Ông tự nhận mình là “Mạc Can tép riu”, có được ngày hôm nay là nhờ sự yêu mến của mọi người. Trong suốt chặng đường nghệ thuật, người nghệ sĩ này chưa bao giờ tiếc nuối hay có ý định từ bỏ con đường đang đi.
Nghệ sĩ Mạc Can được khán giả yêu mến trong rất nhiều vai trò
Một đời rong ruổi
Năm 1945, nghệ sĩ Mạc Can được sinh ra ngay trên chiếc ghe hát. Đó cũng là phương tiện kiếm sống của gia đình ông. Thời bấy giờ, cha của Mạc Can là ảo thuật gia Lê Văn Quý, thuộc hàng quái kiệt được khán giả yêu mến.
Tuổi thơ của nghệ sĩ Mạc Can là những ngày lênh đênh trên sông nước Mỹ Tho và các tỉnh miền Tây để đi “hát xiệc” (từ cũ chỉ các buổi diễn tạp kỹ, bao gồm hát và xiệc (từ chỉ cả xiếc và ảo thuật) cùng cha mẹ. Ngày đó, Mạc Can đã tham gia trình diễn một số màn ảo thuật, trong đó có màn phóng dao mà sau này ông đưa vào tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của mình.
Những năm 1960, đời sống người dân gặp khó khăn nên gánh xiệc của gia đình ông không có khán giả. Mạc Can rời quê lên Sài Gòn. Ông nói, thời đó có rất nhiều phòng trà ca nhạc nên đã xin biểu diễn hài ảo thuật.
Ông cho rằng: “Người theo nghề ảo thuật thường có vóc dáng cao, nghiêm trang, bảnh trai để dễ “hớp hồn” khán giả. Nhưng tướng tôi “bèo bèo” nên phải chọn hướng diễn hài ảo thuật mới phù hợp”.
Những tiết mục của nghệ sĩ này thường có yếu tố kịch tính, hài hước. Trong quá trình diễn, ông thường hay giả vờ “bể mánh” trên sân khấu để tạo tiếng cười cho người xem. “Cái này không phải phá nghề ảo thuật, tôi chỉ muốn tạo tiếng cười. Tuy nhiên, tôi không bao giờ lấy tiết mục của bạn bè ra để bật mí đâu. Tôi là “con nhà nòi”, biết ảo thuật là do bắt chước theo những trò cha tôi biểu diễn trên sân khấu, chứ không theo học gì cả", Mạc Can chia sẻ.
Ông cho rằng, bản thân vẫn sống được với thu nhập mà mình kiếm được
Tiết lộ về thu nhập thời điểm đó, nam nghệ sĩ nói: “Cho đến tận bây giờ, tôi không có nhu cầu gì lớn. Tôi ăn uống đạm bạc, không uống cà phê, cũng chẳng uống bia, chỉ cần trà đá là đủ. Vì vậy, tôi vẫn sống được với thu nhập của mình
“Trong nhà ngoài phố” mở ra ngã rẽ mới
Mạc Can đến với công việc viết kịch bản cho chương trình Trong nhà ngoài phố từ một duyên may khi quen biết với nghệ sĩ Thế Ngữ. Một trong những vở kịch ấn tượng của ông ngày đó là vở Cục gạch của ai. với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Hồng Vân, Quang Đại, Anh Thư, Thanh Sơn, Phi Phụng...
Ông kể: “Thời kỳ này có ít chương trình để xem nên mọi người rất thích xem Trong nhà ngoài phố. Vì chương trình mới lạ, hài hước nên chỉ cần tôi xuất hiện tối hôm trước, hôm sau ra chợ là sẽ được mọi người nhận ra liền. Đó là lần đầu tiên tôi được khán giả nhận ra khi Cục gạch của ai phát sóng”.
Mỗi vai diễn, Mạc Can (phải) đều dốc tâm để thực hiện tròn vai
Nhờ tham gia chương trình Trong nhà ngoài phố, Mạc Can được xuất hiện trên tivi nên đạo diễn nổi tiếng Lê Hoàng Hoa mời vào một vai trong phim Ván bài lật ngửa. Dù rằng vai diễn của ông chỉ rất ngắn nhưng nghệ sĩ này vẫn rất hào hứng tham gia. Ông hóm hỉnh nói: “Khán giả phải thật sự chú ý, nếu có làm rơi đồ thì cũng không được rời mắt khỏi màn hình vì sẽ bỏ lỡ cảnh tôi xuất hiện”.
