(HTV) - Nhà hát Kịch Idecaf vừa tổ chức buổi phúc khảo dự án “Dưới bóng giai nhân”, góp thêm cho nền nghệ thuật kịch nói Thành phố một tác phẩm giá trị về cả nội dung lẫn hình thức.
"Dưới bóng giai nhân" là dự án được Nghệ sĩ Quang Thảo đặt nhiều tâm huyết dàn dựng
“Hết nạn nọ đến nạn kia
Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”
Vẫn là câu chuyện quen thuộc về nàng Kiều, nhưng nay đã được thổi vào một hơi thở đầy mới mẻ của thời đại
Vở diễn là một phiên bản phái sinh từ nguyên tác “Đoạn trường tân thanh” tức Truyện Kiều của Đại Thi hào Nguyễn Du. Câu chuyện kịch vẫn xoay quanh hành trình 15 năm đoạn trường “thanh y hai lượt, thanh lâu hai lượt” của nàng Kiều bạc mệnh. Tuy nhiên, tác giả - đạo diễn Quang Thảo đã có một số sửa đổi, cũng như làm rõ một vài tình tiết nhằm truyền tải những thông điệp đầy mới mẻ trong tác phẩm vốn đã quá quen thuộc với công chúng.
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Bốn nàng giai nhân đã cùng nhau viết lên một câu chuyện chung cho kiếp hồng nhan, cho "phận đàn bà"
“Dưới bóng giai nhân” không chỉ là câu chuyện về nàng Kiều, mặc dầu rằng đây là nhân vật xuất hiện xuyên suốt vở diễn. Mà trong suốt cuộc câu chuyện ấy, người ta bắt gặp những nhân vật quen thuộc như Đạm Tiên, Tú Bà, Hoạn thư. Tuy nhiên, họ không phải là những phản diện như nhiều người đã biết, mà ở “Dưới bóng giai nhân”, họ chỉ là những “phận đàn bà” cũng lắm truân chuyên. Dẫu có là trâm anh thế phiệt như Hoạn thư, hay chỉ là một kỹ nữ lỡ thì như Tú Bà cũng đều có những nỗi khổ, chất chứa trong lòng là những tiếng thét đứt ruột thấu gan, mà những âm thanh ấy đã được chính người đạo diễn tài tình cất lên hộ cho họ. Không chỉ dừng lại ở đó, Nghệ sĩ Quang Thảo còn đặt vào câu chuyện cũ một thông điệp đầy tính nhân văn và hiện đại - Women support women (Tạm dịch: Phụ nữ hỗ trợ phụ nữ), đây là điểm mà đạo diễn đã tâm huyết đặt vào trong vở.
"Women support women" là một thông điệp đầy mới mẻ được đặt để vào tác phẩm
Điểm mới này chính là sáng tạo đột phá nhất so với nguyên tác, câu chuyện trong “Dưới bóng giai nhân”, không chỉ dành để kể cho riêng gì giai nhân Vương Thúy Kiều, mà là cất lên chung cho những kiếp hồng nhan khác. Bởi một lẽ rất đau lòng rằng, đã trót mang lấy “phận đàn bà” thì “Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.
“Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan”
Hoạn thư của Thanh Thủy là một Hoạn Thư đầy lý trí, nhân ái, đậm đà thiên tính nữ
Một trong những điểm nhấn của vở chính là nhân vật Hoạn thư do Nghệ sĩ Thanh Thủy thủ vai. Hoạn thư vốn đã quá nổi tiếng trong văn hóa Việt, từ một danh từ riêng để chỉ một nhân vật trong tác phẩm, nay đã trở thành như một danh từ chung để ám chỉ những người đàn bà hay ghen, người ta hay nói “ghen như Hoạn thư”, vậy phải chăng Hoạn thư ghen như thế là sai trái, là trái lẽ luân thường?
Thanh Thủy đã thành công nhập vai để làm nên một Hoạn Thư vừa bám sát nguyên tác, vừa chất chứa những suy tư, trăn trở của thời đại mới
Trả lời cho câu hỏi này thật không phải đơn giản, nhưng chính sự khó nhằn trong việc tìm ra lời giải ấy, đã thể hiện khả năng tài tình của tác giả, đạo diễn và chính người diễn viên thể hiện nhân vật này. Nghệ sĩ Thanh Thủy đã có một màn hóa thân xuất sắc dễ làm người ta liên tưởng đến Thần phi Nguyễn Thị Anh, nhân vật mà Thanh Thủy đã gặt hái nhiều thành công trong Bí mật vườn lệ chi (kịch bản: cố soạn giả Hoàng Hữu Đản, đạo diễn: NSƯT Thành Lộc), cũng là những nhân vật có nhiều sự dằn xé trong tâm lý đòi hỏi lực diễn, và bản lĩnh sân khấu vững vàng, Thanh Thủy đã lần nữa chứng minh năng lực của mình trên sàn diễn, khi thể hiện một Hoạn thư đầy danh giá, ý thức một cách rõ ràng vai trò của mình đối với hai nhà Hoạn - Thúc, lại cũng là một người vợ thương chồng hết mực, để rồi đến những cảnh cuối cùng của vở, nữ nghệ sĩ đã thu trọn sự đồng tình của người xem với một quyết định đầy bất ngờ của mình. Có thể nói, vai diễn này chính dấu son tiếp theo trong sự nghiệp diễn xuất của Nghệ sĩ Thanh Thủy.
Không ngoa khi nhận định rằng, Thanh Thủy đã ghi thêm một dấu ấn nữa trong sự nghiệp diễn xuất trong "Dưới bóng giai nhân"
“Sống làm vợ khắp người ta,
Hại thay, thác xuống làm ma không chồng!”
Số phận của những ca kĩ như Tú Bà cũng được Quang Thảo chăm chút khi đưa lên sàn diễn
Bên cạnh một Hoạn thư trâm anh thế phiệt, là những ca kĩ bạc phần như Thúy Kiều, Đạm Tiên, và Tú Bà. Nếu trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dành hết 3254 câu thơ để cất thay tiếng khóc của Kiều và Đạm Tiên, thì với “Dưới bóng giai nhân”, tác giả đã dành riêng cho một cảnh vô cùng đắt giá cho Tú Bà - Nhân vật được thể hiện qua màn hóa thân của Nghệ sĩ Hoàng Trinh.
Tú Bà Lã Thu do Nghệ sĩ Hoàng Trinh thủ vai
Trong tác phẩm, Tú Bà được đặt tên là Lã Thu, dù thời lượng xuất hiện không nhiều, chỉ một trong 14 cảnh của vở, nhưng đã đủ để ghi dấu, mang lại những thổn thức trong lòng khán giả. Bằng khả năng của mình, Hoàng Trinh đã thu phục những giọt nước mắt từ hàng ghế khán giả bằng những nụ cười tự trào đầy chua xót của nhân vật. Đây hứa hẹn sẽ là một nhân vật mang đến nhiều trăn trở cho giới mộ điệu khi thưởng thức vở diễn.
Hoàng Trinh cũng đã có thêm cho mình một vai diễn đầy tính nghệ thuật trong sự nghiệp diễn xuất
“Âu đành quả kiếp nhân duyên,
Cùng người một hội, một thuyền đâu xa!”
Hồng Ánh và Mỹ Duyên lần lượt đảm nhiệm hai hình tượng vốn đã quá quen thuộc trong nền văn chương nước nhà
Hai bóng giai nhân gần như xuất hiện xuyên suốt vở không ai khác chính là Thúy Kiều và Đạm Tiên, lần lượt được thủ vai bởi Nghệ sĩ Hồng Ánh, và NSUT Mỹ Duyên.
Đạm Tiên và Thúy Kiều xuất hiện xuyên suốt như bộc bạch tâm tình của nhau
Cùng xuất thân từ nghệ thuật múa, cả hai nữ diễn viên đã có những màn thể hiện hình thể vô cùng đẹp mắt, thể hiện một cách trọn vẹn tâm lí của nhân vật. Nếu trong “Truyện Kiều”, hai người được xem là “cùng hội, cùng thuyền”, đều có tên trong “sổ đoạn trường”, thì dưới góc nhìn của Nghệ sĩ Quang Thảo, đã biến hai nhân vật này như hình với bóng, như hai dòng suy nghĩ chảy trong một cơ thể. Với NSUT Mỹ Duyên, bằng các kĩ thuật hình thể, cô đã thể hiện Đạm Tiên như một dòng tâm lý khác của Kiều, thoắt ẩn thoắt hiện, người xem cứ ngỡ đây là một bóng ma theo đuổi nhân vật chính, nhưng không, đây chính là Kiều, là những cảm xúc, suy nghĩ chất chứa sâu bên trong con người đã dày dặn sương gió suốt 15 năm đoạn trường.
