Sau 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đất nước ta đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ với những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Trong dòng chảy lịch sử vĩ đại của đất nước, TP.Hồ Chí Minh giữ vai trò đặc biệt quan trọng, luôn nêu cao tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”.
Lễ hội đón giao thừa 2020 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ
Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc với Đại thắng mùa Xuân 1975, là cột mốc chấm dứt vĩnh viễn sự thống trị của chủ nghĩa thực dân đối với thành phố Sài Gòn – Gia Định, mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam và cho Thành phố. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một dấu son chói lọi, hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta.
Chúng ta đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Như Báo cáo Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn trình bày tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng ngày 14/12/1976 đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Xa lộ Hà Nội - nơi xẩy ra nhiều trận chiến quyết liệt nơi cửa ngõ phía Đông Sài Gòn ngày 30.4.1975 - đang từng ngày đổi mới
Nhìn lại chặng đường 45 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta nhận thấy rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự đoàn kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân, chúng ta đã tập trung sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, phá thế bao vây cấm vận, anh dũng kiên cường chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, sau hơn ba thập kỷ thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó, TP.Hồ Chí Minh, với vai trò là đô thị đặc biệt, “đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật của cả nước”, đã có những đóng góp rất quan trọng.
Thực tiễn đã chứng minh rằng, thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội của TP.Hồ Chí Minh trong 45 năm qua, nhất là trong hơn ba thập niên đổi mới, trước hết là sự nhận thức, quán triệt, tổ chức thực hiện và góp phần bổ sung, hoàn thiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong suốt quá trình đổi mới đất nước. Ngay sau ngày Sài Gòn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã bắt tay vào nhiệm vụ xây dựng, củng cố và giữ gìn chính quyền cách mạng, thực hiện công cuộc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu và phát triển kinh tế-xã hội. Với chủ trương “phải biết phân tích những đặc điểm lịch sử của Thành phố và con người thành phố để chọn lựa hướng đột kích chủ yếu”, TP.Hồ Chí Minh đã “vượt lên chính mình”, nỗ lực phấn đấu “bước ra khỏi vòng phấn do ta khoanh”, mạnh dạn “phá rào”, thực hiện “cởi trói” về cơ chế để giúp sản xuất “bung ra”, cải tiến lĩnh vực liên thông, phân phối mở rộng thị trường.
Dây chuyền sản xuất của Công ty FAPV (Nhật Bản) tại KCX Tân Thuận - KCN đầu tiên của Việt Nam
Tất cả là vì lợi ích của người lao động, vì cuộc sống của người dân, những chủ trương này không chỉ giúp thành phố vượt ra khỏi cơ chế cũ, bảo thủ, vượt ra khỏi vòng xoáy khủng hoảng nghiêm trọng của đất nước trước 1985, mà còn tác động tích cực, có hiệu quả đến sự hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Nhờ kiên trì bám sát thực tiễn, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và được Trung ương hỗ trợ, Thành phố đã phát huy được trí tuệ, tâm huyết, tiềm lực của nhân dân, đã tạo ra những mốc son, nhiều mô hình mới, góp thêm tư liệu thực tiễn sinh động để hình thành đường lối đổi mới và thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước.
Chặng đường 45 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, TP.Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy chỉ chiếm 0,6% về diện tích tự nhiên và 8,8% dân số cả nước nhưng trong những năm vừa qua, TP.Hồ Chí Minh đóng góp 23% GDP cả nước, gần 1/3 tổng thu ngân sách nhà nước. Mức sống của người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân thành phố những năm qua luôn ở mức gấp 2,7 lần so với bình quân đầu người cả nước. Từ gần một thập kỷ nay, Thành phố luôn đạt mức tăng trưởng gấp từ 1,3 - 1,6 lần mức bình quân chung của cả nước, ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm lớn về nhiều mặt và là một trong các động lực phát triển kinh tế của cả nước.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBNDTP và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐNDTP Nguyễn Thị Lệ tại kỳ họp không giấy của HĐNDTP
Qua 45 năm, từ một thành phố còn nhiều khu nhà lụp xụp, kênh rạch phần lớn ô nhiễm, đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho hàng vạn hộ dân trong lưu vực như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé, mang lại màu xanh cho những dòng kênh này. Nhiều khu đô thị mới mọc lên, nhiều công trình giao thông, đô thị từng ngày hiện hữu, làm cho diện mạo thành phố ngày càng đàng hoàng hơn, hiện đại hơn.
Thực tế cho thấy trong suốt những năm đổi mới, nhiều chương trình, mô hình thực hiện tại TP.Hồ Chí Minh đã được nhân rộng cả nước, như việc thí điểm thành lập ngân hàng cổ phần đầu tiên, việc triển khai chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Đặc biệt, Khu chế xuất Tân Thuận cũng là khu công nghiệp đầu tiên được thành lập tại Việt Nam vào năm 1991. Việc thành lập Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh, sau này là Sở giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh, đã khai trương và đi vào hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thăm hỏi động viên các điển hình “Gương sáng Đảng viên” năm 2020
Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, người dân TP.Hồ Chí Minh đã tiếp tục kế thừa sáng tạo, xây dựng nên những giá trị tinh thần mang tính đặc trưng như tinh thần nhân ái, nghĩa tình, năng động, sáng tạo… Trong thời đại mới, tinh thần ấy không ngừng được phát huy, TP.Hồ Chí Minh là nơi khởi xướng và thực hiện hiệu quả nhiều phong trào như “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương”, “Chương trình xóa đói giảm nghèo”, “Bảo trợ bệnh nhân nghèo”, “Nụ cười cho trẻ thơ, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng”… Những phong trào này sau đó lan tỏa ra cả nước, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn, mang tính nhân văn cao, có sức lan tỏa mạnh, thể hiện sinh động bản chất chế độ xã hội mới của chúng ta.
Về hội nhập quốc tế, với vai trò đầu tàu, là động lực, có sức hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.Hồ Chí Minh đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong việc định hướng phát triển kinh tế, hội nhập với thế giới.
(Còn tiếp)
Văn Học