Sau bộ phim Ván bài lật ngửa, nghệ sĩ Mạc Can còn xuất hiện trong nhiều bộ phim khác. Trong đó, vai Bác Ba Phi trong Đất phương Nam từng gây ấn tượng với khán giả. “Có thể mọi người không nhớ đến cái tên Mạc Can, nhưng họ nhớ vai diễn Bác Ba Phi của tôi. Đó là điều thành công. Đối với tôi, vai diễn càng ngắn thì mình càng phải tập trung diễn tốt”, Mạc Can tâm sự.
Cải ơi dài 90 phút của đạo diễn Phương Điền là bộ phim mà nghệ sĩ Mạc Can đảm nhận vai chính. Ông vào vai ông Tư Đèo bán kẹo kéo ở những gánh hát miền quê, bị lạc mất đứa con gái tên Cải. Bộ phim đã từng lấy nước mắt của không ít khán giả và cả bản thân Mạc Can.
Vai diễn Bác Ba Phim trong "Đất phương Nam" luôn để lại ấn tượng trong lòng khán giả
Ông kể trong phim có cảnh ông Tư Đèo dẫn trâu ra sông tắm được thực hiện ở một cánh đồng ở Long An. Trong lúc diễn, nghệ sĩ bị trâu giẫm vô chân. Cũng may lúc đó ông đang đứng dưới sông, nhờ có sình nên chân không bị nặng nhưng vẫn đau đến mức rơm rớm nước mắt. Ông nói: “Tôi ráng nhịn đau để diễn cho xong cảnh quay, đến khi hoàn thành thì mới phát hiện chân mình bị chảy máu và sưng lên”. Vì Mạc Can quá yêu nghề nên chuyện bị tai nạn trên phim trường với nghệ sĩ không phải là hiếm.
Còn thở là còn viết
Nghệ sĩ Mạc Can còn được mọi người biết đến ở vai trò viết sách. Một trong những tác phẩm thành công nhất của ông là tiểu thuyết Tấm ván phóng dao. Khi bắt tay vào viết, ông chưa bao giờ nghĩ tác phẩm này sẽ được in thành sách. Và tiểu thuyết này còn đạt được giải A cuộc thi viết tiểu thuyết năm 2005 của Hội Nhà văn.
Mạc Can tâm sự: “Lúc đó, tôi đang chạy xe trên đường, liền tấp vào lề để nghe điện thoại. Nghe xong, tôi khóc ngon lành, vừa mừng vừa tủi. Để nhận giải thưởng, tôi phải ra Hà Nội. Tôi là người nghèo, lại ít học nên khi lĩnh được 50 triệu tiền thưởng, tôi đã trích 20 triệu để tặng cho các bạn sinh viên nghèo, hỗ trợ kinh phí mua bút mực. Tôi còn được nhà văn Lê Lựu tặng cuốn sách Thời xa vắng, quan trọng là ông ấy còn ký tên và ghi rõ “Tặng nhà văn Mạc Can”. Tôi rất trân quý và còn giữ cuốn sách này đến bây giờ”.
Nghệ sĩ này khẳng định chưa từng tiếc nuối vì đã lựa chọn con đường đang đi
Gắn bó cả đời với nghệ thuật, từ hát xiệc, diễn viên, ký giả kịch trường đến sáng tác kịch bản, viết văn… nhưng ở tuổi 75, gia tài lớn nhất của nghệ sĩ Mạc Can là những vai diễn, những tác phẩm để lại cho đời. Ông vẫn sống một mình trong hoàn cảnh khó khăn. Vậy nên, nhiều khán giả thắc mắc liệu nghệ sĩ Mạc Can có tiếc nuối khi lựa chọn làm nghệ sĩ?
Ông khẳng định bản thân không tiếc nuối: “Tôi kiếm được nhiều thì ăn nhiều, kiếm ít thì ăn ít. Nếu có lỡ kiếm ít hơn nữa thì ăn cơm với chuối cũng đâu có sao. Tôi chưa từng có ý định bỏ nghề vì sợ những khán giả yêu mến mình sẽ buồn”.
Trong cuộc trò chuyện, người nghệ sĩ này luôn tự nhận mình là “Mạc Can tép riu”. Sau mỗi chia sẻ, ông không quên gửi lời cảm ơn đến những ai đã yêu mến mình kèm theo lời hứa: “Khi nào tôi còn thở thì vẫn còn viết truyện và diễn hài phục vụ mọi người”.
Mời quý vị đón xem chương trình “Ký ức Sài Gòn” được phát sóng vào lúc 10g Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.
Thanh An