KỶ NIỆM 320 NĂM SÀI GÒN-GIA ĐỊNH-TP.HỒ CHÍ MINH (1698 – 2018)

Những ngôi Đình cổ ở TP. Hồ Chí Minh (Phần 1)

Theo tiến trình phát triển, đình ở Sài Gòn – Gia Định ra đời là sản phẩm văn hóa của cộng đồng người Việt trên hành trình Nam tiến. Đối với người Nam bộ, đình từng là nơi thể hiện hầu như toàn bộ thế giới quan và nhân sinh quan của người lưu dân xa xứ…


Đình Chí Hòa

Nét đặc trưng  của Đình làng Nam bộ

Trong quá trình Nam tiến, cư dân từ miền ngoài vào khai khẩn vùng đất hoang Nam bộ và việc lập đình, xây miếu là một dạng thức tín ngưỡng bản địa được các lưu dân xác lập trên vùng đất mới. Dù có một số khác biệt so với tín ngưỡng truyền thống, nhưng cơ bản nó đã đáp ứng được nhu cầu về tâm linh của con người, đó là cầu mong được bình an vô sự giữa chốn nước đỏ, rừng xanh này.

Vì lẽ đó, với người Nam bộ, đình có ý nghĩa cao trọng không khác “vật thiêng”, có quyền lực mạnh mẽ vô song, không cưỡng lại được. Cho nên, với tư cách là một biểu tượng văn hóa, đình làng từng thể hiện nhu cầu tinh thần gần như độc tôn gắn với đời sống xã hội. Đình có vai trò “trung tâm” tổ chức các hoạt động văn hóa hết sức cuốn hút, là nơi chủ yếu thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của người Việt lưu lạc một thời.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đình làng luôn gắn bó với đời sống tâm linh của cả cộng đồng, trở thành một sản phẩm, một biểu tượng văn hoá, là chốn linh thiêng và là linh hồn của cả cộng đồng cư dân làng xã. Từ trong đình làng nhân dân muốn gửi gắm niềm tin, ước vọng về cuộc sống hạnh phúc, thanh bình. 

Không giống như những ngôi đình làng ở miền Bắc là một kiến trúc gỗ đồ sộ, gồm 5 đến 7 gian, ngôi đình làng Nam bộ thường là một quần thể kiến trúc gỗ, gồm nhiều ngôi nhà sát liền nhau theo kiểu sắp đọi và thường được xây dựng ở vị trí cao ráo, tiện việc đi lại, ít bị chi phối bởi thuật phong thủy.

Ngôi đình chính thường có kết cầu gồm ba hoặc nhiều nếp nhà tứ trụ, cùng kiểu cùng cỡ, bố trí theo kiểu "trùng thềm điệp ốc". Mái đình thường lợp ngói âm dương hoặc ngói ống kiểu Trung Quốc.

Cổng đình thường có trụ cột, trên có mái lợp ngói, hoặc trên hai trụ có đặt cặp lân bằng sành tráng men. Bình phong nằm chính giữa phía trước sân đình. Mặt bình phong thường đắp nổi hoặc vẽ cảnh cọp vàng đứng bên gộp đá lởm chởm.

Sân đình thường có đàn thờ Thần Nông, có nơi lập đàn tế chung với thần Thần Đất gọi là đàn Xã Tắc. Hai bên đàn thường là các miếu thờ Chúa xứ Sơn quân, miếu thờ Hội đồng hoặc miếu thờ một trong các Nữ thần như: Năm Bà ngũ Hành, Chúa Xứ Nguyên Nhung, Linh Sơn Thánh Mẫu, Chúa Tiên, Chúa Ngọc...


Đình Chí Hòa

Theo tiến trình phát triển của đình làng người Việt, đình ở Sài Gòn – Gia Định ra đời là sản phẩm văn hóa của cộng đồng người Việt trên hành trình Nam tiến. Đối với người Nam bộ, đình từng là nơi thể hiện hầu như toàn bộ thế giới quan và nhân sinh quan của người lưu dân xa xứ… Việc lập đình, xây miếu là một dạng thức tín ngưỡng bản địa được các lưu dân xác lập trên vùng đất mới.

Nét đặc trưng tín ngưỡng văn hóa này được lưu giữ ở nhiều ngôi đình cổ, tiêu biểu là đình Chí Hòa, hiện tọa lạc trên đường Cách mạng tháng Tám thuộc phường 13, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Đình Chí Hòa là một trong những ngôi đình cổ xưa, ôm trọn trong mình 320 năm thăng trầm của lịch sử Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh.


Toạ lạc trên một khu đất rộng ở số 475/77 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, đình Chí Hòa vẫn giữ được nét cổ kính uy nghiêm, giữa màu xanh thiên nhiên kỳ vĩ, giữa khu dân cư sầm uất của một quận đang trên con đường đô thị hoá. 

Ngược dòng lịch sử, thuở đầu khai hoang lập ấp, vùng đất này có tên gọi là thôn Tân Hưng. Đến năm 1836, thôn Tân Hưng đổi thành thôn Hòa Hưng. Đến năm 1910, theo quy hoạch mới của chính quyền thực dân Pháp, làng Hòa Hưng thuộc tổng Dương Hòa Thượng, tỉnh Gia Định. Địa danh Chí Hòa nằm trong thôn Hòa Hưng trong đó có đại đồn Chí Hòa và tên đình làng Chí Hòa ra đời theo tên địa danh này.

Theo lời kể của các bậc cao niên ở đây, đình Chí Hòa ngày trước có cây đa cổ thụ 3 người ôm không xuể. Năm 1980, cây đa bị đốn, cảnh quan đình bị thay đổi nhiều. Qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, hiện nay, đình Chí Hòa có diện tích (32,8x15m), kiến trúc theo hình chữ Tam, ôm chánh điện là hai dãy nhà gọi là Đông và Tây lang (còn gọi là tả, hữu mục).

Từ cổng Tam Quan đầu tiên được xây dựng bằng gạch uốn cong, trên mái gắn một cặp lưỡng long tranh châu bằng gốm men xanh ngọc và đến bức bình phong được ốp vào một lớp gốm sứ có phù điêu hoạ tiết, mặt ngoài có bàn thờ và tượng đắp nổi Thần Hổ, hai bên có tượng Kỳ Lân phủ phục… 

Trong đền, nổi bật nhất là sân khấu bằng gạch, xi măng (mặt trước quay về chính điện); hai bên sân khấu có bức tranh tô nhiều màu diễn tả lại ngôi trường và lớp học của cụ Võ Trường Toản...

Ở khu chánh điện - nơi thờ "Thành hoàng bổn cảnh", nhìn từ bên ngoài nóc có hình "lưỡng long chầu nguyệt" với hai phụng bằng sành sứ lâu năm nằm kẹp hai bên. Bốn đầu đao của mái là bốn đầu rồng…


Theo một số tài liệu còn để lại tại đình thì phần kiến trúc này cho thấy, vì đình Chí Hòa đã được sắc phong nên đầu đao là đầu rồng có chân xòe 3 móng thể hiện thứ bậc Trung Đẳng Thần của vị Thành Hoàng đình. Bước vào bên trong chánh điện có bức hoành phi ghi 4 chữ "Thần Minh Chánh Trực" cùng với hàng cột gỗ lim đen bóng cao 4m chống đỡ giàn kèo thượng lương ở trên đã có trên 150 năm.

(Còn tiếp)

Văn Nguyễn