Thanh Điền - Thanh Kim Huệ được xem là cặp đôi vàng của làng cải lương từ những thập niên 70 cho đến nay. Trong chương trình “Ký ức Sài Gòn”, họ đã cùng nhau nhớ lại nhiều kỷ niệm đã trải qua.
Thanh Điền - Thanh Kim Huệ là cặp đôi vàng của làng cải lương được rất nhiều khán giả yêu mến
Ký ức đến với nghề
NSƯT Thanh Kim Huệ đến với nghệ thuật cải lương như một cái duyên. Ba mẹ cô làm nghề cho thuê âm thanh, nên từ nhỏ, cô đã đi theo họ đến các sân khấu mỗi đêm. Năm 10 tuổi, Thanh Kim Huệ đã ca hát ở hậu trường và đóng vai tỳ nữ. Ngày ấy, cô nói mình hát không hay nên mỗi lần đi thi ở các hãng dĩa là bị rớt.
Năm 1972, ba của NSƯT Thanh Điền chính là người giới thiệu cho “bé Huệ” về đoàn Kim Chung. Lúc đó cô bé Thanh Kim Huệ chỉ mới 14 tuổi. Thanh Kim Huệ kể: “Tôi nhớ mãi bài ca đầu tiên trong đời là Yêu lầm. Từ bài hát này, tôi được khán giả biết đến nhiều hơn. Lúc đó, tôi cảm thấy mình may mắn vì có nhiều người giúp đỡ và được ở gần sân khấu để luyện nghề”.
Trong khi đó, NSƯT Thanh Điền có ba là nhạc sĩ đờn ca tài tử, mẹ là võ sư nhưng vẫn tự nhận bản thân số khổ, không được may mắn như vợ - NSƯT Thanh Kim Huệ. Bởi đờn ca tài tử và võ thuật là hai bộ môn mà Thanh Điền rất mê nhưng lại bị ba mẹ cấm học vì họ sợ con trai mình sẽ khổ.
NSƯT Thanh Điền nói chỉ cần thành nghệ sĩ được mọi người công nhận là cảm thấy hạnh phúc
NSƯT Thanh Điền chia sẻ: “Dường như đó là gen di truyền, mỗi lần tôi nghe người ta ca cải lương hay thấy đánh võ là chịu không nổi. Thời bấy giờ không có trường lớp, tôi phải làm đệ tử cho người ta để được học nghề nên cực lắm. Mỗi lần vãng hát là phải đấm bóp cho sư phụ, rồi lau xe, giữ xe, ngủ ngoài xe… Tôi nhớ nhất là lúc 16 tuổi, một thân một mình đi Huế hát, khi đó nếu có bệnh tật không biết sống chết ra sao. Nhưng cho dù có cực khổ thế nào, tôi vẫn theo đuổi, chỉ cần trở thành nghệ sĩ được mọi người công nhận là tôi hạnh phúc”.
Ngày đó, mỗi lần NSƯT Thanh Điền nghe tiếng trống quảng cáo vỡ diễn của đoàn hát là lòng nôn nao. Còn khi có được tờ quảng cáo vở diễn in hình các nghệ sĩ, ông quý lắm, không cho ai đụng vào vì sợ rách.
“Có lần mê hát quá, tôi xin đi xem nhưng ba mẹ không cho nên đành phải ẵm đứa em trai theo. Tôi ẵm đến nỗi lở luôn cái ba sườn mà vẫn cố để xin vào xem ké, vì lúc đó đâu có tiền mua vé. Có lần ba biết chuyện, ông chạy xe đạp tới cầm cây roi quất tới tấp, đau lắm nhưng sau đó vẫn cứ trốn để đi coi hát”, NSƯT Thanh Điền kể.
Hai nghệ sĩ Thanh Điền và Thanh Kim Huệ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người hâm mộ qua nhiều vai diễn
Đối với Thanh Kim Huệ, thuở nhỏ cũng thường xuyên đi “coi cọp” ở rạp hát Hưng Đạo. Thời đó mỗi lần vào cửa, người lớn được quyền dẫn theo một em bé, thế là “bé Huệ” cứ theo năn nỉ các cô chú dẫn vào cửa để xem cải lương. Thanh Kim Huệ nói: “Mỗi lần tôi vào rạp xem, nhìn thấy các nghệ sĩ là cảm thấy sung sướng lắm. Còn khi nghe hát, tôi nghĩ cứ nghĩ đang lạc vào xứ sở thần tiên”.
