NSƯT Phượng Hằng: Sống trọn vẹn với cải lương

NSƯT Phượng Hằng cho rằng, còn rất nhiều khán giả yêu thích cải lương. Không chỉ riêng bản thân, mà những người trong nghề luôn mong muốn vực dậy bộ môn này để sân khấu luôn sáng đèn và cải lương "sống" mãi trong lòng người Việt Nam.


NSƯT Phượng Hằng có niềm đam mê với cải lương từ khi là một cô bé

Mê ca cải lương từ nhỏ

Từ nhỏ, cô bé Phượng Hằng đã được cha mẹ đưa theo đoàn hát biểu diễn vào những dịp hè. Đi liên tục, tiếp xúc mỗi ngày với cải lương, Phượng Hằng đã mê bộ môn này lúc nào không hay. Ngày đó, mỗi lần đoàn biểu diễn, cô bé Phượng Hằng thường đứng nép đằng sau cánh gà chăm chú nhìn các cô chú hát. Cô mê đến nỗi thuộc luôn cả vở tuồng. 

Tuy NSƯT Phượng Hằng xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhưng cha mẹ cô dường như không muốn cho con gái mình nối nghiệp. Vì vậy, nữ nghệ sĩ bước chân vào con đường cải lương rất tình cờ. Cô kể: “Một lần, trong đoàn có cô bé đến tuổi đi học, không thể diễn được nữa nên vở tuồng đó thiếu một vai “đào con”. Mấy chú liền hỏi tôi có thuộc vở tuồng này không, nếu thuộc là cho lên hát liền. Không cần phải suy nghĩ, tôi trả lời với sự háo hức: Dạ, con thuộc! Thế là tôi được lên sân khấu biểu diễn. 

Tôi nhớ đêm đó diễn tuồng Kiếm sĩ điên, còn mình vào vai cô bé ăn xin đi theo người kiếm sĩ. Đây là người luôn dành tình yêu thương cho những đứa trẻ mồ côi, nên khi quan huyện ra lệnh giết kiếm sĩ, nhân vật của tôi sẽ ra can ngăn. Lúc đó, tôi chỉ mới 7-8 tuổi, sau khi hát xong, khán giả vỗ tay rất nhiều. 


Nữ nghệ sĩ nói, cô học nghề từng những lần theo đoàn đi biểu diễn

Lần đó, tôi còn quên một từ trong câu hát nên đã tự ý thay thế. Người xem thì không nhận ra, nhưng cô chú trong nghề có nói: “nó quên tuồng vậy mà vẫn hát được chứ!”. Đó là kỷ niệm đầu tiên khi tôi bước lên sân khấu biểu diễn”.

Sau vai diễn tình cờ này, cô bé Phượng Hằng chính thức bước vào con đường nghệ thuật, trở thành một “đào nhí”. NSƯT Phượng Hằng nói, ngày đó học nghề khá dễ dàng. Mỗi lần đoàn hát đi diễn ở một huyện là phải mất mấy tháng, đó cũng là thời gian cô học nghề từ những buổi biểu diễn. 

“Cô đào” hát vọng cổ hơi dài

Ngoài chất giọng ngọt ngào, NSƯT Phượng Hằng còn được biết đến là “cô đào” có thể hát vọng cổ hơi dài. Cô chia sẻ: “Lúc nhỏ, khi nghe các nghệ sĩ hát hơi dài, tôi cảm thấy rất thích nên bắt chước theo. Tôi nhớ mình từng đảm nhận vai ngọc thố có hát một câu dài khoảng năm mấy chữ. Ngày đó tôi mới biết ca nên háo hức lắm, nhưng chưa biết được sức của mình đến đâu, hơi có đủ dài không. Vì vậy, tôi ca còn đúng một chữ cuối thì bị đứt hơi. Tôi buồn quá, không muốn ra đường luôn”.  


Cô được khán giả yêu mến qua từng vai diễn

NSƯT Phượng Hằng cho biết, thông thường soạn giả viết một câu dài khoảng 30 đến 50 chữ. Nhưng nghệ sĩ này lại muốn thêm rồi lại thêm nữa nên có câu dài đến cả trăm chữ. Đến thời điểm này, cô vẫn còn giữ được cột hơi dài như ngày trước, nhưng ưu điểm này từng khiến bản thân có chút chạnh lòng.

Nữ nghệ sĩ bộc bạch: “Lúc đầu, có người nói, Phượng Hằng chỉ có thể ca, chứ không biết diễn. Nghe xong, tôi cũng buồn chứ! Tuy buồn nhưng tôi rất cảm ơn những lời nhận xét này, vì đó cũng là lời nhắc nhở để mình cố gắng diễn tốt hơn”.

