Thế hệ trẻ tự hào nhìn về lịch sử đất nước

“Lịch sử” - một chuyến tàu chạy mãi trên đường ray thời gian. Tại những thời điểm khác nhau, có người đến cũng có người ra đi, vừa để khám phá hành trình mà đoàn tàu ấy đã đi qua, vừa để lại một chút gì đó của riêng ta trên toa tàu của thời đại.


Tôn Thất Minh Khôi trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời”

Người trẻ hào hứng kể chuyện lịch sử

Lịch sử, không phải nói ngày một ngày hai là ta có thể biết và hiểu hết được, nhất là khi đất nước ta đã trải qua hàng ngàn năm văn hiến. Có người cho rằng, những con số trong lịch sử thật khô khan, khó nhớ, nhưng họ nào có biết, sử Việt như một liều thuốc kỳ diệu, càng ngấm lại càng ngọt. Chỉ khi nào ta mở rộng trái tim đón nhận, những nét đẹp về văn hoá, phong tục, thì quá khứ hào hùng của những ngày xưa mới hiện lên trước mắt. Và Tôn Thất Minh Khôi, một người trẻ với tình yêu dành cho lịch sử nước nhà, mong muốn lan toả đi những nét đẹp ấy, để thế hệ trẻ và cả dân tộc ta có một góc nhìn khác hơn về những trang sử Việt.

Từ nhỏ, qua những lời kể của ông nội nơi cố đô Huế, đam mê lịch sử của Minh Khôi dần dần được nuôi dưỡng và phát triển. Mãi cho đến sau này, trong hành trình theo đuổi bộ môn mà mình yêu thích, sau khi tìm hiểu quyển sách “Ngàn năm áo mũ” của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, anh mới phát hiện rằng, niềm đam mê lịch sử tự bao giờ đã biến thành niềm đam mê văn hoá Việt Nam. Minh Khôi nhận ra những kiến thức của mình về văn hoá Việt chỉ khoảng 10%, có lẽ rất nhiều bạn trẻ hiện nay cũng như vậy, điều đó lại càng thôi thúc anh lan toả đi những nét đẹp văn hoá truyền thống quý báu của dân tộc, bởi “Truyền thống dù chỉ một chút cũng tốn lượng lịch sử vô tận để tạo ra” – Henry James.


Dự án phim “Phượng Khấu”

Theo anh Khôi, mọi người thường chỉ biết đến sử Việt qua những trận đánh, những thời chiến tranh mà ít ai để ý đến vẻ đẹp của Hoàng thành Thăng Long, nơi thâm cung bí sử. Bởi vậy, lấy cảm hứng từ một ngôi miếu triều Nguyễn tên “Lịch đại Đế Vương”, anh lập ra trang cá nhân “Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi”, kể về câu chuyện của các bậc hậu phi của lịch sử Việt Nam qua các thời đại. Ngoài ra, Minh Khôi còn là cố vấn cho bộ phim điện ảnh Phượng Khấu – câu chuyện về cuộc đời thăng trầm của Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Phạm Thị Hằng. Bởi tình yêu và niềm đam mê của mình, anh đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, tìm kiếm những góc khuất làm nên những viên ngọc quý trong truyền thống văn hoá Việt Nam. Qua những phương thức đó, người xem được biết thêm về một khía cạnh khác của sử ta, không chỉ trên chiến trận mà còn ở trong từng bộ lễ phục, lễ nghi chốn cung đình.


