Việc sử dụng không gian mạng đòi hỏi bản lĩnh, kiến thức và tỉnh táo, nhất là đối với cán bộ, Đảng viên.
Mạng xã hội đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống hiện nay. Đó là nơi chia sẻ thông tin, kỷ niệm, suy nghĩ của mỗi người. Nhưng dần dần, nó lại bị một số nhóm đối tượng lợi dụng, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Do đó, việc sử dụng không gian mạng đòi hỏi bản lĩnh, kiến thức và tỉnh táo, nhất là đối với cán bộ, Đảng viên.
Đầu tháng 5/2023, Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) đưa thông tin cảnh báo về việc nhiều cán bộ, nhân viên, đội ngũ chuyên gia, lãnh đạo Bệnh viện bị mạo danh trên các tài khoản mạng xã hội. Các trang giả mạo này thực hiện tư vấn, khám bệnh trực tuyến, giới thiệu bán thuốc điều trị nhằm trục lợi từ người bệnh.
“Liên quan xử lý các thông tin xấu độc trên không gian mạng, tin giả đó, năm 2022 và 5 tháng đầu năm nay, phòng thông tin điện tử của Sở TTTT cùng các đơn vị chức năng của sở phát hiện 851 tin bài có nội dung xấu độc gây ảnh hưởng đến tổ chức cá nhân, tiếp tục kiểm tra và rà soát trên các thông tin điện tử và mạng xã hội đang hoạt động thấy rằng có 2267 trang, trong đó có 173 trường hợp có hành vi vi phạm, sở đã xử phạt vi phạm hành chính 22 trường hợp, số tiền phạt là 502,5 triệu đồng. Con số đó nói lên phần nào bức tranh đang diễn ra trong môi trường mạng, một môi trường đa kết nối và ngày càng mở rộng khi có hơn 77 triệu người dùng internet trong đó hơn 70 triệu người dùng mạng xã hội. Trong khi rất nhiều những hoạt động trên cuộc sống thường ngày dịch chuyển lên mạng xã hội và trở thành hoạt động giao dịch thường xuyên kèm theo đó là những thông tin xấu độc ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của Thành phố” - Ông Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng Thông tin điện tử Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM chia sẻ.
Mới đây nhất, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.HCM đã phát hiện các tài khoản Facebook "Phan Phu" và "Phan Van Phu" đăng tải nhiều bài viết, bình luận có nội dung đưa thông tin sai sự thật, vu khống, bôi nhọ, xúc phạm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tòa án nhân dân quận Bình Tân đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Phan Văn Phú 2 năm 3 tháng tù giam về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" (Điều 331/BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017).
Tội phạm ngoài đời thực để chứng minh hành vi phạm tội đã khó, thì đối với tội phạm trên không gian mạng, nhiệm vụ đưa các đối tượng ra ánh sáng còn khó hơn. Có một yếu tố quan trọng là phải có lực lượng trinh sát chất lượng cao, giỏi về công nghệ thông tin và có khả năng tác chiến độc lập trên không gian mạng.
Trung tá Nguyễn Ngọc Sơn - Đội trưởng Đội 2, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao TP.HCM tiếp lời: Có thể nói thời gian qua tình trạng tin giả sai sự thật đáng báo động trên không gian mạng, qua đó, quán triệt chỉ đạo của Đảng ủy, ban chỉ huy phòng, chúng tôi ý thức trách nhiệm của mình, đó là vận dụng tất cả biện pháp nghiệp vụ ngành công an và kết hợp với những giải pháp công nghệ để góp phần đấu tranh tội phạm đã lan truyền tin giả tin sai sự thật góp phần thực hiện nghị quyết 35 của Bộ Chính trị, qua đó sẽ xử lý đối với các cá nhân tổ chức đăng tải các tin xấu độc sai sự thật trên không gian mạng. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không nên chia sẻ đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng trên không gian mạng.
Đại tá Đào Trung Kiên - Trưởng phòng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao TP.HCM cho biết: Riêng 2022 Bộ Công an đã phát hiện 5.000 mục tiêu chống phá trọng điểm trên không gian mạng, đăng tải hơn 62 nghìn tin bài xuyên tạc có nội dung sai trái thù địch. Và trong 6 tháng 2023 Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP đã phối hợp phát hiện tổ chức đấu tranh xử lý đối với hơn 62 trường hợp có đăng tải nội dung xấu độc, quan điểm sai trái thù địch, trong đó xử phạt vi phạm hành chính một trường hợp răn đe 11 trường hợp, đấu tranh xử lý nhiều vụ việc đối tượng khác có hành vi tán phát đăng tải thông tin sai trái xấu độc trên không gian mạng.
Hiện đã có rất nhiều quy định, quy tắc về việc sử dụng mạng xã hội được ban hành. Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ra Quyết định 874 về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
Ngày 7/10/2022, Ban Bí thư ban hành Quy định số 85 về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội. Những văn bản quan trọng này góp phần nâng cao sức "đề kháng" cho cán bộ, đảng viên trước âm mưu, thủ đoạn thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi đăng tải tin giả, thông tin sai sự thật, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; xây dựng những chuẩn mực văn hóa, văn minh trong ứng xử, tranh luận, phản biện trên không gian mạng.
Đồng chí Võ Văn Thưởng - Chủ tịch nước - từng chia sẻ trong một hội nghị trên cương vị Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ranh giới an toàn khi dùng mạng xã hội rất dễ bị vượt qua; chỉ có nhận thức, sự kiên định của mỗi người mới đảm bảo an toàn cho chính mình, có như vậy mới giữ vững được "trận địa" an ninh mạng!