Bạn diễn ăn ý

Nhắc đến “cô đào” Phượng Hằng, người hâm mộ sẽ nhớ ngay đến bạn diễn ăn ý nhất là nghệ sĩ Châu Thanh. Bản thân Phượng Hằng cũng cảm thấy mình may mắn khi có được bạn diễn sở hữu giọng ca tương đồng. Bên cạnh đó, những nhân vật mà cả hai đảm nhận đều được soạn giả và đạo diễn “đo ni đóng giày” nên Phượng Hằng và Châu Thanh đã tạo thành cặp đôi nhận được rất nhiều tình cảm từ khán giả.


Nghệ sĩ Châu Thanh là bạn diễn ăn ý của NSƯT Phượng Hằng

“Tôi nhớ khi diễn vở Vụ án Mã Ngưu, đang tập trung ca thì gót giày lọt xuống khe hở ở sân khấu nên bị gãy. Lúc đó, bản thân đã cố không cười mà khán giả còn cười nhiều hơn. Vì vậy, tôi buộc phải tháo giày ra và cầm trên tay rồi diễn tiếp. Nhưng vì không có giày, tôi bị “lép vế” chiều cao so với “kép chính” Châu Thanh, nên bản thân cứ đứng mãi trên bậc tam cấp biểu diễn. Nhìn thấy tôi cầm đôi giày trên tay và không chịu bước khỏi bậc tam cấp là bạn diễn hiểu vì sao nên đã phối hợp rất ăn ý”, NSƯT Phượng Hằng hào hứng kể về kỷ niệm khi diễn chung với nghệ sĩ Châu Thanh.

Dừng chân tại TP. Hồ Chí Minh

NSƯT Phượng Hằng từng đi diễn ở rất nhiều tỉnh thành, nhưng cuối cùng cô lại chọn TP. Hồ Chí Minh làm nơi dừng chân. Cô nói ở thành phố có rất nhiều người làm nghề nên giúp mình học hỏi được nhiều kinh nghiệm cũng như cạnh tranh để khẳng định tên tuổi. 

Vì vậy, khi quyết định lựa chọn TP. Hồ Chí Minh để lập nghiệp, gia đình nghệ sĩ Phượng Hằng rất ủng hộ. Mặc dù ở những nơi khác, cuộc sống của người nghệ sĩ có thể thoải mái hơn, nhưng cô vẫn “hy sinh” tất cả, dừng chân nơi đây để tạo dựng chỗ đứng trong lòng khán giả.

Cô tâm sự: “Khi đặt chân lên thành phố, tôi rất hồi hộp và lo lắng không biết mọi người có tiếp nhận mình hay không. Ngày đó, trưởng đoàn Trung Hiếu dường như đã “chấm” tôi nên đến xem mình biểu diễn. Trong khi đó, nghệ sĩ Châu Thanh cũng vừa về đoàn và muốn có người hát đôi cùng với anh ấy nên mời tôi tham gia. Vở tuồng đầu tiên tôi hát là Sóng gió cuộc đời, khán giả xem rất đông và mình được công nhận nên cảm thấy may mắn.


NSƯT Phượng Hằng đã chọn TP. Hồ Chí Minh để tạo dấu ấn trong lòng người hâm mộ cải lương

Trong quá trình làm nghề, có lẽ tôi nhớ nhất là vở Vụ án Mã Ngưu. Vở tuồng này rất được khán giả yêu thích, nên chúng tôi phục vụ cả tuần và cứ xoay tua tại các rạp hát khắp thành phố. Tôi cũng không biết diễn tả thế nào về tình cảm của người hâm mộ dành cho vở Vụ án Mã Ngưu lúc đó. Đây có lẽ là vở tuồng để đời của tôi. Khi nhận được tình cảm của mọi người, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Những nỗ lực, cực khổ mà bản thân đã trải qua là hoàn toàn xứng đáng”.

Khi cải lương đã đi qua thời hoàng kim, nhưng vẫn còn không ít người hâm mộ yêu thích bộ môn này. NSƯT Phượng Hằng cho rằng, nếu có vở diễn hay, được đầu tư kỹ lưỡng, khán giả sẽ không thể nào quay lưng.

Nữ nghệ sĩ chia sẻ: “Tôi thấy HTV tổ chức cuộc thi Chuông vàng vọng cổ thu hút rất nhiều người tham gia. Có những bạn trẻ vô cùng háo hức đăng ký dự thi để được thể hiện đam mê hát cải lương của mình. Vì vậy, tôi nhận thấy vẫn còn nhiều khán giả yêu thích cải lương. Không chỉ riêng bản thân, mà những người trong nghề luôn mong muốn vực dậy bộ môn này để sân khấu luôn sáng đèn và cải lương "sống" mãi trong lòng người Việt Nam”.

Mời quý vị đón xem chương trình “Ký ức Sài Gòn” được phát sóng vào lúc 10g Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.
Thanh An