Tạp Chí Văn Nghệ

Nghệ nhân thư pháp Phan Thanh Sơn và cái đẹp trong từng con chữ

Với nghệ nhân thư pháp Phan Thanh Sơn, thư pháp như một cái duyên, một đóa hoa nở muộn nhưng vẫn mang đến cho đời hương thơm ngọt ngào, góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy những nét đẹp của văn hóa dân tộc.

Xuất thân là Trung tá, Giảng viên bộ môn Radar của Trường Kỹ thuật Quân sự Trần Đại Nghĩa (Gò Vấp, TP.HCM). Nghệ nhân thư pháp Phan Thanh Sơn bén duyên với bộ môn thư pháp Việt từ năm 1990, sau khi về hưu. Vì là tay ngang, nên ông luôn quyết tâm rèn luyện và không ngừng học hỏi nghệ thuật thư pháp, khám phá cái hay, cái đẹp trong từng con chữ.


Ông luôn tâm niệm, viết thư pháp chữ có đẹp, nét có hồn hay không là nhờ vào tâm người viết. Thư pháp không phải là nghề mà là một trong nhiều bộ môn nghệ thuật. Trong suốt hành trình ấy, ông đã không ngừng trau dồi để tạo nên những tác phẩm thư pháp mang đậm chiều sâu văn hóa, giàu cảm xúc bằng hoạt động văn hóa và dành 20 năm lên chùa để viết tặng thư pháp miễn phí.


Nghệ nhân thư pháp Phan Thanh Sơn chia sẻ: "Tôi luôn có một ước mơ là làm những việc có ích cho bản thân, cho cuộc đời, truyền đạt những kinh nghiệm mà mình đã có để có thể truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống đẹp đẽ và quý báu của dân tộc". Bằng những cống hiến không mệt mỏi, ông đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam năm 2022.


Vào ngày 26/8/2023, tại TP.HCM, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập Kỷ lục cho nghệ nhân thư pháp Phan Thanh Sơn với tác phẩm "Nhật ký trong tù" gồm 133 bài thơ và 133 lời dạy của Bác Hồ viết bằng thư pháp chữ Việt lớn nhất Việt Nam.


Với ông, thư pháp là duyên hơn là nợ. Ông tìm đến thư pháp và cũng chính nhờ thư pháp đã giúp bản thân ông nhẹ nhàng hơn trong cuộc sống. Hạnh phúc là có việc gì đó để làm, có ai đó để yêu thương và có điều gì để hy vọng.

Tạp chí Văn nghệ - 8g30 Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.

Kim Quyên