Biết được những gian nan trong cuộc đời và niềm đam mê cháy bỏng với nghề của NSƯT Quốc Thảo, khán giả thêm yêu quý, trân trọng người nghệ sĩ đã hết lòng vì nghệ thuật nói chung và sân khấu kịch nói riêng.
NSƯT Quốc Thảo hết lòng vì nghệ thuật và sân khấu kịch
Trên đường đời có mấy ai biết được con đường mình chọn sẽ đi về đâu, dẫu biết theo đuổi đam mê sẽ phải chấp nhận nhiều thử thách, NSƯT Quốc Thảo vẫn tìm thấy niềm hạnh phúc trong những sóng gió của cuộc đời.
NSƯT Quốc Thảo tốt nghiệp khoa đạo diễn trường Sân khấu điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. Dù tốt nghiệp chuyên ngành điện ảnh, anh lại nổi danh trong vai trò diễn viên. Anh là một ngôi sao sân khấu kịch thuộc thế hệ vàng của sân khấu kịch Sài Gòn.
NSƯT Quốc Thảo hướng dẫn cho các bạn trẻ biểu diễn
Cuộc đời của nghệ sĩ Quốc Thảo có nhiều bước ngoặt bất ngờ, mà chính anh là người tự đưa mình vào những con đường khó. Đối với anh, chỉ cần có được cơ hội tìm thấy những điều mới lạ, vun đắp nội lực cho niềm đam mê nghệ thuật, anh sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách.
Đến với tiết mục "Chuyện đời tôi" của chương trình Tạp chí Văn nghệ, anh đã có những chia sẻ về cuộc đời mình.
Bước ngoặt cuộc đời
Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Tuổi thơ của tôi rất êm đềm, nhưng cuộc đời tôi bắt đầu xáo trộn ngay thời điểm tôi đi làm trong Sở Điện lực.
Tại đây, tôi có một người bạn rất mê nghệ thuật, anh ấy muốn thi trường Sân khấu điện ảnh (trường Nghệ thuật - Sân khấu 2 trước đây) nên rủ tôi thi cùng. Tôi có thời gian rảnh nên đồng ý để động viên tinh thần bạn. Nhưng đúng là số phận "nghiệt ngã", đó là mốc quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Người cần đậu thì lại không đậu, người đi chơi vui thì lại đậu.
Sau một thời gian đắn đo, tôi quyết định xin nghỉ ở Sở Điện lực một tuần không ăn lương để học thử bên Sân khấu. Sau một tuần, tôi thấy ở đây có nhiều điểm lạ mình cần khám phá, thích hợp với mình hơn là một công chức ngồi bàn làm việc. Phải nói rằng, giai đoạn đó tôi rất băn khoăn, có nhiều suy tư: "Bây giờ mình phải làm gì đây, nhưng lỡ phóng lao rồi thì phải theo lao thôi".
Vai diễn Chu Bình trong vở "Lôi Vũ" mang tên tuổi anh đến với khán giả
Tôi dồn hết sức vào việc học, ban ngày học, tối về tôi nhận dệt chiếu phụ gia đình. Sau một học kì, tôi thấy hoảng vì mình đã đánh đổi một công việc rất ổn định để chọn một điều bấp bênh. Bởi vì lúc đó, tôi thấy tương lai rất mờ mịt.
Sau khi tốt nghiệp tôi nhận ra, có thể lựa chọn lúc đầu mình cho nó là liều lĩnh, nhưng sau này tôi thấy đó là một quyết định rất đúng đắn. Bởi vì khi mình làm một điều bản thân không thật sự đam mê thì sớm hay muộn, mình cũng sẽ thay đổi. Cũng may tôi đã thay đổi khi còn rất trẻ.
Tốt nghiệp đạo diễn nhưng tôi lại có duyên với vai trò diễn viên. Vừa mới ra trường, tôi đã được đóng vai chính trong vở Số phận trớ trêu của thầy Trần Minh Ngọc. Sau đó là diễn vai Chu Bình trong vở Lôi Vũ - đây là vai diễn mà mấy chục năm trôi qua, khán giả gặp tôi vẫn nhắc. Một người diễn viên không có gì hãnh diện bằng khi được khán giả nhớ tới nhân vật mình đã đóng.
Khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao anh quyết định đi tu nghiệp
Có thể nói, ở thời điểm sân khấu kịch truyền hình - điện ảnh đang nhộn nhịp với nhiều tác phẩm có chất lượng NSƯT Quốc Thảo đã phát huy mọi tài năng của mình ở lĩnh vực đạo diễn và diễn viên. Sự nghiệp nghệ thuật của anh lên cao như diều gặp gió.
