(HTV) - Hành trình giảm phát thải về 0 năm 2050 theo cam kết của chính phủ Việt Nam tại COP26 là đích đến của cả quốc gia trong đó có vai trò của TP.HCM. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.
Nguyên tắc cơ bản của thị trường tín chỉ carbon là bên mua sẽ trả phí để nhận thêm các tín chỉ, hạn ngạch phát thải nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải hoặc để hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường ngặt nghèo về tiêu chuẩn sản xuất xanh.
Theo Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C Food, trước kia không có tín chỉ carbon thì đốt và sử dụng bao nhiêu cũng được. Nhưng hiện có thị trường chứng chỉ carbon chúng ta sử dụng nhiều nguyên liệu hóa thạch xả thải ra môi trường càng nhiều khí CO2, điều này có nghĩa là chúng ta đang thiếu tín chỉ CO2 chúng ta phải đi mua ở những đơn vị thừa. Nếu như vậy chi phí này sẽ làm tăng giá thành sản xuất làm cho cạnh tranh doanh nghiệp yếu đi, do đó doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề này.
Theo Thạc sĩ Đặng Thị Bạch Vân - Thành viên Nhóm nghiên cứu Thị trường Carbon, Đại học Kinh tế TP.HCM, thuế carbon là một giải pháp hiện tại ở các quốc gia đều cân nhắc để áp dụng vì đó là một công cụ định giá carbon có hiệu quả nhất định trong việc tạo nên áp lực cho các doanh nghiệp nộp thuế giảm thiểu lượng khí carbon thải ra
Năm 2026 trở đi, nếu sản phẩm không đạt yêu cầu về phát thải carbon sẽ không thể xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Tiêu chuẩn về khí thải ngày càng khắt khe thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và sạch. Ông Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần DH Foods, hiện nay đối với doanh nghiệp nhỏ rất là khó, trong tương lai gần chúng tôi sẽ đầu tư nhà máy mới và áp dụng những công nghệ mới như pin mặt trời để tiết kiệm năng lượng tái tạo, kế đó sẽ cải tiến sản xuất để tái chế được nước. Ví dụ như nước trong các loại rau củ quả có thể lọc lại và sử dụng lại, giúp tiết kiệm năng lượng và môi trường. Thị trường carbon ở TP.HCM đang ở giai đoạn sơ khai, quan trọng là người dân và doanh nghiệp có được nguồn thông tin rõ ràng, chính xác để hiểu đúng và có sự chuẩn bị sẵn sàng trước những đòi hỏi khắt khe của thị trường quốc tế về vấn đề môi trường.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Khoa Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định để tăng cường vai trò của TP.HCM trong vấn đề cung và cầu tín chỉ carbon thì cần phải có chính sách quy định về nguồn vốn. Huy động vốn thế nào, sử dụng ra sao, hoặc quản lý dự án carbon trong dài hạn như thế nào để đáp ứng các tiêu chí của thế giới.....Để kích thích cầu carbon trên thị trường thì quan trọng nhất đó là phải tăng cường nhận thức và khuyến khích sự tham gia của các đối tượng thị trường carbon tự nguyện, bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn TP.HCM.
Còn theo Tiến sĩ Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách Công và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với nhận thức hiểu đúng về thị trường carbon trong doanh nghiệp và người dân chưa có sự đồng nhất. Thứ hai các phương pháp theo dõi dấu chân carbon và các phương pháp làm sao để tạo ra thị trường tín chỉ carbon là chúng ta cũng đang gặp khó khăn. Về tầm vĩ mô các quy định về văn bản pháp luật của Việt Nam để chúng ta thực hiện trao đổi thị trường tín chỉ carbon vẫn chưa rõ ràng.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng việc giảm thiểu carbon hướng đến mục tiêu trung hòa chung, giảm bớt sử dụng vât liệu phát thải môi trường nhiều, rác thải nhựa, chuyển sử dụng giao thông công cộng, giảm các phương tiện phát thải nhiều...,tiêu dùng xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp xanh...
Những dấu chân carbon được xóa mờ là cơ hội để nền kinh tế bước ra toàn cầu một cách tự tin. Cũng là chứng minh vai trò đầu tàu dẫn dắt một nền kinh tế xanh của TP.HCM.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9