Thời gian vẫn cứ trôi và NSƯT Tuyết Thu thì vẫn vậy. Phương châm “sống thật, làm thật và nói thật” của nữ nghệ sĩ theo năm tháng vẫn cứ bền bỉ như ngày nào.
NSƯT Tuyết Thu
Với khán giả cả nước, dù ở bất cứ vai trò nào, diễn viên múa, diễn viên kịch hay diễn viên phim truyền hình, cái tên Tuyết Thu chẳng hề xa lạ.
Tốt nghiệp chuyên ngành cải lương, nhưng nữ nghệ sĩ lại bắt đầu sự nghiệp của mình là một diễn viên múa của Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh. Gần 10 năm trải mình trong những vũ điệu, Tuyết Thu mới có cơ hội đứng trên sân khấu kịch. Nhưng cũng nhờ những điệu múa, vũ đạo thuần thục mà chị đã tạo được dấu ấn đặc biệt cho nhiều vai diễn của mình. Sau nàng Juliet trong vở Nguyệt hạ, là công chúa Ngọc Hân trong vở Hồn thơ ngọc, để rồi được đạo diễn Trần Mỹ Hà “chấm” chị vào vai bác sĩ Oanh trong phim Blouse trắng - mở thêm lối đi cùng phim ảnh.
Những vai diễn của Tuyết Thu trên sân khấu kịch khi thì đằm thắm, nhẹ nhàng, khi thì hài hước, tinh nghịch, còn Tuyết Thu của phim ảnh lại rất khác. Kể từ bộ phim đầu tiên là Blouse trắng, rồi đến Thám tử tư, Con khỉ mồ côi, Chuyện tình yêu, Cá lên bờ, Bên kia sông (bộ phim vừa đoạt giải Cánh Diều Vàng ở hai hạng mục - Phim Truyền hình xuất sắc nhất và Biên kịch phim truyền hình xuất sắc nhất)… khán giả đều thấy chị trong những vai diễn đầy cá tính và bản lĩnh vững vàng, đủ sức để chịu đựng những cơn sóng gió của cuộc đời.
NSƯT Tuyết Thu (trái) và Thanh Thúy trong phim "Blouse trắng"
Đầu tiên phải kể đến vai Thi Mai trong phim Cha dượng. Trong phim, Thi Mai là một Giám đốc kinh doanh một công ty trang trí nội thất, do chồng ngoại tình, rồi bị buộc li hôn để chia tài sản và phải một mình nuôi con. Còn bà Thảo trong bộ phim Tấm lòng của biển, cũng là một vai diễn mang đến cho người xem những cảm thông sâu sắc về thân phận của người làm vợ, làm mẹ.
Và gần đây nhất là vai Minh Thùy - vợ của trùm Hai Tuấn (NSƯT Tạ Minh Tâm thủ vai) trong phim Bên kia sông. Đây cũng là lần tái ngộ thú vị giữa hai nghệ sĩ sau Blouse trắng cách đây 10 năm. Nếu trong Blouse trắng, họ vào vai đối thủ một chín một mười, thì ở Bên kia sông, họ vào vai vợ chồng, nhưng có tính cách hoàn toàn trái ngược.
NSƯT Tuyết Thu và NSƯT Tạ Minh Tâm trong phim "Bên kia sông"
Sân khấu và phim ảnh là vậy, Tuyết Thu luôn dành trọn tình cảm và tâm huyết của mình. Cuộc sống thường nhật cũng vậy, bản thân là một người nghệ sĩ, đằng sau ánh đèn sân khấu, sau những rong ruổi ở phim trường, chị vẫn mong được về với gia đình, nơi ấy có chồng, có con - những người đã và đang tạo cho chị động lực vượt lên tất cả.
