Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung từng là một thanh niên xung phong hăng hái trong thời kỳ bảo vệ và xây dựng đất nước. Anh tự hào khi là người con của TP. Hồ Chí Minh, và luôn truyền cảm hứng về thành phố này đến thế hệ trẻ qua nhiều bài hát.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung luôn tự hào là người con của TP. Hồ Chí Minh
Dấu mốc quan trọng
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung gắn liền với TP. Hồ Chí Minh từ khi còn là một cậu bé 2 tuổi. Anh nhớ lại: “Lúc đó thành phố hầu như là đồng ruộng và xung quanh gần như là ngoại ô. Tôi nhắc lại để thấy thành phố bây giờ phát triển rất nhanh”.
Khi nhắc về TP. Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung có rất nhiều kỷ niệm được gợi nhớ lại như một “cuốn phim” cuộc đời. Anh nói, ngày nhỏ, tuy rất khó khăn nhưng cuộc sống rất vui, không phải nghĩ ngợi gì. Cũng chính từ những khó khăn này, con người đã trưởng thành nhiều hơn.
Mỗi người đều có một tình yêu khác nhau dành cho nơi mình lớn lên, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung cũng không ngoại lệ. Dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của nhạc sĩ là khi đất nước giải phóng, anh tham gia thanh niên xung phong góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước. Anh tâm sự: “Tôi rất vinh dự khi được là một trong những bạn trẻ tham gia xây dựng các vùng nông thôn, các công trình thủy lợi, nông trường…”.
Trong những sáng tác của mình, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung đều gắn “chất” thanh niên xung phong vào đó
Nhờ những chuyến đi thanh niên xung phong, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung tích cóp rất nhiều vốn sống, tinh thần lạc quan, yêu đời, có thêm niềm tin vào cuộc sống... Đó là cũng những chất liệu “gắn chặt” vào những tác phẩm của nhạc sĩ. Dù sau này, các sáng tác của anh có viết về tuổi trẻ thành phố, đất nước quê hương đều mang “chất” thanh niên xung phong.
Trong số các ca khúc được nhiều khán giả yêu thích, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung có nhắc đến bài Hạt mưa long lanh. Anh chia sẻ: “Chỉ những ai đã từng đi thanh niên xung phong mới hiểu vì sao hạt mưa có màu xanh như lời bài hát đề cập. Hạt mưa rớt trên vai áo màu xanh, nón tai bèo màu xanh thì không còn là màu trắng đơn thuần nữa. Nói về hình tượng, đây là màu xanh của tương lai, hy vọng, niềm tin; màu xanh của nông trường; màu xanh của tuổi trẻ… thông qua lao động. Qua đó để thấy, thanh niên xung phong không chỉ biết lao động mà còn có tình yêu cuộc sống, đôi lứa và nhiều thứ lớn lao hơn”.
Đến với sáng tác nhạc phim rất tình cờ
Nếu bạn là “fan cứng” của phim truyền hình, hẳn sẽ không thể nào quên những tựa đề như: Giã từ dĩ vàng, Đồng tiền xương máu, Người đàn bà yếu đuối… Đây là loạt phim nhận được sự đón nhận của khán giả, và dàn diễn viên bước ra từ những bộ phim này giờ đây có người đã trở thành sao trong làng nghệ thuật. Đóng góp vào thành công cho những bộ phim kể trên phải nhắc đến các bài nhạc phim do nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung sáng tác.
"Giã từ dĩ vãng" là bộ phim đưa nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung đến với lĩnh vực sáng tác nhạc phim
Anh tâm sự: “Với phim ảnh, tôi luôn yêu thích từ những ngày còn nhỏ. Nhưng để tiếp cận với lĩnh vực sáng tác nhạc phim cũng là điều tình cờ. Khi đó tôi nhận lời mời tham gia viết nhạc cho phim Giã từ dĩ vãng từ đạo diễn Đinh Đức Liêm. Thú thật, lúc ấy, tôi rất sợ và lo lắng nên đã tìm hiểu rất nhiều về việc viết nhạc cho phim truyền hình. Nhờ sự chịu khó được rèn luyện trong thời kỳ tham gia thanh niên xung phong, cùng với sự may mắn khi được cộng tác với những người giỏi trong điện ảnh, tôi đã có bước tiến vượt bậc”.
Sau bộ phim này, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung tiếp tục hợp tác với đạo diễn Đinh Đức Liêm để sáng tác nhạc cho phim Người đàn bà yếu đuối. Khi đọc kịch bản, anh nhận ra hình ảnh người phụ nữ trong bộ phim hoàn toàn không yếu đuối như tựa đề.
Anh nói: “Họ có thể sẽ yếu đuối trong tình yêu, nhưng lại mạnh mẽ và nghị lực để vượt qua tất cả. Chắc chắn người phụ nữ này không phải yếu đuối. Sau khi Người đàn bà yếu đuối ra đời, bài hát đã phần nào đóng góp vào thành công của bộ phim và nhận được sự yêu thích của khán giả..
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung rất thích kịch bản “Người đàn bà yếu đuối” khi khắc họa tính cách mạnh mẽ và nghị lực của người phụ nữ
Khi viết tiếp ca khúc Thiên đường mong manh cho bộ phim Đồng tiền xương máu, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung nói để có được tựa đề này, đằng sau đó là cả một câu chuyện. Anh kể: “Thật ra lúc đầu, tôi viết bài Có khi nào dành cho bộ phim, nhưng đạo diễn nghe xong cảm thấy trữ tình quá, không phù hợp với cao trào của câu chuyện. Vì vậy, tôi đành viết lại ca khúc khác. Nhưng khi bắt tay viết, nếu lấy luôn tên ca khúc là Đồng tiền xương máu thì nghe có vẻ không ổn. Nội dung của bộ phim nói về con người luôn chạy theo những thứ phù phiếm, không thực tế hoặc quá thực dụng mà đánh mất hạnh phúc bản thân, đó chính là thiên đường ảo tưởng rất mong manh. Cho nên tựa đề Thiên đường mong manh ra đời cũng vì lẽ đó”.
Tự hào vì là người con của TP. Hồ Chí Minh
Nguyễn Đức Trung là một trong những nhạc sĩ còn dành trọn tâm huyết cho các sáng tác về thầy cô và lứa tuổi học trò. Anh nhớ lại: “Ngày trước, những bài hát dành cho lứa tuổi thiếu nhi, học đường rất hiếm. Vì thế, tôi đã mạnh dạn viết một số bài về chủ đề này, và may mắn được mọi người yêu thích. Điển hình như: Lời thầy cô, Tháng năm học trò… đã được các ca sĩ biểu diễn rất thành công”, nhạc sĩ tâm sự.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung có rất nhiều sáng tác ca ngợi TP. Hồ Chí Minh
Gắn bó với TP. Hồ Chí Minh cho đến tận hôm nay, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung cũng có rất nhiều ca khúc viết về vùng đất này. Với vai trò của một người làm nghệ thuật, anh cảm thấy tự hào khi được là người con của thành phố.
“Đối với tôi, TP. Hồ Chí Minh là nơi rất đáng sống. Bởi nơi đây có rất nhiều điều kiện để phát triển, người dân lại rất thân thiện, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Và điều quan trọng nhất là khi cảm nhận được “chất” của người TP. Hồ Chí Minh, các bạn sẽ cảm thấy yêu mến nơi này”.
Mời quý vị đón xem chương trình “Ký ức Sài Gòn” được phát sóng vào lúc 10g Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.
Thanh Minh