Nghệ sĩ xiếc Trúc Vy: "Bẻ xương" từ lúc 8 tuổi để... uốn dẻo

Được mệnh danh là "người không xương" với 12 năm kinh nghiệm trong nghề xiếc, Trúc Vy với thân hình "dẻo như bún", từng chinh phục khán giả qua những màn uốn dẻo người.

Trúc Vy gây ấn tượng với những màn uốn dẻo

Nghệ sĩ xiếc Trúc Vy xuất thân là diễn viên xiếc tại Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (TP. Hồ Chí Minh). Trúc Vy vốn được mệnh danh là "người không xương" vì có khả năng uốn dẻo tài tình. 

Cô gây ấn tượng với khán giả qua các màn biểu diễn như uốn dẻo bắn cung, bắn cung bằng chân... Những tiết mục này đã từng được Trúc Vy biểu diễn trong chương trình Người bí ẩn, Siêu bất ngờ trên HTV.

Đến với chương trình Box thư giãn, Trúc Vy đã có những chia sẻ về cơ duyên, cũng như những khó khăn khi đến với bộ môn xiếc uốn dẻo.

Trúc Vy trong chương trình "Box thư giãn"

Chào Trúc Vy, đầu tiên chúng ta sẽ nói về cơ duyên đến với nghề xiếc của chị. Chị theo nghề xiếc vì đam mê hay trong gia đình đã có truyền thống rồi?

Trong gia đình tôi không ai theo lĩnh vực xiếc. Ngày tôi còn bé, người thầy của tôi hiện giờ (NSƯT Duy Hà) rất hay ghé hàng ăn của ba tôi, vì quý ba nên thầy có hỏi ông là có thích cho con gái theo bộ môn này không. Ba tôi rất thích vì ông nghĩ mình là dân lao động, nhưng con gái được lên sân khấu biểu diễn thì mình rất tự hào, nên tôi theo học từ đó.

Nhà tôi có hai chị em, nhưng thầy lại chọn tôi là vì lúc nhỏ tôi hay phụ ba mẹ bưng bê, nên thầy gặp tôi nhiều, hơn nữa khi ấy em trai cũng còn nhỏ.

Tôi bước vào đoàn xiếc từ năm 8 tuổi. Khi ấy đoàn xiếc có tên là Đoàn xiếc TP. Hồ Chí Minh, sau khi sát nhập lại với đoàn rối thì lấy tên là Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam.

Sau khi vào đoàn xiếc, chị lựa chọn uốn dẻo là vì yêu thích hay do thầy định hướng?

Đầu tiên là thầy định hướng cho tôi, nhưng sau khi vào đoàn tôi tập thêm những bộ môn khác để diễn tập thể với mọi người. Còn uốn dẻo trong đoàn chỉ có một - hai người thôi. 

Dường như tôi để cho thầy lựa chọn giúp cho mình, vì khi ấy tôi không biết gì. Còn thầy có rất nhiều kinh nghiệm, thầy nhìn ra được ai phù hợp với bộ môn nào.

Trúc Vy gia nhập đoàn xiếc từ năm 8 tuổi

Nghệ sĩ diễn xiếc thường rất đa năng, vừa múa lụa, vừa giữ thăng bằng... Còn chị thì biết được bao nhiêu môn?

Tới hiện tại thì tôi diễn được ba môn là: uốn dẻo - có khi sẽ diễn cùng bạn, tiết mục xe đạp tập thể và quay thảm tập thể.

Khi còn nhỏ, tôi có diễn tiết mục đạp người, tức là tôi sẽ nằm lên chân của bạn diễn để xoay. Nhưng cô diễn viên xiếc đó ngày càng lớn tuổi và tôi cũng trưởng thành, nên tôi không còn diễn tiết mục đó nữa.

Theo bộ môn uốn dẻo từ nhỏ, Trúc Vy có cảm thấy khó khăn, và có ý nghĩ từ bỏ không?

Thực sự lúc nhỏ tập rất cực, vì tôi vừa học văn hóa trên trường, ngoài giờ học thì đến rạp tập luyện. Vừa đuối sức do tập thể thao, vừa phải giữ vững thành tích trong trường học, nhiều lúc tôi có xin ba nghỉ. Thế nhưng ba tôi nhiều lần khuyên tôi cố gắng kiên trì, sau này sẽ dễ dàng hơn, nên tôi mới theo được tới ngày hôm nay.

Thời gian đầu khi cố gắng bẻ người rất đau. Mỗi ngày đều phải bẻ một chút. Xương mình đang thẳng mà lại bẻ thì không thể chịu nổi. Thầy vừa bẻ còn tôi thì khóc, ba mẹ cũng không dám xem tôi tập luyện. Thầy cũng không để ba mẹ tôi đến, vì thầy sợ ba mẹ xót con, đòi trì hoãn mãi thì không biết chừng nào mới học được.

Đến nay thì Vy đã uốn dẻo được những bộ phận nào rồi?

Uốn dẻo thì chủ yếu là bẻ lưng với bẻ chân là nhiều. Tay thì tôi phải sử dụng để thăng bằng, nên phải thường xuyên tập thể lực để tay có sức giữ được lâu.

Trúc Vy "bẻ xương" từ năm 8 tuổi để có được cơ thể "dẻo" như hiện tại

Thời gian đầu Vy mất bao lâu mới chính thức lên sàn diễn? Chị có từng gặp tai nạn nào xảy ra trong lúc tập hay diễn không?

Tôi luyện tập khoảng một năm mấy là bắt đầu đi diễn. Như đã nói, lúc nhỏ tôi có diễn màn xiếc đạp người. Tuy nhiên, trong lúc tập luyện, có nhiều lần bác bạn diễn xoay tôi lố đà, khiến tôi văng ra ngoài, đập đầu vô tường. Phải mất một lúc tôi mới hết choáng.

Tuy nhiên, khi đã té một lần ở những lần tập sau tôi lại bị "nhát" ngay khúc đó. May mắn người diễn chung có kinh nghiệm, nên bác dự đoán được lúc nào tôi sẽ bị té nên đã giảm được khá nhiều lực. 

Còn uốn dẻo thì nếu tôi diễn nhiều sẽ bị đau lưng, giống như khi bạn tập thể thao quá sức thì cơ thể cũng đau nhức. Có một lần ở động tác hạ cằm, đưa hai chân lên trước tôi bị chèn các dây thần kinh nên choáng, ngất xỉu trong một phút thì tỉnh.

Khi ánh đèn sân khấu rọi vào, tôi mới nhớ ra là mình đang biểu diễn. Tuy vẫn tiếp tục hoàn thành bài diễn, nhưng đến khi vào hậu trường tôi vẫn còn chưa... hoàn hồn.

Động tác này từng khiến Trúc Vy mất ý thức khi đang biểu diễn

Trở thành diễn viên xiếc đã lâu, Trúc Vy cảm thấy bộ môn uốn dẻo đã mang lại được gì cho mình?

Lúc đầu đến với uốn dẻo, vì đau đớn nên tôi luôn muốn nghỉ, còn đi diễn thì còn nhỏ không nghĩ gì nhiều. Nhưng đến hiện tại, cảm giác của tôi khi đứng trên sân khấu diễn các tiết mục của mình, được khán giả tán thưởng thì tôi rất vui.

Phải mất bao lâu thì Vy mới tập được động tác uốn dẻo để bắn cung?

Tập khoảng hơn một năm là tôi có thể diễn được. Nhưng lúc đầu, đôi khi tôi nhắm vào tâm thì chân bị bật ra nên không trúng trái bóng. Sau này diễn quen rồi thì xác suất trúng cao hơn.

Khi có được những bản lĩnh nhất định rồi thì Vy có tham gia những liên hoan, cuộc thi xiếc quốc tế bao giờ chưa?

Tôi có tham gia hai cuộc thi là Liên hoan xiếc toàn quốcLiên hoan xiếc quốc tế. Trong cuộc thi toàn quốc năm ngoái là tôi được huy chương Bạc tiết mục "Uốn dẻo đôi nữ". Còn đến với đấu trường quốc tế tuy không đạt giải, nhưng cho tôi thêm nhiều kinh nghiệm hơn.

Xiếc Việt Nam hiện tại vẫn có chỗ đứng trên quốc tế. Tuy nhiên, có nhiều anh chị diễn tốt, nhưng cơ sở vật chất không đủ, nên họ phải đi làm để kiếm thêm thu nhập, nên mãi không phát triển được. Đó cũng là trăn trở của các diễn viên xiếc hiện nay.

Theo Trúc Vy, tuổi thọ của bộ môn xiếc uốn dẻo không dài

Nói về tuổi thọ của một nghệ sĩ xiếc, đặc biệt là uốn dẻo thì Vy nghĩ thế nào?

Trong bộ mốn xiếc, uốn dẻo có tuổi thọ rất ngắn vì đến hai mươi mấy tầm ba mươi là xương mình đã cứng lại. Nhất là với các diễn viên nữ sau khi lập gia đình và sinh con. Thông thường sau khi sinh xong, nghệ sĩ uốn dẻo sẽ lựa chọn sang bộ môn khác, chẳng hạn như xe đạp thăng bằng, tung hứng... 

Theo chị, nghề xiếc hiện tại đang gặp khó khăn gì?

Hiện nay, các gameshow truyền hình, phương tiện giải trí trực tuyến ngày càng đa dạng nên người ta ít đi ra ngoài xem nữa. Vì vậy, các rạp xiếc muốn có khách xem phải bỏ tiền quảng cáo rất nhiều.

Còn đối với trẻ em, thay vì cho các em ở nhà tập trung vào TV, điện thoại thông minh, thì quý phụ huynh có thể mua vé cho các em đi xem xiếc. Tôi đi biểu diễn ở ngoài thì thấy các em thật sự rất hào hứng. 

Cuộc sống hiện tại của Vy như thế nào?

Tôi cảm thấy mình sống rất ổn, vừa được thỏa đam mê diễn xiếc, vừa được khán giả ngưỡng mộ tài năng của mình.

Cám ơn những chia sẻ thú vị của Trúc Vy.

Mời quý khán giả đón xem chương trình "Box thư giãn" phát sóng lúc 7g chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7.

Phi Giao