Với những góc quay thật đẹp, những bối cảnh hữu tình, những điểm đến mãn nhãn… những bộ phim điện ảnh và truyền hình có thể trở thành “đòn bẩy” hiệu quả góp phần quảng bá du lịch, đồng thời thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Cánh đồng sen Nam bộ trong phim “Lấy chồng cho vợ”
Cách đây 5 năm, những hình ảnh đẹp mãn nhãn trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) của đạo diễn Victor Vũ, đã có công lớn trong việc khơi dậy tiềm năng và quảng bá cho du lịch của Phú Yên. Sau khi phim công chiếu và rất “ăn khách” (hơn 80 tỉ đồng), Phú Yên với tên gọi “Xứ sở hoa vàng cỏ xanh” đã gắn với rất nhiều tour du lịch vẫn còn thu hút du khách đến tận bây giờ. Năm ngoái, đoàn phim truyền hình Hậu duệ mặt trời (phiên bản Việt), Tình yêu và tham vọng cũng đã chọn Phú Yên làm bối cảnh chính.
Đồng quê thanh bình trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”
Sau Phú Yên, đến lượt một loạt cảnh đẹp ở Huế như đồi Thiên An với rừng thông xanh mát và những bụi hoa sim tím đẹp như mộng, đồi Vọng Cảnh nhìn xuống sông Hương, khu phố cổ Bao Vinh (Hương Trà), Lăng Khải Định, Đại học Sư phạm Huế, ngôi làng Hà Cảng… được chọn làm bối cảnh của Mắt biếc - một bộ phim khác của đạo diễn Victor Vũ.
Và rồi sau khi phim ra mắt (thu 172 tỉ đồng), nhiều địa điểm xuất hiện trên màn ảnh đã trở thành nơi check-in thu hút rất đông du khách đến tham quan. Như ngôi làng Hà Cảng (Quảng Điền) yên bình, cây vông đồng cô đơn– nơi lưu giữ tuổi thơ của Ngạn và Hà Lan xuất hiện xuyên suốt trong các phân đoạn của Mắt biếc – đã xuất hiện liên tục trong danh mục tour của các công ty du lịch.
Hiện đoàn làm phim Kiều (chuyển thể từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du) đã hoàn thành một số cảnh quay ở động Thiên Đường (Phong Nha, Quảng Bình) - hang động có hệ thống thạch nhũ, măng đá độc đáo và tráng lệ nhất châu Á. Năm ngoái, bộ phim Người bất tử của đạo diễn Victor Vũ đã lần đầu tái hiện trên màn ảnh cảnh đẹp siêu thực ở hang Tú Làn (Quảng Bình).
Kong: Đảo Đầu lâu (Kong: Skull Island) của Hollywood (kinh phí sản xuất hơn 90 triệu đô la) từng góp phần quảng bá cho du lịch Ninh Bình với ba địa điểm chính là Tràng An, Tam Cốc - Bích Động và đầm Vân Long. Bộ phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể kết hợp những cảnh quay hoành tráng, những góc máy đẹp lạ cùng kỹ xảo điện ảnh CGI, biến các công trình như quần thể Tràng An - Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động trở nên tuyệt đẹp hơn.
Vào năm 2004, bộ phim Dốc tình (TFS sản xuất) lấy bối cảnh chính tại Đà Lạt đã để lại dấu ấn sâu sắc về một thành phố cao nguyên lãng mạn, bình yên cùng những con người thân thiện. Sau đó, những địa điểm nổi tiếng gồm khu Hòa Bình, Secret Garden, dốc Nhà Bò, rừng thông mộng mơ, cầu chữ Y trên hồ Xuân Hương, hồ Tuyền Lâm rồi những homestay mang phong cách cổ điển, nhà thờ chính tòa, những ngôi biệt thự cổ hay những cánh đồng hoa, cánh đồng rau, đồi chè bát ngát, những con đường uốn khúc bên rừng thông, những con suối hoang sơ... của Đà Lạt đã lần lượt xuất hiện trong rất nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình.
