(HTV) - Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 dự kiến phát triển 13 dự án/22.400 MW điện khí hóa lỏng (LNG). Tuy nhiên, tất cả đều đang vướng mắc về cơ chế mua điện và giá bán, ngoại trừ dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4 và Hiệp Phước, giai đoạn 1.
Đại diện PVGas - đơn vị chủ quản dự án tiên phong của điện LNG là Nhơn Trạch 3 và 4, dự tính sẽ hoàn thành xây dựng vào cuối 2024, nhưng chưa thỏa thuận được cam kết sản lượng điện phát hàng năm với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Chi phí nhập khẩu, lưu trữ và tái hóa LNG chưa có quy định nên hai bên khó thỏa thuận được việc chuyển ngang giá khí sang giá điện.
Tại Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 4) với chủ đề “Cơ chế, chính sách phát triển điện khí, điện gió, điện rác, năng lượng sinh khối theo Quy hoạch điện VIII - Thực trạng và giải pháp tháo gỡ” vừa được tổ chức tại TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng việc đầu tư theo Quy hoạch điện VIII đang chậm trễ.
Giai đoạn 2021 - 2024 chỉ mới huy động được khoảng 63% vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện so với trung bình nhu cầu theo Quy hoạch. Giai đoạn tới cần huy động tối đa nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức cần tháo gỡ sớm.
Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ nhấn mạnh quan điểm không giới hạn phát triển năng lượng tái tạo trên cơ sở bảo đảm an toàn hệ thống, đồng thời điều chỉnh, cập nhật kịp thời Quy hoạch Điện VIII, tạo thuận lợi cho xu hướng chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9