Fanpage Thiên  Nam Lịch Đại Hậu Phi

Khi được hỏi rằng, anh có ý kiến gì về suy nghĩ: “Các bạn trẻ Việt Nam không thích học lịch sử”, Khôi lập tức trả lời rằng, ý kiến trên là hoàn toàn sai. Hiện tại, anh đang tham gia một cộng đồng cổ phong, nơi các các bạn trẻ có đam mê về lịch sử, văn hoá, kiến trúc, lễ nghi, âm nhạc truyền thống cùng nhau thảo luận và chia sẻ những ý kiến của mình. Thành viên chủ yếu đến từ các thế hệ cuối 8x, 9x và cũng có cả các bạn 10x nữa, một cộng đồng còn rất trẻ. Vậy cho nên, tình yêu lịch sử trong mỗi người luôn có, chỉ là điều ấy chưa được gợi lên mà thôi. Trong tương lai, Minh Khôi mong muốn mọi người cùng nhau đoàn kết, phát triển và xây dựng cộng đồng lịch sử ngày càng có sức lan toả, phục hưng những giá trị tốt đẹp của nhân dân ta.

Thế hệ trẻ tự hào nhìn về lịch sử đất nước

Nhiều người cho rằng, trong thời đại 4.0 hiện nay, gìn giữ quá khứ không còn quan trọng, thay vào đó là việc phát triển những giá trị mới, tiến đến một tương lai mới hiện đại hơn. Chính Thomas Jefferson cũng từng thừa nhận: “Tôi thích những giấc mơ về tương lai hơn là lịch sử quá khứ”. Tuy nhiên, người sinh viên 18 tuổi Trần Trọng Nghĩa lại không nghĩ như vậy. Anh đã và đang phát triển một dự án “Bảo tàng thông minh” vừa thể hiện tình yêu lịch sử, những câu chuyện xưa và cả sự tiên tiến của khoa học kỹ thuật.

Được biết, Trần Trọng Nghĩa là cháu nội của anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai. Lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng càng nung nấu thêm trong tim anh mong muốn được lưu giữ lại những câu chuyện của người ông, những giá trị tốt đẹp của nhân dân ta thời ấy. Vì vậy, anh bắt đầu phát triển ý tưởng xây dựng “Bảo tàng thông minh” của mình. Theo anh, việc công nghệ ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc càng có thêm nhiều phương tiện, cách thức để gìn giữ lịch sử nước nhà. Người sinh viên trẻ đã tự vẽ nên một mô hình bảo tàng áp dụng công nghệ chiếu 3D, để khách tham quan có thể nhìn thấy hiện vật rõ nét và đa chiều, được nghe thuyết minh tường tận nhằm nâng cao thêm những trải nghiệm và nhận thức của xã hội đối với sử Việt.


Trọng Nghĩa kể về khoảnh khắc cuộc đời đầy cảm hứng của mình

Nhưng, con đường đó không dễ dàng. Chỉ mới bước chân vào độ tuổi 18, Trần Trọng Nghĩa đã phải gánh trên vai một trách nhiệm vô cùng nặng nề, vừa kế thừa sản nghiệp cha ông, lại vừa mang nhiệm vụ lan toả những giá trị ấy đến với cộng đồng. Có những người nghĩ dự án của anh là bất khả thi, họ buông những lời chê bai, không tôn trọng ý kiến của anh. Anh cũng gặp phải những khó khăn về kinh tế và đôi khi những điều ấy lại khiến anh cảm thấy lung lay trước lựa chọn của mình. Tuy nhiên, Trần Trọng Nghĩa bày tỏ rằng: “Tiền không mua được thời gian, có những việc hôm nay không làm thì có thể sẽ vĩnh viễn không làm được nữa”. Anh không muốn phải chậm trễ, phải hối tiếc trước niềm mơ ước và đam mê mà mình đã chọn.

Là một người trẻ với ước mơ khác biệt, Nghĩa càng mong muốn chứng tỏ cho mọi người lựa chọn của anh là xứng đáng rằng, dù công nghệ có phát triển hiện đại đến đâu đi chăng nữa, bên con đường của mỗi người luôn có một trang sử vàng, gợi nhớ về những truyền thống, những giá trị lịch sử mà dân tộc ta gây dựng sau ngàn năm.

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.

Phạm Nhi