Ký ức về những vở diễn
Đầu năm 1974, vở Lan và Điệp được phát hành dĩa. Thông qua tuồng này, khán giả ái mộ Thanh Kim Huệ rất nhiều và sau đó trở nên nổi tiếng. Nhắc lại kỷ niệm này, Thanh Kim Huệ kể: “Cô Sáu Liên và chú Loan Thảo chủ hãng đĩa nói tôi cứ diễn theo cảm xúc của mình. Thật sự, tôi lo lắng dữ lắm vì khi ấy mới 14 tuổi đâu biết yêu đương là gì. Vậy mà vào phòng thu, tới đoạn Điệp đi lấy vợ, thế là tôi bật khóc dữ dội đến nỗi không hát được, phải thu 2 - 3 lần mới xong. Dù giọng hát lúc đó không hay lắm nhưng được đánh giá diễn này rất thật”.
NSƯT Thanh Điền chia sẻ thêm: “Khi Huệ vào phòng thu, tôi không dám ở gần cũng không dám nghe kịch bản đó luôn, vì mỗi lần nghe hát, cảm xúc dâng trào khiến tôi không kiềm được nước mắt”.
NSƯT Thanh Kim Huệ tái hợp với NS Chí Tâm trong vở "Lan và Điệp" sau 45 năm từ khi bản thu đầu tiên ra mắt
Nếu ở Lan và Điệp, vai diễn của Thanh Kim Huệ là cô gái ngây thơ, trong sáng, hiền hậu, thì vai cô Hến ở vở Ngao sò ốc hến lại hoàn toàn khác. Đây là nhân vật từng trải và rất đanh đá. Lần đầu đóng vai này, Thanh Kim Huệ phải suy nghĩ rất kỹ để tạo sự khác biệt và hấp dẫn.
NSƯT Thanh Điền nhớ lại: “Vở Ngao sò ốc hến công diễn suốt 2 năm, đêm nào chúng tôi cũng diễn, riêng hai ngày cuối tuần diễn 2 suất. Đến khi về tỉnh diễn, một đêm có từ 5 đến 10 ngàn người trải chiếu ngồi xem. Trong đó có cả những người lớn tuổi đến rất sớm từ lúc 4 giờ chiều, họ đứng chờ đến giờ để được xem, quên cả việc ăn cơm. Đây được xem là thời hưng thịnh của cải lương. Chúng tôi là nghệ sĩ cảm thấy rất hãnh diện”.
Ký ức về lần đầu tiên gặp gỡ
Hỏi NSƯT Thanh Điền cơ duyên nào mà hai người gặp nhau? Ông bật mí: “Biết Huệ từ lúc 12 tuổi lúc đó vừa ngang, lì vừa cứng đầu. Nhưng cá tính dữ dội như thế tôi rất thích, nhưng chỉ là thích thôi chứ chưa có yêu. Lúc đầu tôi cũng không nghĩ phải chinh phục, nhưng dần dần tình cảm đến lúc nào không hay. Tình yêu ngày xưa hai người trân trọng nhau lắm, không ai dám làm điều gì sai trái. Nếu có là báo chí đăng lên chỉ cần 1 bài thì xem như phủi sạch hết… sự nghiệp. Vì vậy, mỗi nghệ sĩ đều giữ hình tượng cho mình nên áp lực lắm”.
Trong “Ký ức Sài Gòn”, họ cùng nhau chia sẻ ấn tượng về ngày đầu gặp mặt
NSƯT Thanh Kim Huệ chia sẻ thêm: “Ngày xưa báo chí còn đặt cho tôi là Búp bê sàn gỗ, danh xưng này đến giờ khán giả vẫn còn nhớ. Không ai dám tạo scandal, thậm chí có buồn bực, uất ức đến đâu cũng không dám nói ra, phải nuốt lệ làm vui".
Với Thanh Kim Huệ, ấn tượng đầu tiên về Thanh Điền là “một anh kép to cao, đầu trọc lóc, da đen xì… nhìn thấy ghét. Nhưng ngày đó, nam nghệ sĩ này trồng cây si vợ “ghê lắm”, thậm chí còn thường xuyên ga-lăng tặng bài hát để Thanh Kim Huệ tập hát. Có lẽ, mưa dầm thấm lâu, cả hai đến với nhau cũng rất tự nhiên và hạnh phúc mãi đến giờ.
Mời quý vị đón xem chương trình “Ký ức Sài Gòn” được phát sóng lúc 10g Chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7.
Thanh An