Đà lạt thơ mộng trong phim “Hoa cúc xanh”
Trong đó có thể kể đến: Mưa thủy tinh, Tường vi cánh mỏng, Có lẽ nào ta yêu nhau, Thụy khúc, Những đóa hoa tình yêu, Biệt thự Pensée, Biệt thự hoa hồng, Thủy cơ, Hoa cúc xanh, Vẫn có em bên đời, Hoa cúc vàng trong bão, Tỷ phú tưng, Trang trại hoa hồng, Tháng năm rực rỡ, 100 ngày bên em…
Miền Tây Nam bộ với những cù lao lúa thẳng cánh cò bay, những vườn cây ăn trái sum sê nằm bên dòng sông lững lờ lục bình trôi, những ngôi nhà cổ ở Gò Công Tây (Tiền Giang) hay Bình Thủy (Cần Thơ), những cánh đồng sen thơm ngát của Đồng Tháp, chợ nổi trên sông ghe xuồng tấp nập… cũng được đưa lên màn ảnh, trong các bộ phim như: Đồng quê, Cá rô anh yêu em, Mắt lụa, Khúc tương tư, Bồng bềnh trên sông, Lấy chồng cho vợ, Cánh đồng bất tận, Tiếng sét trong mưa...
Chợ nổi miền Tây Nam bộ trong phim “Hát ca bồng bềnh”
Nhiều danh lam thắng cảnh của vùng Ninh Thuận, Cam Ranh, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột, Phú Quốc, Hà Tiên (Kiên Giang), Cà Mau và cả đảo Lý Sơn cũng được chọn làm bối cảnh trên màn ảnh, mang lại những khung cảnh thật hùng vĩ hoặc thơ mộng khiến khán giả phải trầm trồ…
Từ nhiều năm nay, bên cạnh nội dung hay và dàn diễn viên có diễn xuất tốt thì bối cảnh quay ngoại với những khung hình mãn nhãn được xem là thứ “vũ khí” đắc lực trong việc thu hút khán giả. Bởi vậy, đã và đang có những “cuộc đua” tìm kiếm bối cảnh mới lạ và đặc sắc cho phim. Từ hiệu ứng tích cực của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc và nhiều bộ phim khác, ngành du lịch có thể xem các sản phẩm giải trí này là phương tiện truyền thông để quảng bá và thu hút du khách đến với địa phương.
Tất nhiên, các địa phương nên tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn phim trong quá trình đến ghi hình, cùng các giải pháp hiệu quả để bảo vệ các cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử trước và sau khi chúng xuất hiện trên phim…
Từ cuối năm ngoái, nhằm quảng bá điểm đến và phục vụ tốt hơn du khách, cộng đồng, địa phương đã tổ chức bảo vệ cảnh quan chung cây vông đồng tức “cây Mắt biếc”, trồng hoa, dựng lại chiếc lán bên dưới gốc cây. Còn hiện tại, nhằm “kích cầu” du lịch hậu Covid-19, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang phối hợp với các công ty tổ chức tour “Cây Mắt biếc – Đầm Chuồn Phá Tam Giang – Rú Chá”, kết nối cây vông cô đơn và các địa điểm du lịch văn hóa gần bối cảnh trong phim Mắt biếc.
Cây vông cô đơn trong phim “Mắt biếc”
Nhìn chung, phim ảnh luôn là một kênh truyền thông rất tốt cho nhiều lĩnh vực khác từ du lịch đến hàng tiêu dùng. Bởi thông qua một bộ phim “ăn khách”, khán giả có thể bị tác động đến lối sống, phong cách và cả sở thích du lịch, mua sắm. Việc bắt tay với phim ảnh để nâng cao hiệu quả du lịch đã được nhiều nước áp dụng và gặt hái thành công như Hàn Quốc, Đài Loan. Nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa khai thác tốt tiềm năng có lợi này từ phim ảnh.
Đan Khanh