Có thể nhận thấy, gian truân, số phận cùng những vai diễn trong phim, trên sân khấu, nhưng ngoài đời Tuyết Thu có một cuộc sống êm đềm và hạnh phúc. Chị bảo, môi trường, công việc nào cũng vậy, nếu biết sắp xếp và chu toàn thì sẽ có được những điều mong muốn. Cuộc sống gia đình cũng thế, là phụ nữ nên việc lo toan, chăm sóc cho chồng, cho con là không thể đại loại, qua loa. Hạnh phúc được góp nhặt từ những điều nhỏ bé, vì vậy muốn có và giữ được hạnh phúc thì phải cần mẫn góp nhặt và hãy trân trọng những gì mình đang có.
NSƯT Tuyết Thu trong phim "Tấm lòng của biển"
Với bộ phim "Tấm lòng của biển", từ một nhân vật đã được khán giả cải lương thuộc nằm lòng, vậy khi đảm nhận bà Thảo của phim truyền hình, chị có gặp áp lực về việc phải vượt qua … cái bóng của vai diễn này?
Tôi biết về những gì liên quan đến vở diễn kinh điển này, nhưng không vì thế mà để bản thân rơi vào áp lực. Thứ nữa, chuyển thành phim truyền hình dài tập nên cách thể hiện nhân vật cũng sẽ khác đi. Cuối cùng, tác giả có thay đổi về thời gian, mở rộng không gian và thêm vào rất nhiều chi tiết, tình huống, các tuyến nhân vật khác nhau. Đồng thời, đưa câu chuyện phim gần hơn, mang hơi thở hiện tại và tôi chỉ phải diễn sao cho chân thật nhất.
Theo nhìn nhận cá nhân, chị có thể chia sẻ về những khác biệt giữa sân khấu kịch và phim trường?
Với ai thì không biết, nhưng với bản thân tôi thấy chẳng có sự khác biệt nào. Sân khấu hay phim trường thì người nghệ sĩ cũng cần phải thích nghi. Trước lạ, sau thành quen và cốt tủy là phải lao động hết mình, tôn trọng và sống chết với nhân vật đã được đạo diễn, nhà sản xuất tin tưởng giao phó.
NSƯT Tuyết Thu trong phim "Bên kia sông"
Cùng là mẫu nhân vật phụ nữ cam chịu, hiền lành, vậy vai Thùy trong bộ phim "Bên kia sông" có khiến chị gặp khó khăn trong lúc diễn không?
Khi được đạo diễn Phạm Ngọc Châu mời vào vai Minh Thùy, tôi đọc kịch bản và cảm nhận đây là dạng nhân vật tôi thường thể hiện. Tuy nhiên, khi nghiên cứu kĩ thì đây là dạng vai tâm lý rất nặng, không dễ diễn, nếu không sẽ thấy nhân vật mờ nhạt.
Làm sao để khán giả hiểu được nỗi lòng của người vợ một trùm xã hội đen, sự bất lực khi khuyên can chồng từ bỏ cái ác không được, sự lo lắng nhưng không đủ can đảm tố cáo chồng, nỗi khổ của người mẹ khi hai con gái mình thần tượng ba chúng. Mỗi phân đoạn, mỗi tập, tâm lý của nhân vật Minh Thùy thay đổi nên tôi chọn nhiều cách diễn nội tâm khác nhau. Tuy nhiên tôi gặp nhiều thuận lợi khi đóng cùng NSƯT Tạ Minh Tâm. Chúng tôi cũng là bạn bè thân thiết nên vào vai rất thuận lợi.
Thành công trong sự nghiệp diễn xuất lẫn việc “giữ lửa” cho tổ ấm của mình, chị có thể chia sẻ một chút "bí quyết" không? Và phải nói về mình, chị sẽ nói gì?
Với tôi, cách giữ lửa cho tổ ấm đơn giản lắm: yêu thương và hết mực chân thành. Ai cũng mong muốn hạnh phúc, nhưng khi được sở hữu lại chểnh mảng, dửng dưng. Riêng tôi, luôn trân trọng, gìn giữ những gì mình đang có. Và điều phải luôn ghi nhớ đó là: Sống thật, làm thật và nói thật.
Đinh Nguyễn