Nghệ sĩ hài Phương Dung: Luôn vui trong công việc để đem niềm vui đến khán giả

Gần 40 năm làm nghề, cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của nghệ sĩ hài Phương Dung là chiếc huy chương Bạc trong “Liên hoan Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2008” và gương mặt Nghệ sĩ hài được yêu thích nhất “Giải thưởng truyền hình HTV 2009".


Nghệ sĩ Phương Dung trong chương trình "Khẩu vị ngôi sao"

Cùng lắng nghe những chia sẻ của nghệ sĩ Phương Dung để hiểu hơn về những thăng trầm trong sự nghiệp và cuộc sống của chị trên bước đường hoạt động nghệ thuật. 

Có thể nói xuyên suốt trong các vai diễn của chị đều có một nét hài, chị thấy nhận xét này thế nào?

Đúng là như vậy, bởi ngay từ khi bước chân vào nghề, tôi đã xác định nghề nghiệp mình sẽ theo đuổi là đi diễn hài. Tôi đã tham gia các sân khấu hài, nhóm hài như: Lê Vũ Cầu, Phú Quý, Trung Dân, Hữu Phước. 

Trong các phim và kịch, thường tôi vào vai “bà tám” nhiều chuyện, từ đó xảy ra các tình huống hài, hay như dạng vai ngây ngô nghĩ sao nói vậy, nói một cách vô tư cho sướng miệng, nhưng đôi khi lại gây hiểu lầm cho nhau... Những tình huống đó tuy ngắn, nhưng người nghệ sĩ cần sự sáng tạo, gần gũi từ những mảnh đời nho nhỏ, cuộc sống đời thường, được đúc kết để mang lên sân khấu.


"Đóa hoa nở muộn" Phương Dung luôn mong muốn được thể hiện hết khả năng 

Xem lại hình ảnh của các chương trình “Siêu thị cười” trên sóng HTV mà Phương Dung đã có dịp tham gia, khán giả rất dễ để nhận ra một Phương Dung sẵn sàng hóa trang xấu, hoặc có những động tác... “lạ”. Chị không ngại sẽ ảnh hưởng đến hình tượng?

Đối với tôi, khi diễn xuất không nhất thiết phải để khán giả nhìn thấy mặt mà để chỉ cần nghe giọng nói, khán giả nhận ra mình mới thú vị. Thí dụ như trong một vở Táo của tác giả Thế Ngữ, tôi vào vai “đầu trâu mặt ngựa” và nếu chỉ nhìn hình hóa trang thì khán giả không biết diễn viên đó là ai. Trước đêm diễn, tác giả Thế Ngữ còn căn dặn tôi phải cố gắng để khi khán giả nhớ đến vai diễn mặt ngựa này, là nhớ ngay đến Phương Dung.

Hoặc là tại sân khấu Idecaf, tôi diễn vai Tào Thị với khuôn mặt đáng sợ, khi bước ra sân khấu, khán giả không biết mình là ai, nhưng khi diễn thì khán giả nhớ đây là Phương Dung mặc dù hóa trang chẳng ai thấy mặt. Tất cả những điều đó là niềm vui và tôi nghĩ, bất cứ một nhân vật nào hóa trang xấu, thậm chí hóa thành đàn ông thì điều đơn giản đó là nghệ thuật.


Nghệ sĩ Phương Dung vào vai rất ác trong phim "Ở rể"

Trong số những vai đã thể hiện, vai nào chị cảm thấy tâm đắc hoặc thích thú nhất?

Đó là vai Tào Thị - vai diễn đầu tiên trên sân khấu Idecaf mời tôi về biểu diễn trong vở “Con Tám con Cấm”. Lúc đầu, tôi cảm thấy ngạc nhiên vì có lẽ đạo diễn muốn cho khán giả nhớ lại Tào Thị trong vở Phạm Công Cúc Hoa năm xưa, nhưng trong vai diễn này, tôi diễn chung với nghệ sĩ Thành Lộc (vai Bụt). Cả hai đều không có bùa phép mà chỉ đại diện cho cái tốt, cái xấu. 

Tôi thích vì nhân vật giống trong trí tưởng tượng của trẻ em, hễ ai làm điều gì ác là Bụt lại hiện lên khuyên can, trái ngược với Bụt, Tào Thị cũng hiện lên nhưng khuyên những điều sai trái, cám dỗ. Hai vai cứ hiện qua hiện lại, đối nghịch nhau, gây cho khán giả nhiều tiếng cười. 

Đi diễn hài có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống của chị?

Nó là hơi thở, là cuộc sống, bởi nhìn tôi ngoài đời, không ai nghĩ đang ở độ tuổi U60. Đó là nhờ đi diễn hài, đi diễn nhằm mang tiếng cười cho khán giả thì trước tiên mình phải vui trong nghệ thuật thì mới đem niềm vui đến khán giả. 

Trong cuộc sống, tôi luôn nhìn đời lạc quan, đơn giản thôi, thí dụ ngày hôm nay mình không có tiền, nếu buồn thì được cái gì? Vậy thì mình cười đi, bởi tinh thần sảng khoái sẽ tạo nên một ý chí mạnh mẽ, kiên cường, vượt qua những áp lực của cuộc sống.


Diễn hài giúp nghệ sĩ Phương Dung luôn tươi trẻ, yêu đời

Chị đi diễn từ khi nào? Kỷ niệm nào trong đời khiến chị nhớ mãi? 

Ngẫm lại đời mình, tôi thấy mình lận đận, đi trước nhưng đến muộn so với nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa. Thời mới biết yêu, đó là lúc đang học năm thứ hai Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh) khóa 5, cùng khóa với các diễn viên: Quang Minh, Công Hậu, Bích Ngọc, Quang Kiệt, Phương Quỳnh… tôi may mắn được NSND Kim Cương tuyển về đoàn kịch nói của bà (năm 1981-1982). Thời đó, tôi được thầy là NSƯT Thành Trí giao cho vai diễn đầu tiên là Lệ móng tay dài (chuyên đánh ghen) trong vở kịch "Cơn bão cuối cùng"; cô Ba hội đồng trong vở “Lá sầu riêng”; cùng một loạt vai ác. 

Thời đó, mấy ai chưa ra trường mà có cơ hội như mình, tên tuổi nhanh chóng được chú ý trên Sân khấu Kịch nói Kim Cương. Ngay bạn bè đồng nghiệp cũng ghen tị vì tôi quá may mắn. Vậy mà chỉ diễn được 2 năm, tôi đã bỏ đoàn chạy theo tiếng gọi tình yêu. Không lâu sau đó, chúng tôi chia tay, tôi không còn mặt mũi nào quay trở lại đoàn kịch mà tôi rất yêu quý.

Sau này, khi sang nhóm hài Hữu Phước, tôi may mắn được nghệ sĩ Phước Sang mời về Kịch Sài Gòn, chuyên đóng vai phụ có thoại. Phần nhiều là các vai quần chúng nhưng cũng vui vì không khí làm nghề thời đó ai nấy đều chú trọng cho vai diễn, dù chỉ là vai nhỏ cũng được quan tâm.


Nghệ sĩ Phương Dung chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề trong chương trình "Phụ nữ quyền năng"

Phương Dung suy nghĩ gì khi mọi người gọi mình là “Hoa nở muộn”?

Nhiệt huyết của tôi lại bừng bừng khi trở về… già. Sức làm việc bây giờ mạnh mẽ như một người trẻ tuổi, có thể làm việc từ 6 giờ sáng, chạy 3-4 phiên diễn tới 1-2 giờ đêm mới về. Tôi nghĩ, hơn lúc nào, bây giờ là thời điểm lý tưởng để mình làm việc, chứ không nghĩ già rồi là chùng xuống, mà ngược lại, càng già, càng lên.

Gọi là “Hoa nở muộn” vì tôi cứ nghĩ chắc sự nghiệp mình chỉ đóng vai quần chúng có thoại. Có một lần diễn Tết, thấy tủi thân nên ngồi khóc một mình ở một góc trong hậu trường Sân khấu Kịch Sài Gòn. Mỗi ngày diễn 4 suất nhưng tôi chỉ được có vai trong một vở suất 21 giờ, còn lại thì cứ ngồi đó chờ. Không thể về nhà làm công việc cũ bán bánh cuốn vì đã lỡ vướng nghiệp diễn rồi. Bây giờ, tôi và chị Phi Phụng được đồng nghiệp gọi vui là hai cô đào "chớm nở". Hai chị em có sô diễn đều đều, hễ vai tính cách, không nhất thiết là vai chính, đạo diễn đều nhớ đến chị em tôi. 

Dù có biệt danh "thánh bào sô" nhưng không phải chương trình nào tôi cũng nhận, có những thứ không hợp với tuổi của mình thì cũng phải từ chối.

Cám ơn nghệ sĩ Phương Dung về cuộc trò chuyện thú vị này.
Minh Châu