Sinh ra trong một gia đình không có ai theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng tình yêu đờn ca tài tử đã thôi thúc Lệ Trinh (tên thật là Nguyễn Lệ Trinh ) tìm đến với bộ môn âm nhạc truyền thống đậm bản sắc phương Nam này.
Năm 2015, khi đang theo học năm thứ 2 ngành Quản trị Nhân lực tại Trường Đại học Lao động Xã hội, Lệ Trinh tham gia Liên hoan dân ca - vọng cổ "Âm vang bài ca quê hương" do Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM tổ chức. Cô đã biểu diễn thật mùi bản vọng cổ "Áo mới Cà Mau" và nhận được giải nhì. Ban giám khảo là giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM nhìn thấy tố chất của Lệ Trinh nên khuyên cô theo học chuyên ngành sân khấu để phát huy tài năng.
Năm 2016, Lệ Trinh chính thức đầu quân vào Trường Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Tuy mới chập chững vào nghề, nhưng Lệ Trinh đã được khán giả chú ý với nhiều vai diễn, đoạt các giải thưởng như: vai Võ Thị Sáu trong trích đoạn Người con gái Đất Đỏ (HCV Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017); vai Mỵ Châu trong vở Truyền tích Cổ Loa xưa (HCV Liên hoan Sân khấu Thủ Đô năm 2020).
Đặc biệt, với vai diễn Lý Chiêu Hoàng trong Độc thoại đêm, một vở cải lương đặc biệt khi kéo dài hơn 180 phút nhưng chỉ có duy nhất 1 diễn viên. Lệ Trinh đã thể hiện xuất sắc, đoạt HCV tại Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật Sân khấu toàn quốc 2023.
Năm 2024, Lệ Trinh tiếp tục đoạt HCV với vai diễn Trần Quốc Toản trong vở cải lương Lá cờ thêu sáu chữ vàng tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên nhi đồng 2024. Cô chia sẻ: "Đây là một vai diễn khó, lạ, bởi tôi phải diễn vai một nam anh hùng dân tộc. Khi nhận vai, tôi đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu nhân vật, lắng nghe các ý kiến góp ý... Đến khi nhận được HCV, tôi đã rất hạnh phúc, cảm thấy mình chinh phục được bản thân và thành quả này là sự động viên tinh thần rất lớn cho tôi trên con đường làm nghề, gắn bó với sân khấu".
Với Lệ Trinh, cô mong muốn được sống hết mình với nghề bằng các vai diễn đa tính cách. Trong tương lai sẽ được tham gia vào công tác giảng dạy nghệ thuật cải lương của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM.
Cải lương hôm nay đã không còn ở thời hoàng kim, có nhiều khó khăn, thách thức để tồn tại và phát triển cùng thời đại mới. Điều này đặt ra nhiều áp lực cho các nghệ sĩ cải lương, nhất là những nghệ sĩ trẻ, khi phải xây dựng, định hình những phong cách mới. Tìm kiếm và tạo cho mình những vai diễn hay để hóa thân, làm nghề, góp phần mang lại sinh khí mới cho nghệ thuật cải lương, để lại dấu ấn đẹp trong lòng khán giả.
Tạp chí Văn nghệ 8g30 Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.
Kim Quyên