Bộ phim tài liệu “Năm Tý nói chuyện chuột” của đạo diễn Võ Ngọc Hà, quay phim Phạm Thế Duy cùng ê-kip thực hiện chương trình sẽ mang đến cho người xem những hình ảnh độc đáo và đầy ấn tượng về loài Chuột, cùng những giá trị nhân sinh đích thực của chúng.
Cảnh Quay phim Phạm Thế Duy đang tác nghiệp tại làng tranh Đông Hồ
CHUỘT TRONG TRANH ĐÔNG HỒ
Những ai đã từng xem tranh dân gian “Trạng chuột vinh quy” hay còn gọi là “Đám cưới chuột” - một trong số những tranh độc đáo của làng tranh Đông Hồ, hẳn sẽ thấy loài chuột hóm hỉnh như thế nào. Bức tranh mô tả đám cưới của Quan Trạng chuột khá long trọng và đông vui, có cả cờ, quạt, kèn, trống và các loại lễ vật.
“Chàng” chuột đội mũ, cưỡi ngựa đi trước, “nàng” chuột ngồi kiệu theo sau giữa đoàn rước họ hàng đông đủ. Thế nhưng, khi xem tranh người ta thấy ngay vẻ sợ hãi, thấp thỏm, ngơ ngác, mắt lấm la lấm lét, ngó trước, nhìn sau của họ nhà chuột và một “lão” mèo già như đang gầm gừ, ra oai, vểnh râu, giơ tay lên như đang dọa dẫm.
Tranh “Đám cưới chuột” trên chất liệu giấy
Đối diện trước mặt mèo già là “đại diện” họ nhà chuột đang “cống nộp” phẩm vật là những “đặc sản cao lương mỹ vị” mà họ nhà mèo cực kỳ ưa thích, như: chim câu, cá chép… Hóa ra, làm đám cưới, chuột phải lo lễ vật, cống nạp cho mèo, cầu xin mèo cho đám cưới bình yên. Và, khi lễ vật cống nạp đầy đủ, mèo già mới thấy hả hê.
Bức tranh mang ý nghĩa sâu xa của “Đám cưới chuột” là minh chứng sống động cho quan hệ kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu trong xã hội phong kiến. Người ta mượn hình ảnh chuột để châm biếm chua cay, hài hước về một tệ nạn mà xã hội cần lên án và loại bỏ. Đồng thời, đây cũng là “nụ cười Xuân” bình dân nhưng không kém bác học, đầy ý vị và đậm “không khí Xuân”.
Tranh “Đám cưới chuột” trên chất liệu gốm
CHUỘT TRONG DÂN GIAN
Chuột là con vật nhỏ bé gây ra nhiều thiệt hại cho con người nhưng cũng chính con người đã đưa chuột lên phim ảnh, truyện tích, thơ văn. Dân gian có câu: Chuột chạy cùng sào - có nghĩa chuột chạy đến đầu mút cây sào là hết đường. Đối với con người, đây là bước đường cùng, là bế tắc, khốn cùng, không có lối thoát.
Còn khi nói về hiện tượng cha chung không ai khóc, người này ỷ lại người kia, ông bà ta lại dùng thành ngữ Chuột bầy đào không nên lỗ - chỉ có cái lỗ thôi, vậy mà họ nhà chuột cũng đào không nên nỗi. Không chỉ có vậy, người đời còn mượn hình ảnh chuột để chỉ những đức tính không hay của con người như: Chuột chù đeo đạc - đua đòi, không tự biết mình, Chuột chù lại có xạ hương - không có tài đức, lại hợm hĩnh kiêu kỳ, bản chất xấu nhưng làm ra vẻ tốt đẹp hay Chuột đội vỏ trứng - mượn hình thức của kẻ khác để che giấu bản chất của mình.
