Năm 2022, ngành du lịch TP.HCM đã có sự tăng trưởng và phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19. Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành "kinh tế không khói" trong năm 2023, cần có những giải pháp nào?
Du lịch TP.HCM phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19
Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, khách nội địa đến TP.HCM ước đạt 3.262.744 lượt, tăng 232,9% so với cùng kỳ năm 2021. Qua đó góp phần nâng cao tổng số lượng khách nội địa đến Thành phố năm 2022 ước đạt trên 31,2 triệu lượt, tăng 234,1% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 24,9% so với kế hoạch năm 2022.
Lượng khách du lịch quốc tế đến TP.HCM trong tháng 12/2022 đạt 326.790 lượt, nâng số lượng khách quốc tế đến Thành phố năm 2022 là 3.465.686 lượt, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 99% kế hoạch năm 2022.
Tổng thu du lịch trong tháng 12/2022 ước đạt 13.150 tỷ đồng, tăng 1.095,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm 2022, tổng thu ước đạt 131.138 tỷ đồng, tăng 196,4% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 45,7% so với kế hoạch năm 2022.
Trong dịp Tết Dương lịch năm 2023, TP.HCM đã đón khoảng 35 ngàn lượt khách quốc tế, 1,6 triệu lượt khách đến tham quan tại các khu điểm du lịch, 215 ngàn lượt khách tại các cơ sở lưu trú, công suất phòng ước đạt 85%. Doanh thu ước đạt 5.943 tỷ đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM: "Nhìn chung, ngành du lịch TP.HCM đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, tăng tốc trong giai đoạn phục hồi sau dịch. Du lịch Thành phố ngày càng được khẳng định trên bản đồ thế giới với nhiều giải thưởng uy tín liên tiếp được trao trong năm 2022 như "Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á", "Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á" và "Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á" của Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA). TP.HCM là điểm đến du lịch nội địa được yêu thích nhất, hấp dẫn nhất khu vực trong mùa cao điểm hè. Gần đây nhất, TP.HCM là một trong hai thành phố của châu Á nằm trong top 15 các điểm đến được truy cập nhiều nhất trên thế giới cuối năm 2022".
Để có được kết quả như trên, Sở Du lịch TP.HCM đã phải trải qua nhiều nỗ lực và trăn trở, với quyết tâm cao, ngành du lịch TP đã chủ động, tham mưu, đề xuất và triển khai hàng loạt các giải pháp tăng tốc phát triển du lịch, với kỳ vọng đạt được mục tiêu kế hoạch đã đề, nhanh chóng vực dậy sự phát triển bền vững, ổn định du lịch của TP và các địa phương trong cả nước, đồng thời tạo khí thế, động lực phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế khác.
Điểm nhấn nổi bật của năm 2022 là ngành du lịch TP.HCM đã thực hiện thành công chương trình "Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng". Đến thời điểm này, ngành du lịch đã giới thiệu hơn 60 sản phẩm của 20/21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Trong đó có 30 sản phẩm mới, phục vụ du khách đi và về trong ngày và những sản phẩm phục vụ du khách từ 2 ngày đến 1 tuần tại TP.HCM trong dịp Tết Quý Mão.
Một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023 là sản phẩm du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ). Đây là sản phẩm khai thác hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, cùng với các giá trị tự nhiên khác như làng nghề truyền thống, bản sắc văn hoá của người dân bản địa. Song song đó, hai sản phẩm mới độc đáo của TP.HCM phải kể đến là "Ngắm Thành phố từ trên cao" bằng máy bay trực thăng và "Du thuyền trên sông Sài Gòn".
Bên cạnh đó, Sở Du lịch TP.HCM tiếp tục triển khai chiến dịch quảng bá, xúc tiến truyền thông điểm đến và chương trình "Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City" nhằm giới thiệu hình ảnh TP.HCM sống động, đổi mới từng ngày. Lần đầu tiên du lịch TP được quảng bá trên kênh truyền thông quốc tế CNN. Đây cũng là tín hiệu vui ghi dấu sự sẵn sàng của ngành du lịch để chào đón du khách và nhà đầu tư đến Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trong dịp lễ hội đầu năm 2023.
Nhận định về tình hình ngành du lịch TP.HCM trong năm 2022, ông Nguyễn Hữu Y Yên – Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết: "Ngay từ khi ngành du lịch Việt Nam mở cửa trở lại trong những tháng đầu năm 2022, TP.HCM đã có sự phục hồi nhanh chóng trong mảng du lịch nội địa và du lịch nước ngoài, cả đối với khách lẻ và khách đoàn MICE (Loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm…). Điều này thể hiện nhu cầu du lịch vượt trội của khách hàng khi mọi hoạt động kinh tế, dịch vụ quay trở lại bình thường sau dịch. Đồng thời thể hiện sự phục hồi nhanh chóng của chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch của TP.HCM và cả nước, từ lưu trú đến nhà hàng, vận chuyển, tham quan - giải trí".
Giải pháp để du lịch TP.HCM bứt phá trong năm 2023
Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế thấp hơn so với chỉ tiêu. Tiềm lực phát triển thị trường quốc tế đến Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng rất lớn, và còn rất nhiều điều cần làm để mảng du lịch quốc tế khôi phục như trước đây và tăng trưởng bền vững hơn.
Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel: "Để thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch TP.HCM trong năm 2023, đối với thị trường nội địa, cần thực hiện hiệu quả các công tác quản lý điểm đến, cải thiện sản phẩm du lịch đặc trưng. Song song đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm và mua sắm hoàn thuế. Trong đó phát triển kinh tế đêm cần gắn với văn hóa bản địa.
Đối với thị trường quốc tế, ngành du lịch cần tháo gỡ rào cản thị thực. Hiện nay, Việt Nam chỉ đang miễn thị thực đối với 25 quốc gia, con số này khó cạnh tranh với Singapore (162 nước) và Thái Lan (65 nước). Ngoài ra cần đẩy mạnh các hoạt động quảng bá Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng đến với thị trường nước ngoài. Đồng thời, chúng ta nên nghiên cứu và chuyển hướng thị trường, tập trung khai thác các thị trường tiềm năng mới như Ấn Độ, các nước trong khối GCC, châu Âu, nơi mà du khách có khả năng chi tiêu cao và đang tìm kiếm điểm đến mới sau dịch".
Đưa ra những giải pháp cho ngành du lịch TP.HCM trong năm 2023, ông Trần Thanh Vũ – CEO VinaGroup Travel cho biết: "Các cơ quan, các công ty lữ hành cần tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, văn hoá, lịch sử và con người Việt Nam. Chúng ta cần có chiến lược dài hạn về đầu tư quảng bá du lịch Việt Nam nói chung và điểm đến cụ thể của địa phương nói riêng tại từng thị trường trọng điểm. Ngoài ra cần tăng thời hạn lưu trú cho du khách quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong chính sách nhập cảnh".
Ông Nguyễn Hữu Y Yên – Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cũng cho biết: "Việc khai thác thế mạnh du lịch địa phương cần đi kèm với bảo tồn bản sắc văn hoá - thiên nhiên - con người, bởi đó là một phần không thể thiếu của hầu hết các sản phẩm du lịch, đặc biệt là đối với thị trường khách quốc tế. Ở tầm vĩ mô, chúng ta cần sớm triển khai thực hiện các dự án xây mới, cải tạo hạ tầng cảng biển, đường thuỷ nội bộ… để đẩy mạnh khai thác du lịch đường biển, đường sông. Đây là thế mạnh trong sản phẩm du lịch Việt Nam".
Để tiếp tục thu hút khách du lịch đến TP.HCM trong năm 2023, Sở Du lịch TP đề xuất một số giải pháp sau:
Công tác quảng bá: Ngành du lịch sẽ tập trung các giải pháp, sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô các sự kiện du lịch, các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch trong phạm vi cả nước và quốc tế tại các thị trường tiềm năng và trọng điểm.
Chính sách thị thực: Tiếp tục kiến nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Chính phủ về chính sách thị thực cần cởi mở, thông thoáng hơn và có thêm phương án hỗ trợ doanh nghiệp. Đa số các nước trong khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Campuchia…) miễn thị thực cho khách quốc tế từ 30 ngày và có thể gia hạn trước khi hết hạn. Việc Việt Nam chỉ cấp thị thực 15 ngày nên doanh nghiệp khó tổ chức những đoàn quy mô lớn và dài ngày. Ngoài ra cần mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các nước.
Vấn đề nguồn nhân lực: Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đối với cán bộ, công chức, viên chức trong ngành và liên quan, lực lượng quản lý, điều hành của doanh nghiệp du lịch, lực lượng lao động trực tiếp - cộng đồng dân cư địa phương. Đến nay, ngành du lịch TP.HCM cơ bản đã kiểm soát được sự thiếu hụt về chất lượng và số lượng lao động.
Hợp tác du lịch đa phương: Đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh thành, vận dụng sáng tạo theo hướng hợp tác đa phương. Đồng thời khai thác lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương để tạo ra những sản phẩm du lịch liên kết, có sức hấp dẫn, góp phần kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao mức chi tiêu của khách du lịch. Qua đó thúc đẩy sự phát triển của du lịch TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đa dạng hoá sản phẩm du lịch: Đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch phân khúc thị trường khách trung và cao cấp. Bên cạnh đó, ngành du lịch tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thuỷ, tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền sản phẩm du lịch y tế, đề xuất các tour sản phẩm du lịch đêm và nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ ẩm thực để phát triển phù hợp với tình hình của TP và nhu cầu, thị hiếu của du khách.