Thử thách niềm đam mê
Có lẽ bản chất của tôi là một con người cầu tiến nên tôi không muốn giậm chân tại chỗ, không muốn mình bị lạc hậu so với cuộc sống và nghề nghiệp. Chính vì vậy, giữa sự vinh quang, một cơ duyên nữa đến với tôi. Tôi được Đại học Columbus ở Chicago (Mỹ) mời hợp tác trong một dự án "Nghệ thuật trình diễn" với họ. Khi được tham quan điều kiện học của các bạn sinh viên bên đó, tôi thấy một cánh cửa mới đang mở ra trước mặt mình. Tôi muốn tu nghiệp thêm nên đã tạm gác lại công việc đạo diễn - diễn viên một thời gian.
Tại Mỹ, anh tự bươn chải kiếm tiền chỉ để xem các show diễn, học hỏi kinh nghiệm
Đặt chân tới Mỹ, tôi luôn mang một hoài bão là sau khi học xong, tôi sẽ trở về để làm điều gì đó cho sân khấu nước nhà. Từ lúc qua Mỹ đến lúc về, tôi tổng kết tiền vé mình bỏ ra để xem nghệ thuật cũng phải mấy chục nghìn đô. Tôi tiếc mấy chục đô mua quần áo nhưng không tiếc tiền mua vé xem các buổi diễn.
Ở Mỹ là thời gian vừa hay, vừa khủng khiếp nhất cuộc đời tôi. Bởi vì tôi đã đánh đổi mọi thứ đang có như tiền bạc, danh vọng, bạn bè... để đến xứ người rồi tự bươn chải, làm đủ mọi việc để lo cho bản thân.
Thời điểm trở về
Sau chín năm ở Mỹ, tôi quay về trong sự háo hức và nóng lòng làm điều gì đó to lớn cho nghệ thuật nước nhà. Trước khi bắt đầu mở sân khấu của riêng mình, tôi tham quan rất nhiều sân khấu khác. Tôi có hơi buồn vì sau chừng ấy thời gian, sân khấu ở Việt Nam - cụ thể là Sân khấu TP. Hồ Chí Minh chưa có gì thay đổi.
Sân khấu TP. Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn khủng hoảng, chưa tìm được lối đi nào để lấy lại thời hoàng kim, khi các phương tiện thông tin hiện đại đã níu giữ khán giả tại nhà và không cần phải đến các sân khấu kịch. Chính điều này đã làm tôi hụt hẫng, khi những hoài bão của mình bị hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, mỗi khi được diễn cùng các đồng nghiệp là niềm hạnh phúc lớn lao tôi luôn trân trọng và gìn giữ.
Sau khi trở về, anh tự mở Sân khấu kịch Quốc Thảo trong sự ngạc nhiên của đồng nghiệp
Khi tôi quyết định mở Sân khấu kịch Quốc Thảo, nhiều bạn bất ngờ lắm, đặc biệt là Việt Hương. Chị hỏi rằng tôi đã suy nghĩ kĩ chưa, vì sao tôi lại táo bạo như thế giữa tình hình sân khấu không được sáng sủa cho lắm. Tôi chỉ nói cái quan trọng nhất là tôi mong ước được truyền lại kinh nghiệm, những điều mình đã học ở nước ngoài đến với các bạn trẻ, để có một thế hệ diễn viên ưu tú nối tiếp sau này.
Sau bao nhiêu bôn ba, tôi cũng được làm điều mình yêu thích. Ngoài ra, tôi cũng dành thời gian để truyền dạy lại cho các bạn trẻ yêu nghệ thuật kịch nói tại Sân khấu kịch Quốc Thảo.
Từng bôn ba vì lựa chọn của mình, NSƯT Quốc Thảo chưa bao giờ bỏ cuộc
Tôi có một cách nhìn tích cực về cuộc sống. Dù cho mình có đang rớt xuống vực thẳm đi chăng nữa, mình cũng phải nghĩ đó là lối thoát. Biết đâu dưới vực thẳm đó là dòng sông hay biển cả đang che chở cho mình, hoặc một tán cây rộng để đỡ mình. Tất nhiên cũng có lúc tôi buồn hay bế tắc, nhưng không có nghĩa là tuyệt vọng.
Mời quý khán giả đón xem chuyên mục "Chuyện đời tôi" trong chương trình "Tạp chí văn nghệ" phát sóng lúc 8g30 Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.
Gia Huy