Tâm sự của những "cascadeur - người đóng thế"

Những pha hành động đối diện sinh tử, những phân cảnh nguy hiểm trên phim trường đều có mặt họ, cascadeur – người đóng thế vai.


Cựu cascadeur Lữ Đắc Long trong một phân cảnh cháy

Nghề đối diện với tử thần, nghề không dành cho người yếu tim, nghề đỡ đạn… là một số tên gọi được ưu ái dành riêng cho nghề cascadeur, một nghề thậm chí không có bảo hiểm nghề nghiệp. Cựu cascadeur Lữ Đắc Long đã chia sẻ trên một trang báo rằng “Đã từng liên hệ với một vài công ty bảo hiểm để mua bảo hiểm cho mình và đồng nghiệp. Thế nhưng, họ đều không dám ký hợp đồng. Có lẽ họ sợ nghề của chúng tôi có quá nhiều rủi ro”.

Anh đã ấn định khoảnh khắc cuộc đời mình bằng một nỗi ám ảnh “mười năm không dám kể”. Đó là một lần tham gia phim Bollywood, thuộc hạng bom tấn, anh em đi trong tâm trạng hồi hộp và háo hức  muốn chứng minh trình độ nghề nghiệp của mình với thế giới. Trong mười pha nguy hiểm thì có một pha bay lên không do xe tải kéo dây cáp cột vào người. Không may, tốc độ quá nhanh, 17 anh em đập thẳng thân mình vào 7 tấm kính của nhà thi đấu đối diện. Kính bể nát, 17 người nhập viện, hôn mê từ 19 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau. Anh may mắn thoát được nhờ đang làm việc trong vai trò chỉ huy, nhưng đối mặt với nỗi đau của đồng nghiệp và người thân của họ, nỗi đau của chính mình khi chứng kiến tận mắt sự mất còn của nghiệp cascadeur, anh đã quyết định đổi nghề từ đó.

Nguy hiểm là vậy, nhưng một khi đã bén duyên, họ thường rất khó bỏ nghề, bởi đây vừa là một bộ môn luyện tập thể thao, tăng cường thể lực, kỹ năng, vừa là một nghề có thể thỏa mãn ham muốn chứng tỏ sức mạnh “tuổi trẻ”. Trong các câu lạc bộ cascadeur, cho dù xuất thân khác nhau, đa số thành viên đều là những người có căn bản võ thuật, đam mê mạo hiểm và yêu nghệ thuật điện ảnh.

Theo cascadeur Thanh Hoa, tất cả những gì níu giữ người trong nghề không gì ngoài một chữ “đam mê”. Xuất thân là một võ sư, gắn bó với nghề đã 14 năm, mà việc mưu sinh chính vẫn là buôn bán và dạy học, chị chưa từng từ chối pha mạo hiểm nào, thậm chí còn không nhớ mình đã đóng thế vai cho những ai. Mười bốn năm lăn lộn với nghề đã giúp chị khắc họa nhân vật “ bà trùm giang hồ Thanh Sói” trong bộ phim “Hai Phượng”, ra mắt đầu năm 2019, xuất sắc trong từng biểu cảm lạnh lùng, dữ tợn, đến những pha ra đòn đẹp, chuyên nghiệp, mãn nhãn.

Diễn viên – Cascadeur Thanh Hoa ngoài đời và tạo hình nhân vật Thanh Sói 

Không phải ai cũng được may mắn như Thanh Hoa, từ một diễn viên đóng thế trở thành người đóng thật. Sân khấu của cascadeur là những phân cảnh nguy hiểm mà người đóng chưa bao giờ được khán giả biết mặt hoặc biết tên. Hỏi họ có chờ đợi một cơ hội được nổi danh? Đa số đều cho rằng, “họ biết vị trí của mình ở đâu, biết chấp nhận sân chơi mà mình đã chọn và được chọn”.

Dấu mặt để tạo ánh hào quang cho người khác, cascadeur còn phải chấp nhận một mức cát xê được đánh giá là không cao. Một pha nhảy lầu khoảng vài trăm nghìn đồng, làm ngọn đuốc sống thì tầm hai triệu đồng. Công việc thì không phải lúc nào cũng có, vì vậy, đa số người hành nghề cascadeur đều phải có điều kiện về kinh tế, hoặc nghề tay trái để trang trải cuộc sống, để yên tâm “chơi hết mình” với tất cả sự hào sảng, chí khí.

Một lần ra phim trường là một lần đánh cược mạng sống với tử thần, nhưng họ không cưỡng nổi ham muốn chinh phục nguy hiểm, mở toang cánh cửa giới hạn của bản thân để tạo ra kỷ lục. Ai có thể làm cú bay xe xa 95.5m với tốc độ 120km/giờ, hoặc bay người xuống thác từ độ cao 60m tại Việt Nam như các bậc tiền bối cascadeur đã làm, để lại dấu son trong lịch sử nghề cũng như trong lòng người hâm mộ.

Đánh cược nhưng không bất chấp. Anh Lữ Đắc Long cho biết, cascadeur cũng phải gian nan luyện tập và lì đòn. Mỗi lần ra quân đều có thử nghiệm, tính toán, đo đếm từng ly từng tý, từ cảnh hiện trường đến người thực hiện để tăng độ an toàn đến 80% rồi mới trình diễn.

Nghề cascadeur không đem lại tiền bạc, danh vọng, nhưng đổi lại là sự tự hào về bản thân, sự công nhận và đồng cảm của những người hiểu biết, bao gồm cả ê-kíp làm phim lẫn giới báo chí, truyền thông. Diễn viên Thanh Hoa xem sự thành công của vai diễn Thanh Sói chỉ như là một ánh hào quang lướt qua. Giữa sự ưu ái của khán giả, những thay đổi trong cuộc sống do sự nổi tiếng mang lại, hay đối diện với một tương lai tươi sáng có thể trở thành một đạo diễn võ thuật hoặc một diễn viên thành công, chị vẫn tự hào nếu có ai gọi mình là cascadeur Thanh Hoa. 

Chị Thanh Hoa trong chương trình Khoảnh khắc cuộc đời

Cascadeur Việt Nam hiện đang sinh hoạt theo hình thức các câu lạc bộ, có giao lưu học hỏi với các đoàn làm phim nước ngoài nên tính chuyên nghiệp ngày càng cao. Ngoài ra, nhiều diễn viên cũng tham gia câu lạc bộ để tự mình thực hiện những pha nguy hiểm, cống hiến cho khán giả những thước phim người thật việc thật đầy cảm xúc.

Tuổi trẻ qua đi, những cascadeur sẽ làm gì khi không thể tham gia sân chơi của nghệ thuật thứ bảy được nữa? Gặp lại anh Lữ Đắc Long trong vai trò là một nhà báo nổi tiếng về lĩnh vực điện ảnh – văn nghệ, anh cho biết, những mối quen biết với giới diễn viên, nghệ sĩ, đạo diễn trong những năm hành nghề cascadeur đã cho anh vốn sống phong phú, và sự thuận lợi đáng kể khi anh chuyển nghề viết báo, cũng như khi tham gia vào quá trình sản xuất phim ảnh với nhiều vai trò khác nhau. Chị Thanh Hoa cũng sẽ trở về với việc dạy võ và buôn bán của gia đình, nhưng những âm sắc sôi động của một thời tuổi trẻ cùng với nghề cascadeur sẽ làm cho miền ký ức của chị mãi mãi tươi đẹp.

 Nhiếp ảnh gia Lữ Đắc Long

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.

Phạm Nhi