Cầu Truyền hình "Niềm tin và Khát vọng": Ký ức không phai

PHƯƠNG THANH - TẤN LỘC - THÁI PHƯƠNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 30/8/2024, 16:09

(HTV) - Cách đây 70 năm, sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève được ký kết năm 1954, câu chuyện của hàng ngàn người con miền Nam tập kết ra Bắc vẫn luôn khắc ghi trong tâm trí và còn mãi với thời gian.

Nhận định rằng: cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, hòa bình thống nhất đất nước còn lâu dài, khó khăn và gian khổ. Bác Hồ và Trung ương đã chỉ đạo khẩn trương đưa một số con em cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam ra Bắc học tập để đào tạo đội ngũ, chuẩn bị lực lượng cán bộ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, cho tương lai cả nước sau này. 

"Những ngôi trường học sinh miền Nam trên đất Bắc" đã ra đời là một quyết định mang tính lịch sử và rất tự hào về thời kì mà nền giáo dục Việt Nam đã có nhiều sáng tạo với những bước đi hết sức phù hợp với thực tiễn của lịch sử dân tộc.

Bác sĩ Nguyễn Lương Vân - Nguyên trưởng khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy tâm sự: “Khi đi tập kết tôi mới 7 tuổi đi theo cha mẹ ra Bắc về tập trung ở Hà Nội và được nuôi dưỡng như học mẫu giáo bây giờ. Lúc đấy miền Bắc còn khó khăn lắm, phải ăn cơm độn nhưng học sinh miền Nam được ăn cơm trắng ăn ngon, mặc thoải mái. Mình quá sướng, học sinh miền Nam được ưu ái vô cùng, ưu tiên lắm, được nuôi dạy từ cô bảo mẫu, chú cấp dưỡng, thầy dạy học đều học trường riêng hết. Sống xa gia đình nên cô thầy rất tình cảm, như cha mẹ”.

Hai lần được gặp Bác Hồ trong những năm tháng học tập tại miền Bắc cũng là những cảm xúc không thể nào quên trong kí ức của bà Nguyễn Lương Vân.

Bác sĩ Nguyễn Lương Vân - Nguyên trưởng khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy

“Nghe tin Bác Hồ đến thăm, mọi người tập trung tại sân trường Hải Phòng, đợi mãi mọi người cứ nhìn ra cổng chính, cuối cùng Bác Hồ đi bằng cổng phụ ở đó có bếp ăn đang nấu ăn cho học sinh. Bác xem cách nấu ăn, giở từng nồi cơm, hỏi các cháu ăn no không? Các chú nấu ăn được không? Chăm sóc như người cha đi lâu ngày hỏi thăm các con. Tất cả đứng dậy, vừa khóc vừa reo hò, vừa khóc vừa hoan hô, không thể tả nổi”.

Trung tá Trần Văn Xuân - Nguyên Phó Tham mưu trưởng Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sông Bé

Trung tá Trần Văn Xuân - Nguyên Phó Tham mưu trưởng Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sông Bé chia sẻ: “Lúc đó mình đâu có nhắn nhủ tin tức gì, mình cứ tưởng mình ra Bắc hai năm trở về thôi. Hồi đó còn nhỏ khoảng hơn 12 - 15 tuổi đi ra Bắc có cha mẹ đi theo nhưng chỉ số ít, đa số là gửi con ra Bắc. Điểm chung là tình cảm dành cho miền Nam, dù ở miền Bắc, ăn cơm miền Bắc, nhưng phải nhớ đến miền Nam, nhớ cha mẹ, quê hương trong này. Nên động viên ráng học tốt sau này về phục vụ miền Nam, còn bộ đội phấn đấu tốt để về đánh Mỹ ở miền Nam."

Và khi có dịp được trò chuyện cùng các cô chú, câu "Ngày Bắc đêm Nam" thời bấy giờ vẫn được nhắc nhớ với niềm cảm xúc dạt dào. 

Ông Lương Quang Thoại - Học sinh miền Nam 1954 - 1975 chia sẻ: “Ngày Bắc là thời gian hiện giờ tụi tôi đang sống ở trường hoặc ra ngoài cùng các anh chị em miền Bắc. Sự chăm sóc sức khỏe của nhân dân, của Đảng và các thầy cô chú ngoài Bắc đối với chúng tôi không thể nào nói hết được. Đêm Nam tức là nhớ gia đình, nhớ bố mẹ của mình”.

Ông Lương Quang Thoại - Học sinh miền Nam 1954 - 1975

Ông Trần Tự Tân - Học sinh miền Nam 1954 - 1975 bồi hồi nhớ lại “Khi chúng tôi tập kết ra Bắc có giơ hai ngón tay hẹn 2 năm thống nhất trở về. Nhưng sau 1957, anh em chúng tôi rất nóng ruột nhớ gia đình. Cả trường, anh em nằm khóc. Thế thì đồng bào miền Bắc bảo tình hình thế này thì đưa các cháu đến từng gia đình để ăn tết. Ở đây thấy sự quan tâm của gia đình miền Bắc đối với học sinh miền Nam. Chúng tôi chỉ ăn học và luôn luôn nhớ về quê hương, nghĩ mình là một hạt giống đỏ của đất nước, phải học tốt để sau này phục vụ miền Nam, phục vụ Tổ quốc”.

>>> Xin mời quý vị đón xem chương trình Cầu Truyền hình "Niềm tin và Khát vọng" được truyền hình trực tiếp vào lúc 18 giờ ngày 01/9/2024 trên kênh HTV9, TTV và THĐT, đồng thời được tiếp sóng trên các đài phát thanh truyền hình trong cả nước.

 

Ý kiến của bạn: