Hầu như ai làm phim cũng muốn đi về phía trước vì điều đó thuận với tự nhiên. Nhưng tôi là người làm phim đi về phía trước theo hướng ngược lại. Vì sao? Vì tất cả những tinh túy, chắt lọc đều nằm trong nền văn hóa vàng son của quá khứ…
Từ thầy giáo văn học đến đạo diễn điện ảnh… nghèo nhất Việt Nam
Từ nhỏ, tôi phát hiện ra mình rất mê văn nghệ, thích ca hát, nhảy múa. Tất cả những thứ đó như một thứ ma lực hút tôi. Sau khi lớn lên và đi học sư phạm, tôi vẫn có đam mê với nghệt thuật.
Hồi đó, nhà tôi rất nghèo, nên mới theo học sư phạm vì được miễn học phí. Sau khi ra trường, tôi về quê nhà Kiên Giang dạy được nửa năm thì thấy không hợp nên mới quyết định xin qua Trung tâm văn hóa làm sân khấu, âm nhạc.
Cũng chính vì có cơ hội tiếp xúc với các hoạt động nghệ thuật từ nhỏ mà tôi có căn duyên với nghề đạo diễn. Bên cạnh đó, việc trui rèn, đọc rất nhiều sách vở ở đại học đã tạo cho tôi một kiến thức vững chắc để theo nghề.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh có xuất phát điểm là một giáo viên nhưng anh lại đam mê nghệ thuật
Nghề đạo diễn đến với tôi xuất phát từ một người mà tôi rất ngưỡng mộ - anh Huỳnh Phúc Điền. Tôi quyết tâm đi học và mong muốn một ngày nào đó Huỳnh Tuấn Anh cũng được như anh Huỳnh Phúc Điền. Tôi tâm niệm rằng nghệ thuật là cách để người nghệ sĩ có thể bày bỏ những trăn trở, suy tư ở trong lòng. Và từ tâm niệm ấy, tôi đã trưởng thành và chính thức vào nghề với tác phẩm điện ảnh đầu tay: Lô tô.
Nhưng khi quyết định theo nghệ thuật, gia đình của tôi ngăn cản. Ba tôi là người Hoa. Ông là người làm ăn, nên khi ra đời ba dạy tôi rằng: “Phi thương bất phú”. Vì thế, có những lúc tôi hát văn nghệ trên trường, ba tôi đứng dậy bỏ về, không tham dự nữa. Ba tôi không chê nghề này, nhưng nhà tôi có 2 người con, em trai đã theo nhiếp ảnh, còn mình theo nghệ thuật nữa thì không ai nối dõi nghề của ba đây?
Nhưng bây giờ, khi nhìn những gì tôi đạt được ở nghề, ba tôi đã có cách suy nghĩ khác, vì tôi đã tạo được chỗ đứng, kinh tế, nuôi sống bản thân…
Anh được NSƯT Hữu Châu gọi là “đạo diễn nghèo nhất Việt Nam”
NSƯT Hữu Châu từng nói tôi là “đạo diễn nghèo nhất Việt Nam”. Tôi nghèo thật. Khi bước ra khỏi nhà, tôi chỉ có hai bàn tay trắng, không đi dạy, không có tiền bạc. Đến bây giờ tôi cũng chưa có tài sản gì trong tay.
Bên cạnh đó, chữ nghèo nó còn phản ánh một tâm thức, một hiện trạng là làm nghệ thuật còn bao hàm rất nhiều yếu tố khác nhau: Ngoài tài năng còn phải có mối quan hệ, nhiều kĩ năng khác nữa… Tôi còn không có nhiều mối quan hệ, ở quê lên thành phố với hai bàn tay trắng. Tôi chỉ có trong mình cái tâm, sự nhiệt huyết và tin tưởng vào khả năng của mình. Chữ nghèo nó nằm ở đấy.
Khát khao làm phim khắc họa số phận con người và bảo tồn văn hóa
Tôi luôn tự ám ảnh bản thân, người làm nghệ thuật 10 phần thì phải có 7 phần vì yêu nghề, 3 phần còn lại là kiếm tiền. Chính vì thế, tôi phấn đấu để những sản phẩm của mình không chỉ để kiếm tiền. Đó cũng là lý do vì sao khi có trong tay một số tiền tôi không làm bất kì phim nào khác ngoài Lô tô.
Hầu như ai làm phim cũng muốn đi về phía trước vì điều đó thuận với tự nhiên. Nhưng tôi là người làm phim tiến về phía trước không theo trào lưu, mà theo hướng ngược lại. Vì sao? Vì tất cả những tinh túy, chắt lọc đều nằm trong nền văn hóa vàng son của quá khứ. Vậy tại sao chúng ta lại không khai thác? Thật ra điện ảnh có sự phân công rất rõ ràng: Nếu anh Charile Nguyễn làm phim hài, anh Victor Vũ làm phim ma, kinh dị… thì tôi tự phân công mình làm phim về việc bảo tồn văn hóa, con người vậy.
