Giải pháp phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp Việt trong bối cảnh thương mại xanh

PHƯƠNG THANH - MINH CHƯƠNG - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 28/6/2024, 15:26

(HTV) - Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế Tuần hoàn đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Thương hiệu – “Nội lực mềm” cho doanh nghiệp Việt”.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến ở nhiều điểm cầu trên cả nước.

Những thách thức trong chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đã cùng thảo luận và tìm các giải pháp để phát triển thương hiệu Việt trong bối cảnh thương mại xanh, hướng đến kiến tạo hệ sinh thái doanh nghiệp Việt có thương hiệu mạnh và bền vững. 

Thực tế những năm qua, Việt Nam đã vươn lên top 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến được xác định là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực khi đạt 137,39 tỷ USD, chiếm 87,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng quan ngại là hầu hết sản phẩm Việt, đặc biệt là nông sản chưa xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm Việt chủ yếu là xuất khẩu thô, gia công nên giá trị gia tăng thấp, xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình.

Thống kê từ Bộ Công thương chỉ rõ, có đến 70 - 80% tổng sản lượng hàng hoá Việt Nam là xuất thô, giá trị gia tăng thấp. Minh chứng rõ nét như ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thương hiệu toàn cầu riêng. Hay như nhóm hàng hoá nông sản, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực cung ứng cho cả thị trường trong và ngoài nước, nhưng có tới 80% sản phẩm chưa có thương hiệu... 

Hiện đã có rất nhiều quốc gia nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ở dạng thô, hoặc đầu tư nhà máy chế biến nông sản tại Việt Nam, sau đó sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị sản xuất, rồi bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần... Tính chung trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng thương hiệu của mình. Điều này xuất phát từ nguyên do là Thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu và yếu. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho hàng Việt, cho doanh nghiệp Việt nói chung trên thị trường, nhất là tại thị trường quốc tế.

Theo phân tích, đánh giá của các đại biểu tham dự, việc xây dựng thương hiệu Việt không đơn thuần là dừng lại ở sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo mà còn góp phần khẳng định bản sắc, vị thế của doanh nghiệp Việt trên phạm vi toàn cầu. Cao hơn, sự phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp sẽ là mảnh ghép trong hệ sinh thái thương hiệu quốc gia, góp phần đưa thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC)

Trăn trở với vấn đề xây dựng thương hiệu cho hàng Việt, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), đặt vấn đề, phải chăng cần tìm cho sản phẩm Việt nhân tố mới, tạo nét mới cho sản phẩm Việt, thương hiệu Việt để đi xa hơn. Nhân tố mới đó, theo ông, chính là yếu tố “xanh”.  Để quá trình xanh hóa diễn ra, quan trọng nhất là tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp. 

“Chúng ta cần một rừng xanh - cả một cộng đồng Việt Nam đồng tâm hiệp lực chứ không phải chỉ một vài doanh nghiệp”, ông Hòa nói. Khi nói đến rừng cây xanh, không chỉ có vai trò chính của doanh nghiệp, mà còn có vai trò quản lý của Nhà nước. Vì để doanh nghiệp chuyển đổi xanh bắt buộc phải đầu tư".

Ngoài nguồn lực con người, lãnh đạo thì nguồn lực lớn khác là nguồn vốn. TP.HCM được Quốc hội thông qua Nghị quyết 98, từ đó ban hành Nghị quyết 09 về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, việc thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ được hỗ trợ lãi suất 100%. Ông Hòa kiến nghị UBND TP.HCM sớm ban hành quyết định triển khai nghị quyết này để tạo điều kiện nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Ông Vương Ngọc Dũng - Giám đốc Marketting Công ty Cổ phần mỹ phẩm Sài Gòn (SCC)

Chia sẻ tại hội thảo, ông Vương Ngọc Dũng - Giám đốc Marketting Công ty Cổ phần mỹ phẩm Sài Gòn (SCC), cho biết, qua 50 năm thăng trầm, SCC vẫn giữ được bản sắc riêng. 

Theo ông Dũng, SCC rất quan tâm và tập trung chất lượng sản phẩm. Nếu không đủ chất lượng thì không thể tồn tại và phát triển lâu dài, vì mỗi thời kỳ, giai đoạn, hình thức phân phối, bán lẻ có nhiều hình thức khác nhau.

Để đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, hướng đi của SCC là sâu sát cùng các đối tác nước ngoài ngay từ đầu, để sản phẩm khi xuất khẩu sẽ đáp ứng được ngay các tiêu chuẩn.

Ông Vương Ngọc Dũng cũng chia sẻ thêm định hướng của SCC. Đơn vị hiện đang xâm nhập vào các thị trường khó tính như Nhật Bản và đang nghiên cứu thị trường Ấn Độ.

"Chúng tôi không thể đi một mình khi vào các thị trường lớn và khó tính. Cần có những đối tác để tạo nên sức mạnh lớn hơn. Doanh nghiệp chúng tôi cần sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan Chính phủ, cũng như các chính sách hỗ trợ cho các thương hiệu Việt chinh phục thị trường nước ngoài”, đại diện SCC nói.