Tranh minh họa câu chuyện Thành Thái đế và cô lái đò từ họa sĩ trẻ Tuyết Tuyết (Ảnh: TUYẾT TUYẾT)
Trong các mối quan hệ của loài vật thì mối quan hệ giữa chuột và mèo được người đời nhắc đến khá nhiều. Mèo ra cửa, chuột xướng ca - câu thành ngữ đơn giản ấy chứa đựng nội dung rất phong phú: Không người cai quản sẽ dễ làm bậy, tha hồ tự do, thoải mái; không người cầm trịch, quản lý thì mọi việc sẽ lộn xộn, lung tung. Đối với loài chuột, mèo là kẻ quyền uy tối thượng. Giỡn với mèo, tất yếu chuột sẽ bị mất mạng. Chính vì vậy, đừng bao giờ làm những việc liều lĩnh, dại dột như: Chuột gặm chân mèo.
Trong thành ngữ thì ông bà ta có câu: Chuột chù chê khỉ hôi - ám chỉ kẻ không thấy cái dở của chính mình lại đi chê bai người khác, ta lại liên tưởng đến câu ca dao có nội dung tương tự, nhưng thật ngộ nghĩnh:
Chuột chù chê khỉ rằng hôi
Khỉ mới trả lời: Cả họ mày thơm?
Dù ghét họ hàng nhà chuột, đôi khi người lao động dưới thời phong kiến luôn bị bọn cường hào ác bá áp bức, bóc lột lại kéo chuột về phía mình để đối chọi với mèo giả nhân, giả nghĩa đại diện bọn thống trị:
Con mèo trèo lên cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu
vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm, mua muối giỗ
cha chú mèo.
Mèo và chuột rất kỵ nhau, mèo đã cất công leo lên tận ngọn cau, hẳn không phải để thăm chú chuột. Sự việc ra sao chắc ai cũng biết.
Đó là những hình ảnh về con chuột, vừa để thư giãn đầu xuân cũng vừa dùng làm những bài học đối nhân xử thế ở đời.
CHUỘT TRONG PHONG THỦY
Trong văn hóa Việt Nam, chuột tồn tại sóng đôi với nghề nông nghiệp lúa nước. Trên những cánh đồng lúa bạt ngàn, loài chuột cùng kiếm ăn, sinh sôi nảy nở. Mặc dù có những biểu tượng tiêu cực nhưng trong 12 con giáp, chuột chiếm vị trí đầu tiên. Điều này cho thấy người dân Việt Nam vẫn dành cho sự hiện diện của linh vật này một chỗ đứng trang trọng. Đêm giao thừa miền Tây Nam Bộ - vựa lúa của cả nước, khi nghe thấy tiếng chuột kêu lít chít, không ít người mừng rỡ, bởi lẽ họ tin rằng đó là dấu hiệu của một năm mới sung túc.
Nơi nào có chuột đến nghĩa là nơi đó sẽ có của ăn của để dồi dào. Không chỉ vậy, chuột còn mang may mắn trong tình duyên, giúp tình cảm vợ chồng thêm bền chặt, tránh những mâu thuẫn xung đột. Ngoài ra, trong phong thuỷ, chuột còn là biều tượng của sự nhanh nhẹn, nhạy bén nên có khả năng cải thiện cuộc sống theo hướng tích cực hơn.
Tượng chuột được dùng trong phong thủy
CHUỘT - THÚ CƯNG
Hình ảnh nuôi chuột làm thú cưng đã quá quen thuộc với mọi người, đặc biệt là ở những thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh. Những chú chuột Hamster được yêu thích, được nuôi dưỡng trong những chiếc lồng xinh xắn không chỉ bởi ngoại hình nhỏ nhắn đáng yêu mà còn bởi sự thông minh, lém lỉnh của chúng. Chúng làm vui mắt người nuôi, giúp cho chủ nhân của chúng phần nào giảm bớt những phiền muộn trong cuộc sống.
Bao nhiêu đó cũng đủ thấy được chuột là một loại động vật gắn liền với sinh hoạt, văn hóa, vật chất lẫn tinh thần của người dân Việt Nam từ xưa đến nay, cho dù Chuột vẫn là một loại sinh vật gây hại “đáng ghét”.
Mời quý khán giả đón xem bộ phim tài liệu “Năm Tý nói chuyện chuột” phát sóng lúc 8g ngày 25/1 (Mùng 1 Tết Canh Tý) trên kênh HTV9.
Phương Minh