“Lô tô” là tác phẩm điện ảnh ghi dấu tên tuổi của Huỳnh Tuấn Anh trong lòng khán giả
Với Lô tô, tôi luôn có một luôn trăn trở, khát khao là phải làm phim về thân phận của những người thấp hèn trong xã hội, và cả từ chất liệu cuộc sống của tôi, gia đình không mấy khá giả, bố mẹ ly hôn từ nhỏ, tôi phải bươn chải từ rất sớm…
Đến bây giờ và mãi mãi về sau, tôi phải mang ơn người bạn của tôi. Thấy tôi lận đận và yêu nghề, họ đã bỏ kinh phí ra giúp. Vì thế, con đường điện ảnh của tôi sau này có phát triển ra sao tôi cũng phải mang ơn người đó.
Lô tô là dấu ấn để đưa Huỳnh Tuấn Anh đến gần hơn với công chúng. Sau gần 4 năm kể từ khi ra mắt, tôi vẫn tự hào Lô tô là tác phẩm duy nhất có doanh thu mà thỏa mãn được nguyện vọng của đạo diễn và nội dung khiến khán giả xem và nhớ mãi. Đó cũng chính là lý do, tôi được giao phim tiếp theo.
Ủng hộ sự học hỏi nhưng lên án kịch liệt nạn “ăn theo” phim nổi tiếng
Chúng ta có tiền, có diễn viên giỏi, có người làm phục trang… Bên cạnh đó, chúng ta có cả một trang lịch sử vẻ vang nhưng tại sao chúng ta lại không làm được những bộ phim cổ trang?
Diên hi công lược hay Như ý truyện đó là cả một chiến lược quốc gia không chỉ đơn thuần về giải trí mà còn cả một nền văn hóa trong đó. Ở Việt Nam, các cá nhân đơn lẻ làm một dự án cổ trang gặp vấn đề thế này: Ông đạo diễn giỏi nhưng kém hiểu biết lịch sử sẽ làm bậy. Người giỏi lịch sử thì không tìm được ông đạo diễn giỏi để làm. Chính vì thế, đầu tiên chúng ta phải tìm được một người có khả năng kết nối những người đó lại để cùng làm một bộ phim về văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Còn mạnh ai nấy làm thì “bó đũa làm sao thành cột cờ”? Chúng ta đang ở thế mặt trận rời rạc nên chỉ dừng lại ở việc bắt chước các phim cổ trang, cung đấu nước ngoài. Chúng ta đang thiếu một tiếng còi tập hợp mọi người.
Tác phẩm điện ảnh “Ngôi nhà bươm bướm” với sự tham gia của: NSƯT Thành Lộc, Vân Trang, Quang Minh dự kiến ra mắt tháng 4 năm nay
Tôi kịch liệt phản đối việc ăn theo phim nước ngoài, nhưng học hỏi lấy cảm hứng thì tôi ủng hộ. Có một điều đáng sợ như thế này, nhiều phim cổ trang Hoa ngữ bị một bộ phận nghệ sĩ Việt Nam làm lại phát trên YouTube, vô tình khiến các khán giả trẻ bị nhầm lẫn và cho rằng đó là văn hóa Việt Nam.
Tôi khát vọng có một phim cung đấu Việt Nam. Phim cung đấu không xấu, mô-típ cung đấu không xấu. Nếu được giao tôi sẽ đi đầu để làm việc đó, thậm chí còn chấp nhận làm không lương. Đơn giản vì tôi yêu thích văn hóa, lịch sử Việt Nam. Tôi nghiên cứu phục trang. Tôi từng viết nhiều kịch bản sân khấu về lịch sử Việt Nam, bán được vé, đoạt nhiều huy chương như: Gió hoàng cung, Giếng lạ… Vì thế tôi rất tự tin có thể làm tốt.
Đó cũng chính là lý do, tôi tham gia Talk show Alo phim nghe của HTV. Nó xuất phát từ việc muốn chia sẻ, muốn trao đổi những phim tôi đã làm để khán giả hiểu hơn. Alo phim nghe là một trong sân chơi quý báu, giúp tôi tìm lại những kỉ niệm làm phim với khán giả.
Sắp tới đây, tôi sẽ cho ra mắt phim Ngôi nhà bươm bướm, dự kiến khởi chiếu vào 19/4 năm nay. Đó là bộ phim cũng khắc họa về thân phận người có giới tính thứ 3 nhưng họ sống văn minh, có những nỗi đau, ray rứt, nghịch cảnh... Tôi hi vọng bộ phim cũng lưu dấu như Lô tô được khán giả nhớ mãi.
“Ngôi nhà bươm bướm” là tác phẩm điện ảnh thứ 2 khắc họa thân phận người giới tính thứ 3 của Huỳnh Anh Tuấn
Với tôi, nghệ thuật là phương tiện mưu sinh và chuyên chở cái tình thương của mình với con người, với cuộc đời. Là nơi mình cất lên tiếng nói khi đi qua cuộc đời ngắn ngủi chứ không phải là loại trang sức lấp lánh. Người ta chết cái cúc áo còn cắt ra để lại. Cho nên cứ hãy chân thành, hãy là chính mình thì sẽ nhận được những gì mình mong muốn.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh (Tiểu Di ghi)