Đã thành trào lưu từ lâu ở nước ngoài, nhưng với Việt Nam thì chuyển thể kịch bản truyện tranh cho phim điện ảnh và truyền hình vẫn được xem là mới mẻ và là bước đầu mang tính thử nghiệm đầy thú vị.
Từ những năm đầu thập niên 1990 đến nay, phim có kịch bản chuyển thể từ truyện tranh (live-action) đã là một nhân tố không thể thiếu trong ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình ở Mỹ hay Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan.
Nếu như Mỹ sở hữu rất nhiều phim “bom tấn” chuyển thể từ truyện tranh (Comics) trong Vũ trụ điện ảnh Marvel, thì Hàn Quốc và Nhật Bản lại có rất nhiều seri phim truyền hình chuyển thể từ truyện tranh rất “ăn khách” như Goong (Hoàng cung), Huyền thoại Iljimae, Full House (Ngôi nhà hạnh phúc), City Hunter (Thợ săn thành phố), Boys Over Flowers (Vườn sao băng), Bá vương học đường, Love in Tokyo…
Hiện nay, ở Hàn Quốc còn đang “nở rộ” trào lưu làm phim chuyển thể từ truyện tranh đăng dài kỳ trên mạng (webtoon) thu hút đông đảo khán giả.
Dàn diễn viên Con nhà giàu phiên bản truyền hình của Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản
Ở Việt Nam, đến thời điểm này mới có dự án phim sitcom Số nhọ (tạm đặt) chuyển thể từ truyện tranh Bad luck vừa tiến hành xong phần casting diễn viên, chuẩn bị khởi quay. Chuyện phim xoay quanh một nữ sinh tên An có tính cách hồn nhiên và nghịch ngợm, được di truyền khả năng “nguyền rủa” từ bố nên đã biến cả thế giới xung quanh thành những câu chuyện cười ra nước mắt.
Seri phim điện ảnh Thần đồng đất Việt chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên cũng đang được hoàn tất kịch bản, trong đó phần đầu tiên có tên Trạng Tí bấm máy vào mùa hè này, dự kiến ra mắt vào Tết 2019.
Câu chuyện lấy bối cảnh thời Hậu Lê, của quốc gia Đại Việt, xoay quanh nhóm bạn nhỏ tuổi Tí, Sửu, Dần, Mẹo, trong đó Tí là thần đồng có tài trí vượt bậc. Tình tiết trong truyện được xây dựng từ các câu chuyện lịch sử và dã sử về các nhân vật nổi tiếng của VN như Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền...
Seri này còn có các phim sẽ lần lượt được đưa vào sản xuất trong các năm tiếp theo: Thằng Bờm, Ông Kẹ, Thạch Sanh, Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh cũng được chuyển thể từ Thần đồng đất Việt - bộ truyện tranh thiếu nhi được phát hành từ hơn 15 năm nay, đã xuất bản hơn 200 tập với số lượng bản in rất lớn, nhờ có cách xây dựng chuyện rất gần gũi, các tình huống hài hước đáng yêu cộng thêm nét vẽ hơi nhí nhố, vui nhộn nhưng mang dấu ấn riêng, không ảnh hưởng nét vẽ của nước ngoài.
Một trang vẽ trong tập truyện tranh Thần đồng đất Việt
Ngoài hai truyện tranh Việt Nam kể trên, còn có dự án Hồn Papa, da con gái được chuyển thể từ bộ truyện tranh nổi tiếng Papa To Musume No Nanokakan (7 ngày của cha và con gái) của tác giả Takahisa Igarashi vừa được khởi quay với dàn diễn viên gồm Thái Hòa, Kaity Nguyễn, Trang Hý, Huy Khánh, Vân Trang… và đạo diễn Ken Ochiai đến từ Nhật Bản, nhà sản xuất Charlie Nguyễn của phim Em chưa 18.
Dự án được xem là sẽ tạo nên một hơi thở mới cho điện ảnh Việt, khi lần đầu tiên có một bộ phim được chuyển thể từ truyện tranh Nhật Bản. Bên cạnh đó có thông tin nhiều nhà sản xuất phim Việt đang ngắm nghía hai bộ truyện tranh Long thần tướng và Địa ngục môn từng gây nên cơn chấn động trong cộng đồng truyện tranh Việt khi ra mắt cách đây vài năm.
Thái Hòa và Kaity Nguyễn – Hai diễn viên chính của phim Hồn papa da con gái
Tuy ở Việt Nam, làm phim với kịch bản được chuyển thể từ tác phẩm văn học đã có từ lâu và gặt hái được nhiều thành công đáng kể, nhưng làm phim chuyển thể từ truyện tranh như Số nhọ, Trạng Tí hay Hồn Papa, da con gái… vẫn đang được xem là bước thử nghiệm khá mới mẻ, đầy rủi ro nhưng cũng rất thú vị.
Làm phim từ truyện tranh có nhiều lợi thế, khi chúng đều có cốt truyện vững chắc, giúp biên kịch dễ dàng sáng tạo và phát triển thành kịch bản phim. Các khuôn hình truyện tranh đều có bối cảnh, nhân vật, góc máy và lời thoại rất gần với việc vẽ storyboard (khung sườn, hay kịch bản đồ họa) cho một bộ phim live-action (phim người thật đóng) trước khi sản xuất.
Hơn nữa, hiệu ứng truyền thông của những truyện tranh có lượng người theo dõi đông rất thuận lợi cho việc quảng bá phim. Như hiện nay, lượng người yêu thích và theo dõi Bad luck khá lớn, lên tới 14.340 người và nhóm fan Bad luck hội có tới 25.168 thành viên.
Khi biết Bad luck được chuyển thể thành phim, các fans đã rất hào hứng, liên tục chia sẻ thông tin liên quan với sự chờ đón bộ phim được lên sóng.
Bìa truyện tranh Bad Luck của tác giả Nguyễn Huỳnh Bảo Châu
Dẫu vậy, công việc chuyển thể kịch bản từ truyện tranh có thể gặp nhiều khó khăn, khi phải mất nhiều thời gian và công sức để gọt tỉa câu chuyện. Đạo diễn của phim Số nhọ từng chia sẻ rằng, vì Bad luck sở hữu một lượng fans khá đông đảo và nội dung của câu chuyện này đã được hầu hết độc giả nắm rõ, nên khi bắt tay vào làm dự án phải giải quyết được câu hỏi: Làm gì để khán giả có cái xem và yêu thích bộ phim khi họ đã biết trước nội dung.
Trong truyện tranh, tác giả được thỏa sức sáng tạo những tình tiết cho hấp dẫn, kể cả là những phi lý ngoài đời thực, nhưng khi lên phim thì cần cô đọng và không thể “phóng” theo truyện tranh trải dài hàng ngàn trang. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, ê kíp làm phim chuyển thể từ truyện tranh cũng phải có sự tương tác với độc giả hâm mộ và lắng nghe những góp ý có lợi của họ về việc casting diễn viên hợp vai, chọn bối cảnh, trang phục để không làm mất đi bản sắc của nguyên tác.
Tóm lại, chưa thể đoán biết các bộ phim Số nhọ, Trạng Tí hay Hồn papa da con gái khi ra mắt sẽ được khán giả đón nhận ra sao? Nhưng nếu chúng ít nhiều gặt hái được thành công thì chắc chắn sẽ mở ra một đường đi mới trong việc khai thác truyện tranh trong và ngoài nước như một nguồn chất liệu phong phú để chuyển thể thành kịch bản phim Việt.
Đan Khanh