Di sản văn hóa: Cơ hội vàng để phát triển du lịch bền vững

CHÂU NGỌC - THANH VÂN - MINH KHÔI - HOÀNG LINH - HỒ ĐỨC - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 18/10/2024, 13:56

(HTV) - Với mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp văn hóa, TP.HCM đang đẩy mạnh đầu tư vào du lịch đặc biệt là du lịch văn hóa, kết hợp với việc ứng dụng công nghệ và tạo môi trường đầu tư thuận lợi.

Sở hữu hơn 1000 km đường sông cùng hệ thống các kênh rạch đa dạng, thời gian gần đây TP.HCM đã đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch đường thủy trên sông Sài Gòn và các tuyến kênh nội đô. Bên cạnh đó, những tour tham quan di tích lịch sử, văn hóa kiến trúc đặc trưng của thành phố cũng đã tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo mang nét thu hút riêng cho đô thị sông nước.

Những hoạt động vui chơi giải trí được tổ chức trên sông nước

Việt Nam được nhiều tổ chức thế giới bình chọn là "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới", "Điểm đến văn hóa hàng đầu Châu Á", "Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á"… cho thấy Việt Nam được đánh giá rất cao về tài nguyên văn hóa trong phát triển du lịch.

Công viên bờ sông Sài Gòn ở Thủ Thiêm 

Nhưng để chuyển hóa được nguồn lực văn hóa thành giá trị kinh tế du lịch, đưa du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa như chiến lược mà chính phủ và TP.HCM đã xác định thì còn nhiều việc cần làm.

Bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP.HCM

Bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP.HCM nhấn mạnh: "Di sản văn hóa không chỉ là kho tàng lịch sử mà còn là nguồn lực quý báu cho ngành du lịch. Để khai thác tối đa tiềm năng này chúng ta cần những khoản đầu tư mạnh mẽ và bền vững. Đó là đầu tư vào công nghệ, khoa học, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất. Chỉ khi có một hệ thống đầu tư toàn diện chúng ta mới có thể biến di sản thành một ngành công nghiệp thực sự, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố".

Ông Phạm Anh Vũ - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt kêu gọi mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia phát triển cộng đồng du lịch thông minh. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ vào du lịch để tạo ra những trải nghiệm độc đáo và bảo tồn giá trị văn hóa. Qua đó, ông mong muốn thu hút các nguồn lực tài chính để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam.

Tiến sĩ Phan Anh Tú - Trưởng khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ: “Công nghiệp văn hóa nhìn chung phải là sự tích hợp của nhiều cơ quan ban ngành và có tính chất nhất thể hóa. Chính sách phát triển xây dựng công nghiệp văn hóa từ các trường đại học cũng là phương thức để phối hợp các viện nghiên cứu, các trường đại học đào tạo về cơ sở lý luận cùng các trường dạy sinh viên về thực hành”.

TP.HCM đã đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch đường thủy trên sông Sài Gòn và các tuyến kênh nội đô

Thành phố cần huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư toàn diện đồng bộ lĩnh vực văn hóa thể thao nói chung và du lịch văn hóa nói riêng. Theo đó, trên nền tảng Nghị quyết 98, thành phố đã kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP (Public Private Partnership, tức là đầu tư theo hình thức đối tác công tư) với 23 dự án văn hóa, thể thao.

Theo ông Trần Thế Thuận - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho rằng việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thể thao đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào những lĩnh vực này, cần có những chính sách hỗ trợ về vốn vay, thủ tục pháp lý và đất đai.

Ông Đỗ Quang Hưng - Trưởng phòng Hợp tác Công tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM

Ông Đỗ Quang Hưng - Trưởng phòng Hợp tác Công tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết Sở sẽ tiếp tục là cầu nối giữa chính quyền và các nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và minh bạch. Việc đầu tư vào công nghiệp văn hóa theo hình thức PPP không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân thành phố.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đưa ra lời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng hệ sinh thái văn hóa. Ông nhấn mạnh rằng đây không chỉ là cơ hội để phát triển văn hóa mà còn là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Bộ sẽ đồng hành cùng địa phương và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án.

Khung cảnh Sài Gòn về đêm

Trong bối cảnh Nghị quyết 98 tạo nhiều lợi thế để kêu gọi đầu tư, TP.HCM mong muốn đến năm 2030 sẽ có những cơ sở vật chất đủ tầm để trở thành trung tâm sự kiện tầm châu lục, có thiết chế văn hóa thể thao hiện đại và cũng là nơi có đủ điều kiện, năng lực tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn có tầm vóc của châu lục, thế giới, tạo nền tảng để phát triển ngành du lịch văn hóa nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: