Thành phố Hồ Chí Minh: Văn minh, hiện đại, nghĩa tình (phần 1)

Tròn 45 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020), TP. Hồ Chí Minh đã có diện mạo mới với những khu đô thị, những công trình hiện đại gắn liền với phát triển kinh tế, xã hội và dân sinh bền vững.

Đường hoa Tết Canh Tý trên phố đi bộ Nguyễn Huệ

Diện mạo mới - hiện đại và phồn vinh

Cùng với những kiến trúc cổ mang tính lịch sử như: Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố, Chợ Bến Thành, Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố… trải qua 45 năm kể từ ngày giải phóng, TP. Hồ Chí Minh đã “quy tụ” thêm rất nhiều công trình mang điểm nhấn và tạo nên phong cách của một đô thị hiện đại và phồn vinh, đáng sống.

Tọa lạc trước UBND TP. Hồ Chí Minh(Q.1) là công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ được xem giống như “trái tim” của Thành phố. Được khánh thành cuối tháng 4/2015, Phố đi bộ Nguyễn Huệ có chiều dài 670m, rộng 64m, toàn bộ lát đá granite với hai đài phun nước và hệ thống cây xanh. Bên dưới quảng trường có hệ thống ngầm điều khiển nhạc nước, ánh sáng… Mỗi ngày có hàng nghìn lượt người đến tham quan, vui chơi, chụp ảnh. Đây cũng là địa điểm tổ chức nhiều lễ hội mang tính cộng đồng, địa điểm xem bóng đá, ca nhạc, sân khấu, đường hoa, pháo hoa… 

Những tòa cao ốc biểu tượng mới 

Hiện tại, Thành phố đang sở hữu hàng chục tòa cao ốc mang tính biểu tượng cho sự đổi mới và phát triển vươn tới tầm quốc tế. Trong đó khánh thành năm 2010 Bitexco Financial Tower (Q.1) – tòa cao ốc cao nhất Thành phố trong gần một thập kỷ, với thiết kế lấy cảm hứng từ hình ảnh thanh thoát của búp hoa sen - là biểu tượng cho sự năng động của Thành phố trong thời kỳ hội nhập kinh tế. Cao 262m, gồm 68 tầng và 3 tầng hầm, tòa nhà được thiết kế bằng thép và kính, có sân đáp trực thăng. Landmark 81 (Q. Bình Thạnh) – tòa nhà cao nhất Việt Nam có thiết kế hình bó tre được khánh thành vào tháng 7-2018. Đến 28/4/2019 Landmark 81 tiếp tục khánh thành đài quan sát skyview cao nhất Việt Nam và Đông Nam Á thời điểm đó với 81 tầng, cao 461,3m. Là công trình đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của Thành phố, mỗi dịp lễ và tết, Landmark 81 trở thành nơi bắn pháo hoa tầm cao.


Tòa nhà Landmark 81

Những dòng kênh xanh uốn lượn 

Trải qua những năm tháng chiến tranh và di cư của người các tỉnh, thành kéo về dựng nhà dọc hai bên bờ, các dòng kênh: Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Lò Gốm, kênh Tẻ, kênh Đôi, kênh Tàu Hủ - vốn là đường thủy giao thương – biến thành con rạch nhỏ bị bồi lắng, tù đọng, ô nhiễm… Sau 1975, Thành phố đặc biệt chú trọng đến các dự án cải tạo vệ sinh môi trường các dòng kênh này gắn liền với lịch sử phát triển của Sài Gòn xưa và TP Hồ Chí Minh ngày nay, thay đổi và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo dựng bộ mặt mới cho cảnh quan đô thị. Từ năm 2003 đến nay, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (dài 8,7km) chảy qua các quận: Tân Bình, quận 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh đã được trả lại dòng nước trong sạch và cảnh quan tuyệt đẹp, cùng hai con đường chạy dọc bờ kè được đặt tên là Hoàng Sa và Trường Sa. Tuyến kênh Tân Hóa – Lò Gốm (12 km) kết nối các trục đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây, có 13 cây cầu qua kênh, bốn vị trí tách dòng, kiểm soát tình trạng ngập lụt cho lưu vực. Công trình cải tạo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (22km) dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt đã xây hàng chục cây cầu nối hai bờ sông, trồng hàng ngàn cây xanh và dòng nước được khơi thông cho thuyền bè vận chuyển hàng hóa, du lịch…


