Đạo diễn

Đỗ Khoa: Mong muốn “đứa con đầu tiên” mang đậm hơi thở mùa xuân

Đỗ Khoa là đạo diễn trẻ của hãng phim TFS, từng tham gia khá nhiều dự án phim truyền hình. “Đợi Mai” là bộ phim đầu tay mà anh chính thức ngồi ghế đạo diễn. Anh muốn “đứa con đầu tiên” của mình sẽ mang đậm hơi thở mùa xuân.


Đỗ Khoa là một đạo diễn trẻ đầy nhiệt huyết của Hãng phim TFS

Cứ vui đi mà sống

Từ trước đến nay, hãng phim TFS nhận đề cương kịch bản từ các tác giả, sau đó trải qua quá trình thẩm định, đặt hàng viết, biên tập rồi mới đưa vào sản xuất. Nhưng lần này, đạo diễn Đỗ Khoa được “theo đuổi” Đợi Mai từ khi chưa hình thành. 

Sau khi hai biên kịch Hạnh Ngộ và Nguyễn Quỳnh đưa ý tưởng kịch bản, đạo diễn Đỗ Khoa đã trao đổi với họ về ý muốn của mình. Khi có đề cương kịch bản, cùng với sự giúp đỡ của biên tập Minh Diệu, anh lại cùng mọi người ngồi bàn bạc, chỉnh sửa lần nữa. Đến lần thứ sáu, kịch bản Đợi Mai mới hoàn chỉnh. Vì vậy, khi ra phim trường, mọi thứ đều diễn ra theo ý của đạo diễn trẻ này.

Anh chia sẻ: “Thật ra lúc đầu, Đợi Mai là câu chuyện về người cha lạc mất con và hành trình đi tìm suốt 16 năm với cái kết là ngày cha con đoàn tụ, cuộc sống xung quanh của người cha cô độc này sẽ tốt hơn, các mối quan hệ cũng mở rộng. Tuy đây là bộ phim mang ý nghĩa sum vầy nhưng ẩn sâu vẫn là câu chuyện xúc động, mang “một chút” buồn. Tôi muốn phim Tết phải có không khí vui hơn nên đã trao đổi với hai biên kịch và biên tập viên để sửa kịch bản. Và họ đã chỉnh sửa để hầu hết câu chuyện xung quanh hành trình tìm con đều mang không khí vui tươi, đến lúc hai cha con đoàn viên, mọi người có khóc thì cũng là giọt nước mắt hạnh phúc.


Anh muốn “Đợi Mai” luôn mang không khí vui tươi từ đầu cho đến cuối phim

Ngoài ra, biên kịch còn sáng tạo thêm một nhân vật phụ làm nhiệm vụ chăm sóc, an ủi ông Minh - người cha (do diễn viên Quốc Cường đóng), đó là Mai mũm mĩm, cô bé bán sữa đậu nành. Luôn mang tinh thần lạc quan, vui vẻ, Mai mũm mĩm (do diễn viên Kim Đào đảm nhận) khá dễ thương. Qua nhân vật này, khán giả sẽ thấy những gì mà cô ấy thể hiện đều mang thông điệp “đừng nên quá lo lắng, hãy cứ vui đi mà sống”. Và đó cũng là tinh thần mà tôi luôn muốn các nhân vật trong Đợi Mai đều có”. 

“Biến” bến thành chợ

Với Đợi Mai, một bộ phim mang không khí Tết, khó khăn nhất chính là bối cảnh lạc mất con ở bến Bình Đông. Đạo diễn Đỗ Khoa có thắc mắc với biên kịch vì sao lại chọn bối cảnh này thì họ nói, trước đây, khu vực mang không khí Tết mà người thành phố ấn tượng nhất là nơi đây. Bến Bình Đông vốn là nơi giao thương buôn bán, cảnh lên ghe xuống thuyền tấp nập, hoa kiểng tràn ngập sắc màu… giữa cảnh bộn bề, câu chuyện về ông bố lạc mất con vào ngày Tết sẽ khiến người xem xúc động.

Nhưng thực tế, việc tái hiện lại bến Bình Đông nhộn nhịp vào dịp Tết là điều không hề dễ, vì thế, đạo diễn Đỗ Khoa cùng ê-kíp đã quyết định “biến” bến Bình Đông thành chợ Bình Xuân. Để tái hiện bối cảnh chợ buôn bán tấp nập, người qua lại nhộn nhịp cùng nhau mua sắm để chuẩn bị Tết vui vẻ, đầm ấm, ê-kíp đã dựng khoảng 30 sạp bán hàng, quần chúng góp mặt trong cảnh quay này cũng lên đến 80 người, chưa kể những người buôn bán thật. 


Bối cảnh chợ Bình Xuân mất khá nhiều công sức và thời gian để dàn dựng

Có thể nói, đây là cảnh xuất hiện hầu hết các nhân vật trong phim. Tuy là cảnh mở màn để lý giải câu chuyện vì sao ông Minh lạc mất con gái tên Mai, và sau khi bị lạc cha, chuyện gì đã xảy ra với cô bé… nhưng lại là cảnh quay cuối cùng mà đoàn phim dốc toàn bộ “sức người sức của” để thực hiện.

Đạo diễn Đỗ Khoa nói: “Có thể người xem sẽ nghĩ khoảng cách chợ không đủ lớn để lạc mất nhau, nhưng tôi lại muốn diễn đạt rằng: Ở một góc khuất đông đúc nào đó, nhiều khi chúng ta đứng rất gần nhưng vẫn có thể không tìm thấy nhau, và tôi hy vọng mọi người sẽ có cảm giác này khi xem phim”. 

Ngoài ra, ngôi nhà của Mai, nơi cô bé sinh sống sau khi bị lạc cha được kịch bản miêu tả ở Huế cũng là bối cảnh khó. Kiếm một ngôi nhà mang đậm chất Huế ở TP. Hồ Chí Minh không đơn giản, di chuyển ra Huế để quay thì kinh phí không cho phép, đạo diễn Đỗ Khoa cùng ê-kíp đã kiếm rất nhiều ngôi nhà, và cuối cùng cũng tìm thấy một nơi gần giống với kịch bản đề cập. Đáng tiếc, ngôi nhà này từng xuất hiện rất nhiều trên màn ảnh, nếu tiếp tục có trong Đợi Mai, người xem sẽ nhận ra ngay. Bối cảnh trùng lắp, nhàm chán, không có gì mới mẻ… là điều đạo diễn Đỗ Khoa không mong muốn. Vì vậy, anh quyết định sẽ “thay áo mới” cho ngôi nhà này.

“Rất nhiều cây cảnh, hoa mai, câu đối liễng… là những gì mang không khí Tết được ê-kíp thêm vào để có bối cảnh giống như miêu tả trong kịch bản. Đồng thời, tôi cũng cho đặt máy ở những góc quay khác nhau để có thể thu được những hình ảnh tuy cùng là một địa điểm nhưng lên phim hoàn toàn mới mẻ”, đạo diễn Đỗ Khoa nói. 


Không khí mùa xuân tràn ngập khắp các bối cảnh trong phim

Bên cạnh đó, ngôi nhà của ông Minh cũng là một bối cảnh được ê-kíp chăm chút. Trước khi lạc mất con, ông Minh vốn là một nhà giáo, sau đó chuyển sang nghề xe ôm. Tuy chỉ là ngôi nhà cấp 4 nhưng có nhiều cây, nhiều hoa và đặc biệt, lúc gia đình đầm ấm, trước nhà đều có cây mai nở rộ. Vì vậy, sau khi lạc con, nhà ông Minh vẫn chưng cây mai giả kèm theo bảng tìm con trước nhà. Bởi người cha này mong, một ngày nào đó, con gái có vô tình đi ngang, nhìn thấy cây mai sẽ nhận ra đây là ngôi nhà của mình năm xưa.

Anh tâm sự: “Với ý nghĩa, hoa mai nở báo sum vầy, con sẽ về, gia đình sẽ đoàn tụ, nên tôi muốn cây mai trong nhà ông Minh phải là thật, chứ không dùng đạo cụ thay thế. Để mai có thể nở vào đúng ngày đoàn phim bấm máy là điều không dễ vì thời điểm hiện tại tất cả cây mai đều đang được chăm sóc cho dịp Tết. May mắn, ê-kíp nhận được sự trợ giúp của một “cao thủ” trồng mai, sẵn sàng dùng mọi cách để “ép” hoa nở, và sau khi cây mai này “cống hiến” xong sẽ “ngủ đông” sớm hơn dự định”.

Nhạc phim truyền tải thông điệp ý nghĩa

Nhạc phim cũng là một yếu tố quan trọng phản ánh thông điệp mà bộ phim muốn gửi đến khán giả. Với Đợi Mai, đạo diễn Đỗ Khoa mong muốn nhạc trong phim sẽ có những âm hưởng từ hai bài Ước mơ ngọt ngào (do Hoài An sáng tác) với ý nguyện một cái Tết sum vầy dù ngày thường có thể mọi người không ở cùng nhau; và Chuyện cũ bỏ qua (do Huỳnh Hiền Năng sáng tác) ngụ ý cuộc sống có rất nhiều lo toan, nhưng hãy tạm gác lại để có một ngày Tết trọn vẹn.


Diễn viên Hoàng Yến được đạo diễn Đỗ Khoa tin tưởng giao đảm nhận vai Mai

Với ý tưởng đó, nhạc sĩ Văn Anh cũng đã mang đến cho phim Đợi Mai một sáng tác mới thể hiện được tinh thần vui tươi khi xuân về. Nhắc đến Văn Anh hẳn mọi người sẽ nhớ ngay đến anh chàng diễn viên điển trai cùng chiếc răng khểnh với vai diễn cậu sinh viên học giỏi, hiền lành trong Phía trước là bầu trời - bộ phim từng là “thanh xuân” của nhiều người. Trong Đợi Mai, anh cũng sẽ đảm nhận một vai diễn khá thú vị, cậu bạn “thanh mai trúc mã” với cô bé Mai.

Hoàng Minh