụy Điển đã mở đường cho Stockholm tham gia liên minh này sau hai năm trì hoãn, đồng thời chấm dứt vị thế trung lập mà nước này duy trì qua hai cuộc chiến tranh thế giới và Chiến tranh Lạnh.

Sau nhiều thế kỷ chiến tranh, trong đó cuộc chiến cuối cùng kết thúc vào năm 1814, Thụy Điển bắt đầu tập trung vào phát triển kinh tế. Đến năm 1834, Thụy Điển lần đầu tiên chính thức tuyên bố theo đuổi chính sách trung lập, không tham gia bất kỳ cuộc chiến nào, cũng như không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào.

 Hoàng đế Karl XIV Johan tuyên bố chính sách trung lập của Thụy Điển trong thư gửi Nga và Anh năm 1834. Nguồn ảnh: AP, Nationalmuseum

“Trung lập không có nghĩa là dễ bị bắt nạt”, Giám tuyển Bảo tàng Quân đội Thụy Điển Andreas Ohlsson nói. “Trong những năm 1950 - 1960, chúng tôi vẫn sở hữu lực lợng không quân lớn thứ 4 trên thế giới và có thể huy động khoảng 8.000 binh sĩ trong trường hợp có chiến tranh. Thế nên, việc chọn vị thế trung lập không có nghĩa là chúng tôi chọn theo chủ nghĩa hoà bình, mà là chúng tôi sẽ không cần phụ thuộc vào ai nếu xảy ra chiến tranh”.

Dù vậy, Thụy Điển vẫn trở thành tiếng nói kêu gọi hoà bình và không phổ biến vũ khí hạt nhân, từng có những đóng góp lớn vào các chương trình viện trợ nước ngoài và sử dụng vị thế trung lập để đóng vai trò hoà giải trong các cuộc xung đột trong khu vực và quốc tế.

Thụy Điển từ bỏ vị thế trung lập tồn tại 200 năm, trở thành thành viên thứ 32 của NATO. Nguồn ảnh: Reuters

Thụy Điển cắt giảm chi tiêu quốc phòng sau Chiến tranh Lạnh. Và giống như nước láng giềng Phần Lan, Thụy Điển trong thời gian dài loại trừ khả năng gia nhập NATO. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ucraina vào tháng 02/2022. Cả chính phủ và đa số người dân Thụy Điển đều nhận thấy sự cần thiết của việc từ bỏ vị thế trung lập.

Đông đảo người dân ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO

Việc Thụy Điển nối bước Phần Lan gia nhập NATO được xem là hệ quả trái ngược hoàn toàn với mục đích của Nga khi mở chiến dịch quân sự tại Ucraina, đó là hạn chế sự mở rộng của NATO. Tuy nhiên, việc Stockholm mất gần 2 năm để đứng trước cánh cửa vào NATO đã cho thấy những vấn đề trong nội bộ liên minh này.

Hungary đạt thỏa thuận mua máy bay chiến đấu từ Thụy Điển, vài ngày trước khi Quốc hội Hungary thông qua đơn gia nhập NATO. Nguồn ảnh: AP

Hai tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ucraina, Phần Lan và Thụy Điển cùng quyết định chấm dứt chính sách không liên minh và xin gia nhập NATO.

Đến tháng 4/2023, Phần Lan gia nhập NATO thành công, sau khi nhận được sự ủng hộ từ 30 nước thành viên. Khi đó, Thụy Điển vẫn còn vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, vốn là hai nước có quan hệ tốt hơn với Nga so với các thành viên khác trong NATO.

Lý do Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary trì hoãn duyệt đơn gia nhập NATO của Thụy Điển

Aurora 23 vào năm 2023 là cuộc tập trận lớn nhất của Thụy Điển trong 25 năm, có các nước NATO tham gia. Nguồn ảnh: Försvarsmakten

Việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan được xem là bước mở rộng quan trọng nhất của NATO kể từ khi liên minh này kết nạp các nước Đông Âu sau sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991.

Dù Thụy Điển đã tăng cường hợp tác với NATO trong những thập kỷ gần đây, nhưng tư cách thành viên của nước này sẽ giúp đơn giản hóa việc lên kế hoạch phòng thủ và hợp tác ở sườn phía Bắc của khối, đồng thời mang đến cho liên minh nhiều lợi ích.

Đảo Gotland của Thụy Điển nằm ở trung tâm Biển Baltic, đóng vai trò quan trọng chiến lược.

Trong đó, vị trí địa lý của Thụy Điển được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ kế hoạch phòng thủ nào của NATO.

Thụy Điển sở hữu khoảng 100 chiếc máy bay chiến đấu Saab JAS 39 Gripen. Nguồn ảnh: AFP

Thụy Điển gia nhập NATO: Biển Baltic - “Hồ NATO”

Lợi ích mà Thụy Điển mang lại cho NATO không dừng lại ở mặt địa lý. "NATO sắp kết nạp một thành viên quan trọng và có tiềm lực quân sự”, chuyên viên phân tích Robert Dalsjo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển nói, đồng thời cho rằng Thụy Điển là “mảnh ghép cuối cùng”, giúp hoàn thiện vị thế của NATO tại vùng Bắc Âu - Baltic.

Thụy Điển sở hữu tiềm lực quân sự lớn với công nghệ hiện đại, trong đó có máy bay chiến đấu Gripen thế hệ thứ 4 được trang bị tên lửa không đối không Meteor, xe tăng Leopard 2, tàu ngầm tấn công lớp Gotland được trang bị hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập.

Việc Thụy Điển được phép gia nhập NATO vấp phải sự phản đối của Nga

Nga dĩ nhiên đã không hài lòng với việc Thụy Điển được phép gia nhập NATO. Tổng thống Vladimir Putin đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường binh lính ở phía Tây nước này. 

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng khu vực Baltic và Bắc Âu sẽ trở thành một khu vực tiềm ẩn xung đột, đồng thời cảnh báo Nga sẽ theo dõi các động thái của Thụy Điển trong NATO để đưa ra những phản ứng phù hợp. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: