KỶ NIỆM 74 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QĐND VIỆT NAM

Lữ đoàn đặc công 429 - Nửa thế kỷ hành quân cùng dân tộc (Phần 1)

Tròn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đặc công 429 đã không ngừng phấn đấu, xây dựng đơn vị trở thành lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, làm nhiệm vụ đặc biệt, cơ động chiến đấu ở địa bàn phía Nam của Tổ quốc.


Đại tá, Anh hùng LLVTND Đặng Trung Thành (đứng giữa hàng đầu) nói chuyện với các thế hệ hôm nay

Ra đời trong khói lửa chiến tranh

Chúng tôi đến thăm Lữ đoàn đặc công 429 giữa những ngày đơn vị đang nỗ lực thi đua lập công chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống vẻ vang của mình (4/2/1969 – 4/2/2019). Giữa màu xanh bạt ngàn của những rừng cao su tít tắp nơi “miền Đông đất đỏ” là màu áo xanh của những người lính đặc công nhiều thế hệ đang quây quần bên nhau ôn lại truyền thống hào hùng của đơn vị mình. 

Đại tá Đặng Trung Thành – Nguyên Đoàn trưởng Đoàn 429, là một trong số  8 cá nhân của đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, hôm nay cũng có mặt trong đoàn cựu chiến binh thăm đơn vị cũ. Sinh năm 1947 tại Ninh Bình, với gần 40 năm phục vụ trong quân đội, ông đã trực tiếp tham gia và chỉ huy hàng chục trận đánh từ cấp phân đội đến tiểu đoàn. Đặc biệt, từ năm 1981 đến 1986, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 31 Đặc công (Quân khu 4), đã lập nhiều chiến công xuất sắc, Tiểu đoàn và cá nhân ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1985.

Tiếp bước truyền thống "Luồn sâu, đánh hiểm" của bộ đội đặc công

Từ 1989 đến 2002, ông được bổ nhiệm làm Phó tham mưu trưởng Binh chủng Đặc công, kiêm đoàn trưởng Đoàn đặc công 429 Bộ Tư lệnh Đặc công, cấp hàm Đại tá hoạt động trên địa bàn miền Đông Nam Bộ đến khi nghỉ hưu, năm 2004.

Ôn lại lịch sử hào hùng của binh chủng đặc công và Lữ đoàn đặc ông 429, đại tá Đặng Trung Thành cho biết: Năm 1967, giữa lúc đất nước ta đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày 19/3/1967, Binh chủng Đặc công Quân đội nhân dân Việt Nam chính thức được thành lập, đánh dấu một mốc son lịch sử chói lọi về nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Bộ đội đặc công có vinh dự đặc biệt, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng, Nhà nước, Quân đội đến thăm và công bố đặc công chính thức là một Binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Huấn luyện võ thuật

Tại buổi lễ thành lập Binh chủng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt, bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng cần phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt. Bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua, cũng phải khắc phục cho kỳ được…”. 

Từ giữa năm 1965, sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và mở rộng đánh phá miền Bắc. Địch đã huy động tới hơn 1 triệu quân, gồm quân Mỹ, quân ngụy và quân chư hầu, chủ động mở hai cuộc phản công chiến lược trên khắp chiến trường miền Nam vào các mùa khô 1965-1966 và 1966-1967. 

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng chỉ thị: “Đặc công phải tiến sâu vào lòng địch, đánh phá các căn cứ, các cơ quan đầu não và phương tiện chiến tranh” của địch. 

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ và chỉ thị của cấp trên, ngay sau khi thành lập, Bộ tư lệnh Binh chủng đặc công đã đẩy mạnh xây dựng nhiều đơn vị đặc công chất lượng cao tăng cường cho các chiến trường. Từ giữa năm 1967, Binh chủng đã tổ chức 30 khung cán bộ đặc công tăng cường cho chiến trường miền Nam, điều về các đơn vị chủ lực và Bộ tư lệnh Miền làm nhiệm vụ xây dựng lực lượng đặc công cho Miền. Đây chính là một trong những lực lượng cán bộ nòng cốt xây dựng Trung đoàn đặc công cơ động 429, tiền thân của Lữ đoàn 429 hôm nay.

Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình - Tư lệnh Binh chủng đặc công thăm đơn vị

Cơ động chủ lực trên các chiến trường

Những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, Lữ đoàn 429 là đơn vị đặc công cơ động trực thuộc Bộ chỉ huy Miền, tác chiến trong đội hình Đoàn đặc công 27. Với ý chí quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, kiên cường bám trụ các địa bàn trọng điểm, liên tục tiến công vào các căn cứ, hậu cứ, sở chỉ huy của các sư đoàn, lữ đoàn quân viễn chinh Mỹ và ngụy như sư đoàn bộ binh 1 “Anh cả đỏ”, lữ đoàn dù “Kỵ binh bay”, sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới”; tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của Mỹ - Ngụy ở các căn cứ miền Đông Nam bộ. 

Lực lượng của Đoàn vừa bám trụ, tiến công các căn cứ, vừa tham gia các đợt hoạt động, các chiến dịch, các cuộc tiến công chiến lược trên các chiến trường Nam Bộ và đã lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc trong cuộc tiến công mùa xuân Kỷ Dậu 1969, cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Tổng tiến công mùa Xuân 1975, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thế hệ hôm nay của Lữ đoàn 429

Thời kỳ cả nước độc lập, thống nhất nhưng hòa bình chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới lại xảy ra. Với truyền thống của Binh chủng Đặc công anh hùng, Đoàn đặc công 429 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả. Trong giai đoạn này, Đoàn 429 có thời gian tác chiến trong đội hình Quân khu 7, sau đó trực thuộc Sư đoàn bộ binh 302 và từ năm 1996 đến nay là đơn vị độc lập trực thuộc Binh chủng đặc công. Dù trong đội hình phối hợp hay độc lập tác chiến, đơn vị đã tham gia nhiều chiến dịch, các đợt hoạt động của các quân khu, mặt trận trên các hướng, đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, lập được nhiều chiến công vang dội ở các mặt trận trên chiến trường biên giới Tây Nam.

Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ và những năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế, Đoàn 429 luôn giữ vững vị trí, vai trò là đơn vị Đặc công cơ động chủ lực, có sức chiến đấu cao, có khả năng đánh độc lập; đánh hiệp đồng binh chủng tốt; đánh được mọi đối tượng, trong mọi tình huống; đánh được các quy mô lớn, vừa, nhỏ, các thủ đoạn đánh bồi, đánh nhồi, đạt hiệu suất cao; có khả năng tác chiến mở màn chiến dịch, đánh địch trong thời gian chuẩn bị gấp, đánh theo mệnh lệnh, theo yêu cầu; đánh phá hủy, tiêu diệt hoặc đánh chiếm giữ mục tiêu.

(còn tiếp)

Văn Nguyễn