(HTV) - Ngân hàng nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% nhằm thúc đẩy kinh tế.
Xác định tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, ngay từ cuối năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã công bố mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 16% và giao hạn mức tín dụng cho các ngân hàng.

Tạo điều kiện tiếp cận vốn để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế quốc gia
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên vào năm 2025, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh các giải pháp của ngành ngân hàng, cần có chính sách và giải pháp đồng bộ, tổng thể từ nhiều ngành, lĩnh vực khác, đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng vốn hiệu quả.

Bên cạnh các giải pháp của ngành ngân hàng, cần có chính sách và giải pháp đồng bộ, tổng thể từ nhiều ngành, lĩnh vực khác
Nhu cầu vốn lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, nhất là trong việc xây dựng vùng trồng và nhà đóng gói. Tuy nhiên, do đặc thù sản xuất nông sản có dòng vốn kéo dài, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chí giảm lãi suất vay, gây khó khăn trong hoạt động.

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An
Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết: "Do đặc thù ngành nông nghiệp, vốn đầu tư cần thời gian dài để thu hồi, trong khi tiêu chí giảm lãi suất lại yêu cầu vòng quay vốn nhanh. Để canh tác 01 hecta cần 650 triệu đồng, với gần 1.000 hecta, chúng tôi cần vay 600 - 700 tỷ đồng. Khó khăn hiện tại là việc vay vốn dài hạn, lãi suất cao, dẫn đến tình trạng dùng vốn ngắn hạn cho đầu tư dài hạn. Cần có cơ chế thông thoáng, minh bạch để vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và ngân hàng".
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Intimex Group nhận định: "Năm 2025, giá trị cà phê dự kiến tăng 25-50%, nhưng định mức vốn vay hiện tại không đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng này. Cần xem xét lại định mức vốn cho doanh nghiệp. Tài sản thế chấp cũng là vấn đề, vì không phải doanh nghiệp nào cũng kịp đầu tư tài sản lớn để vay vốn".
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, năm 2025 tổng số tiền đăng ký tham gia gói tín dụng ưu đãi để tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại TP.HCM lên đến 517.065 tỉ đồng, cao hơn mức 510.000 tỉ đồng của năm ngoái.

Ngân hàng Nhà nước đã công bố mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 16% và giao hạn mức tín dụng cho các ngân hàng
Định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay là 16% và GDP đạt 8% là hoàn toàn đáp ứng được, vấn đề cốt lõi là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp sao cho sử dụng vốn hiệu quả, trong đó chú trọng đến việc ổn định lãi suất.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết: "Ngân hàng Nhà nước định hướng giữ ổn định lãi suất để hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng tín dụng, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 16% và kinh tế 8%. Bên cạnh công cụ lãi suất và thị trường mở, Ngân hàng Trung ương sẽ sử dụng công cụ tái cấp vốn để cung cấp nguồn vốn rẻ, hỗ trợ các tổ chức tín dụng tăng khả năng đáp ứng vốn và giảm chi phí cho vay. Ngân hàng Trung ương sẽ linh hoạt sử dụng các công cụ lãi suất, tỷ giá, thị trường mở và tái cấp vốn".

Năm 2025 là năm then chốt để vừa hoàn thành mục tiêu 2021 - 2025, vừa khởi động mục tiêu mới
PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội đề xuất: "Cần tăng đầu tư tài chính cho quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ đầu tư bảo hiểm, giúp đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Để ổn định lãi suất, cần kiểm soát lạm phát, tỷ giá, cân bằng cán cân thương mại. Doanh nghiệp cần sự ổn định để mạnh dạn đầu tư dài hạn. Nên nghiên cứu gói hỗ trợ lãi suất cho đầu tư công nghệ, hiện đại hóa và phát triển kinh tế số".
Năm 2025 là năm về đích trong việc thực hiện mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời là năm mở đầu và tạo động lực cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của giai đoạn tiếp theo. Việc kiên định thực hiện 3 đột phá chiến lược: thể chế thông thoáng, thông minh, cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Đồng thời, phát huy 3 động lực tăng trưởng truyền thống: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, từ đó góp phần thúc đẩy, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9