Một đoạn kênh Tàu Hủ - Bến Nghé

Khu đô thị chuẩn quốc tế “mọc” trên đầm lầy

Ngoài khu trung tâm 930 ha (Q.1) với những tòa nhà chọc trời, đã xuất hiện nhiều khu đô thị rộng lớn, sầm uất và hiện đại, tích hợp với các dự án hạ tầng được đầu tư đồng bộ, góp phần mở rộng, thay đổi diện mạo và tạo sức bật, sự hứng khởi lớn cho Thành phố. Tiêu biểu là Phú Mỹ Hưng ở khu nam thành phố - nơi 30 năm trở về trước chỉ là đầm lầy hoang sơ, ruộng đồng nhiễm mặn, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt… của huyện Nhà Bè. 

Phú Mỹ Hưng (750 ha) được đánh giá đạt các chuẩn mực quốc tế về cư trú, văn hóa, giáo dục, giải trí, tài chính, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, khoa học, môi trường, hài hòa với thiên nhiên, bảo tồn và tôn tạo giá trị của vùng đất Nam bộ. Hiện Thành phố đang dần hình thành Khu đô thị sáng tạo phía Đông (21.000 ha) dựa trên các trụ cột có sẵn như: Khu công nghệ cao (Q.9), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (Q.Thủ Đức) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2)…


Khu đô thị Phú Mỹ Hưng

Đường hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á

Hầm vượt sông Sài Gòn ra đời để nối Thủ Thiêm với trung tâm Thành phố, nhằm phát triển bán đảo này thành một đại đô thị với các trung tâm thương mại, tài chính quốc tế, dịch vụ thương mại cao cấp… Nằm trên đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (nối Q.1 và Q.2), hầm vượt sông Sài Gòn chính thức thông xe vào ngày 21/11/2011, với chiều rộng 33m, toàn bộ chiều dài gần 1,5 km, trong đó đoạn dìm dưới đáy sông dài 370 m, 6 làn xe và có hai đường thoát hiểm cùng các thiết bị thông gió, chiếu sáng, hệ thống cấp nước, chống cháy, đo độ ô nhiễm không khí và đếm xe… Đây cũng trở thành một điểm nhấn cảnh quan của Thành phố - nơi người dân và du khách tìm đến tham quan. 

Đường hầm vượt sông Sài Gòn

Metro Bến Thành – Suối Tiên 

Dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2021, tuyến Metro đầu tiên của Thành phố có chiều dài 19,7 km, bắt đầu tại chợ Bến Thành (Q.1) và kết thúc tại ga Bến xe Miền Đông mới (Q.9). Theo thiết kế, toàn tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên có 14 ga, trong đó có 3 ga đi ngầm và 11 ga trên cao. Khi đi vào hoạt động, tuyến metro này sẽ giúp kết nối với các tuyến metro khác trong tương lai và các trạm xe buýt dọc tuyến… Đồng thời đã và sẽ có nhiều dự án nhà ở và trung tâm thương mại hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế được hình thành dọc theo tuyến metro này.

Phối cảnh Ga số 3 ( Vinhmes Golden River – Q.1) của Metro Bến Thành - Suối Tiên

Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành – Dầu Giây

Chính thức thông xe toàn tuyến vào tháng 2/2015, cao tốc này có tổng chiều dài 55,7 km, nối TP. Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Nai, rút ngắn khoảng cách di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến Dầu Giây chỉ còn 50km, rút ngắn khoảng cách từ TP. Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu chỉ còn 95km, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương và kết nối với Sân bay quốc tế Long Thành sau này.

(còn tiếp)

Phúc Gia Khanh (tổng hợp)