Đạm Tiên của Mỹ Duyên không chỉ là một bóng ma trong quá khứ, mà còn lại tiếng nói được cất lên sâu thẩm bên trong Thúy Kiều
Còn với Hồng Ánh - Một người “chuyên trị” những "phận đàn bà" nghiệt ngã như nhân vật cô giáo Hạnh trong “Trăng nơi đáy giếng” (Đạo diễn: Nguyễn Vinh Sơn, Biên kịch: Châu Thổ, dựa trên truyện ngắn cùng tên của Trần Thùy Mai), hay cô The trong “Nửa đời hương phấn” (Nguyên tác cải lương: Hà Triều - Hoa Phượng, chuyển thể kịch nói: Hoàng Thái Thanh, Đạo diễn: Ái Như), Hồng Ánh đều đã thể hiện rất xuất sắc nhưng không hề trùng lắp.
Hồng Ánh khóc cười cùng Kiều trong suốt 03 tiếng của vở diễn
Nữ nghệ sĩ đã làm khán giả đau xót với từng tiếng thét của nhân vật, những tiếng thét vang ra không phải từ sự dao động của thanh quản trong cuống họng, mà từ những rung rẩy trước sự cay nghiệt của cuộc đời trao cho một bóng hồng nhan. Với Vương Thúy Kiều -Một nhân vật kinh điển của nền văn chương Việt Nam, Hồng Ánh đã lựa chọn thể hiện một hình tượng Thúy Kiều đậm đà thiên tính nữ, nhưng cũng đầy bản lĩnh. Nhân vật đã được khắc họa một cách đầy rõ nét không chỉ tâm lý, mà còn là thứ khát khao lớn nhất của nàng - Một hạnh phúc bình thường. Khát khao ấy vốn là một mưu cầu đầy chính đáng của bất cứ một con người nào, nhưng chính những mưu toan, lộc lừa, chính lòng người đã dìm chết một lòng người. Bi kịch của Kiều, cùng khát vọng giản đơn nhưng đầy chính đáng đã được nữ Nghệ sĩ Hồng Ánh thể hiện một cách chân thật nhưng vô cùng xuất thần.
Tiếng thét của nhân vật cũng chính là tiếng kêu cứu yếu ớt cho số phận bị tước đi quyền căn bản của con người - Quyền được mưu cầu hạnh phúc
“Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.”
Vở diễn không chỉ được chăm chút về mặt nội dung mà còn được đầu tư mạnh về mặt hình thức như cảnh trí, trang phục, âm nhạc,...
Viết nên một kiệt tác trong nền văn học Việt Nam, nhưng kết lại tác phẩm, Nguyễn Du chỉ xem tác phẩm của mình là “lời quê”, chỉ để “mua vui” trong “vài trống canh”. Nghĩa rằng, với Nguyễn Du chức năng căn bản nhất của một tác phẩm không gì khác ngoài chức năng giải trí, sau đó mới là các giá trị, là trăn trở, là tâm tình của tác giả.
“Dưới bóng giai nhân” cũng không nằm ngoài quy luật ấy, dẫu chất chứa nhiều tầng nghĩa về nhân sinh, về cuộc sống, nhưng tác phẩm lại không hề mang nặng tính giáo điều, bởi lẽ, tác phẩm đã được khoác lên mình một lớp áo đầy màu sắc, đó là những cảnh trí bắt mắt, là cách sử dụng ánh sáng cũng như âm nhạc đầy hợp tình, hợp lẽ, đẩy cảm xúc của người xem đến tột cùng. Để rồi, khi màn sân khấu khép lại, tác giả đã để lại một câu hỏi để mỗi khán giả đi xem lại mở ra mỗi câu chuyện trong tâm khảm mỗi người.
Đạo diễn - Biên kịch Quang Thảo cùng ekip đã làm nên vở diễn
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9