PGS - TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM

PGS - TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM khẳng định: Kinh tế tuần hoàn chính là tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Tương lai là tuần hoàn, tương lai là xanh hoặc không có tương lai. Các nội dung cụ thể của nền kinh tế tuần hoàn có thương mại xanh, tiêu dùng xanh, thương hiệu xanh… Để doanh nghiệp Việt ngày càng “xanh” hơn, rất cần sự chung tay vào cuộc của các bộ ngành; cần sự tiếp tục xây dựng và cập nhật khung pháp luật và chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn. 

Bên cạnh đó, cần phát triển các yếu tố cần thiết cho hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn; cần mô hình thí điểm, vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp đầu ngành; lồng ghép các giải pháp kinh tế tuần hoàn vào các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ ngành, địa phương. Thêm nữa, cần có đề án cụ thể cho TP.HCM, tuy nhiên áp dụng theo hướng mở, có lộ trình từng bước và thực chất…

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM cho biết: hiện nay, ở thị trường trong nước, hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, hàng Việt đang được đầu tư phát triển về chiều sâu, lan toả và có sức hút đặc biệt với người tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận nhiều chủng loại hàng hóa trong nước có chất lượng cao, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Trong nước, thương mại hiện đại và thương mại điện tử đã và đang tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho hàng Việt phát triển theo đúng xu thế trên thế giới. Những đầu tư về logistics, cơ sở hạ tầng giao thông cũng đóng góp quan trọng đối với năng lực cung ứng của hàng Việt, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đối với thị trường thế giới, hàng Việt cũng vượt khó và từng bước chinh phục thị trường thế giới bằng chất lượng và giá cả cạnh tranh. 

Hàng Việt cũng đang dần theo hướng “xanh” rất mạnh mẽ. Hàng Việt cũng đã tận dụng được những cơ hội mới, như các hiệp định thương mại tự do.

Giải pháp xanh cho thương hiệu Việt trong bối cảnh thương mại toàn cầu

Ông Nguyễn Anh Đức cũng nêu ra 04 đề xuất nhằm nâng cao năng lực cung ứng và vị thế hàng Việt tại thị trường trong nước và trên thế giới:

Một là, cần có quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng trồng tránh sự cạnh tranh giữa các địa phương, sản phẩm OCOP cũng cần được quy hoạch rõ ràng, phân bố hợp lý chứ không phải người người nhà nhà làm OCOP, chẳng hạn xoài có tới hơn 40 sản phẩm OCOP, không biết nơi nào là đặc trưng. 

Quy hoạch lại sản phẩm nào cho thị trường. Qua khảo sát nhận thấy ở mỗi thị trường nước ngoài, hàng Việt chỉ đang chiếm dưới 2% hàng nhập khẩu vào nước họ. Muốn tăng lên 5-7% thì phải có quy hoạch để có sản phẩm mũi nhọn.

Hai là, định hướng đầu tư sản phẩm tiêu dùng mang thương hiệu quốc gia, thậm chí toàn cầu. Khi đặt câu hỏi cho người tiêu dùng khi nghĩ đến Việt Nam thì nghĩ đến sản phẩm gì thì người tiêu dùng không nghĩ ra được sản phẩm nào mang tính nổi trội đặc trưng của Việt Nam. Do đó, phải đầu tư dài hạn các sản phẩm mang tính thương hiệu quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Ba là, phải có sự thúc đẩy phát triển đồng bộ các ngành cung ứng hậu cần, thương mại điện tử và số hóa, hiện đại hóa, tập trung vào sản xuất, lưu thông, phân phối hàng Việt. Thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam hiện nay rất manh mún, dù tốc độ phát triển luôn hơn 20%, thuộc loại cao trong khu vực. Nhưng thực tế các đơn vị TMĐT ở Việt Nam không ăn nên làm ra do phát triển manh mún, đại trà. Cần phát triển TMĐT để nâng bước cho hàng Việt, cùng với logistics, hạ tầng, phát triển vùng nguyên liệu...

Bốn là, củng cố thị trường hiện hữu bằng các giải pháp như đã nói và phát triển thêm các thị trường mới. Theo bản đồ xuất khẩu Việt Nam thì đang trống hai thị trường tiềm năng quan trọng là Trung Đông và Châu Phi – thị trường có nhiều đặc điểm tiêu dùng tương đồng với Việt Nam nhưng đang bị bỏ ngỏ. Muốn chinh phục các thị trường này cũng cần có định hướng vĩ mô từ sản xuất.

Có thể khẳng định, Thương hiệu chính là “nội lực mềm” cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Và trong bối cảnh khoa học công nghệ, thông tin đang bùng nổ như hiện nay thì việc xây dựng thương hiệu càng trở nên cấp thiết. Xây dựng Thương hiệu chính là gia tăng nội lực nội sinh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hướng tới phát triển vững mạnh, từng bước vươn xa hơn trên thị trường trong nước và thế giới.

Qua hội thảo có thể thấy việc xây dựng thương hiệu hàng Việt đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, từ ý tưởng, nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, sự phối hợp tạo sức mạnh toàn diện để xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Đặc biệt, qua các ý kiến có thể thấy xây dựng thương hiệu cần gắn liền với phát triển xanh, phát triển bền vững. Lâu nay sản xuất chỉ hướng đến đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà chưa chú trọng đến tạo giá trị chuỗi sản phẩm, không chỉ ý nghĩa về vật chất, mà còn ý nghĩa văn hóa, tinh thần. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: