Những cuốn sách nên đọc với mọi thế hệ độc giả

Nhiều người hỏi: "Cần phải đọc sách gì cho suốt cuộc đời? Thế hệ của tôi đọc sách gì? Thế hệ các bạn trẻ hiện nay đọc sách gì?". Câu hỏi này cần phải được suy nghĩ một cách hệ thống mới trả lời được.

Vấn đề của việc đọc chủ yếu nằm ở mục đích đọc sách

Người ta đọc sách để làm gì - Đó là vấn đề chủ yếu. Theo tôi, có hai cách đọc sách: Đọc cho mình, chỉ riêng mình thôi và đọc để hiểu biết người khác, hiểu biết xã hội, hiểu biết thế giới!

Việc đọc sách cho riêng mình cũng xảy ra theo nhiều nhu cầu. Trước hết là những sách quy định trong chương trình học ở nhà trường phổ thông, chẳng hạn học sinh nào cũng phải đọc "Truyện Kiều", "Lục Vân Tiên", "Chinh phụ ngâm"... Thứ đến là đọc sách vì nghề nghiệp, chẳng hạn như người làm nghề y phải đọc sách về y, những người nuôi ong phải đọc sách về nuôi ong...

Cuối cùng, đọc sách vì tò mò muốn biết có những gì vui buồn trong cuộc đời. Đó là những sách như chuyện cổ tích, những giai thoại về các nhân vật lịch sử, những vì sao trên bầu trời, những xứ sở xa lạ...


Đọc sách gắn bó mật thiết với việc giao tiếp

Việc đọc sách để hiểu biết người khác, hiểu biết xã hội, hiểu biết thế giới là một nhu cầu về giao tiếp. Quả vậy, con người cần phải tiếp xúc với nhau hàng ngày nên có nhu cầu phải hiểu biết nhau. Nếu bạn là người sống ở một vùng hẻo lánh, cả đời chỉ tiếp xúc với những người xung quanh và bạn không đi đâu xa thì việc đọc sách riêng cho mình là đủ. Nhưng nếu bạn là người sinh sống nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, có những hành trình ra nước ngoài hàng năm thì bạn có nhu cầu hiểu biết xã hội, hiểu biết con người, hiểu biết thế giới.

Trong giao tiếp, người ta hiểu nhau không chỉ vì có ngôn ngữ chung mà cần có vốn văn hóa chung. Vốn văn hóa chung đó cần phải được xây dựng qua việc đọc những cuốn sách cần thiết. Nói chung, những khái niệm trong cuộc sống thường được hình tượng hóa qua một số vật tượng trưng và con người tượng trưng. Vì vậy mỗi thế hệ cần hiểu biết những hình tượng đó trong thời đại của mình. 


"AQ chính truyện" và phép thắng lợi tinh thần

Đầu thế kỷ XX, những người Việt Nam có học vấn trung bình phải biết những cuốn sách của Trung Quốc như: "Tam quốc chí", "Thủy hử", "Tây du ký", "Hồng lâu mộng"... Bởi lẽ, trong cuộc sống hàng ngày, người ta luôn nhắc nhở đến các hình tượng tiêu biểu như Tào Tháo, Quan Công, Trương Phi, Đường Tăng, Võ Tòng, Đại Ngọc... Thế hệ đó đã tiếp xúc với văn hóa phương Tây nên phải biết đến Đông-ki-sốt, Rô-bin-son, đọc thêm "Anna Karénine", "Werther", "Những người khốn khổ"...

Thế hệ tiếp đó của thế kỷ XX cần biết thêm "AQ chính truyện" của Lỗ Tấn. AQ là hình tượng của người Trung Quốc học vấn thấp nhưng bảo thủ kiêu căng, chủ nghĩa AQ là sự thắng lợi về tinh thần: mình thua nhưng vẫn coi là mình thắng. Thế hệ ấy còn phải đọc "Kẻ xa lạ" của Albert Camus. "Kẻ xa lạ" là hình tượng của một người thấp bé trong xã hội, không được ai bảo vệ, nếu mắc một lỗi nhỏ cũng thành một cáo trạng lớn, đó là mô hình của chủ nghĩa hiện sinh. Cuốn "Buồn ơi ta chào mi" của Sagan cũng được thế hệ đó quan tâm vì đó là sự nổi loạn của giới trẻ chống lại trật tự xã hội, báo hiệu cuộc nổi loạn của giới trẻ năm 1968 ở Pháp.

"Nghìn lẻ một đêm" là một kho tàng về trí tuệ của người Ả-Rập

Như ta đã thấy, mỗi thế hệ cần đọc một loại sách trong nhu cầu giao tiếp xã hội nhưng mọi thế hệ từ cổ xưa đến nay đều phải đọc một số sách nhất định. Tiếc thay, cho đến hiện nay chưa có nghiên cứu nào chỉ ra cụ thể những cuốn sách ấy. Lác đác có một số cá nhân như nhà văn, nhà báo, học giả phát biểu về suy nghĩ riêng của mình.

Gần đây, ông La Khắc Hòa có giới thiệu một cuộc phỏng vấn của nhà văn Nga Vladimir Sorokin. Có một câu hỏi được nhà văn trả lời rõ ràng. Đó là: Cuốn sách nào đã đọc quan trọng nhất đối với ông? Câu trả lời của nhà văn như sau: Kinh Thánh, "Chiến tranh và hòa bình", "Ulysses", "Tội ác và trừng phạt", "Gargantua và Pantagruel", "Những cuộc phiêu lưu của Nam tước Munchausen", "Nghìn lẻ một đêm", "Lolita", "Quần đảo Gulaq"… Vì nhà văn này là người Nga nên những cuốn sách quan trọng đối với ông phần lớn thuộc về các tác giả Nga hoặc gốc Nga. Tuy vậy, trong danh sách đó ta thấy một số sách có thể giới thiệu chung cho các dân tộc khác, chẳng hạn như Kinh Thánh, "Nghìn lẻ một đêm", "Ulysses".

Tại sao mọi người phải đọc Kinh Thánh? Bởi vì trong Kinh Thánh có nhiều biểu tượng về sự vật và con người mà ai cũng cần phải biết. Chẳng hạn trong "Cựu Ước", ta có những khái niệm như Đại Hồng Thủy, chim bồ câu và cành ô liu tượng trưng cho sự bình yên, trái cấm ở Địa Đàng... Trong Tân Ước hay kinh Phúc Âm, ta có hình tượng của kẻ tông đồ thứ 13 - Juda, phản Chúa, khiến cho con số 13 trở thành con số cần phải kiêng dè. Trong Phúc Âm còn có hình tượng của đứa con lãng tử. Tác phẩm "Ulysses" của Homer thời cổ Hy Lạp cũng cho ta nhiều hình tượng không thể không biết về chuyện phiêu lưu qua Địa Trung Hải của người Hy Lạp thời đó. Còn cuốn "Nghìn lẻ một đêm" là một kho tàng về trí tuệ của người Ả-Rập ở Trung Cận Đông.

Sách là kho tàng tri thức của nhân loại, không ai có thể đi hết khắp các nơi trên thế giới, biết tất cả mọi điều trong vũ trụ. Vì vậy, hãy chọn cho mình những quyển sách phù hợp để bạn có thể biết nhiều hơn về thế giới quanh ta.

Nhà giáo Trương Quang Đệ - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngoại ngữ ĐHSP Huế