Phương pháp tiếp cận để giáo dục ý thức môi trường trong cộng đồng, một vấn đề nóng hiện nay, đang được các bạn trẻ quan tâm và phát triển. Một trong những cách tiếp cận đó là kết hợp giữa nghệ thuật và STEAM.
Một tiết học STEAM về điện năng và thực hành làm bóng đèn của các học sinh trung học cơ sở
STEAM là: Science, Technology, Engineering, Math, kết hợp với “A” (Art), tạo thành một phương pháp dạy khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán theo cách tiếp cận liên môn, kết hợp với “nghệ thuật thực hành và tư duy sáng tạo” để cho ra kết quả học tập có tính ứng dụng cao trong đời sống. STEAM phát triển năng lực kỹ thuật của người học thể hiện qua khả năng giải quyết vấn đề trong những môi trường và điều kiện thực tế cụ thể.
Vì vậy, theo anh Nguyễn Duy Cường, là giảng viên thỉnh giảng Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, trợ giảng tại Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, STEAM rất phù hợp với môi trường học ở Việt Nam, để giải quyết vấn đề tiết kiệm chi phí học tập và “tái chế rác thải” bảo vệ môi trường.
Lấy kiến trúc làm môi trường trải nghiệm sáng tạo, tái chế là mục tiêu giáo dục về môi trường và STEAM làm công cụ kết nối, anh và nhóm của mình đã tổ chức chương trình “Xanh hoá không gian đô thị” cho 200 học sinh, sinh viên Đại học Bách khoa và 22 trường trung học phổ thông tại thành phố với nội dung “Sử dụng rác thải trong trường học để thiết kế mô hình đô thị tương lai thân thiện”.
Mô hình thiết kế sử dụng nguyên liệu tái chế từ rác thải
Chương trình đã đem lại cho người tham gia trải nghiệm làm nhà thiết kế thú vị. Các em được trau dồi kỹ năng và tư duy thiết kế như sinh viên nước ngoài trong điều kiện thực tế là sử dụng ngay chính nguồn rác thải tại chỗ. Điều này không những giúp tiết kiệm 20-25% chi phí học tập, mà còn gián tiếp giáo dục ý thức xử lý rác thải gần với công việc hằng ngày, xây dựng tình yêu môi trường trong giới học sinh, sinh viên.
Xanh hoá không gian đô thị là một trong những chương trình hành động nhằm giáo dục bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động nghệ thuật của tổ chức Knowhere makerspace (Nơi cùng nhau sáng tạo), do Nguyễn Duy Cường sáng lập sau khi trở về nước từ chương trình du học về Kiến trúc của Hiệp hội Hoàng gia Anh. Năm 2019, hoạt động của Knowhere makerspace được sự tài trợ từ tổ chức Yseali (Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á).
Nguyễn Duy Cường, người sáng lập tổ chức Knowhere makerspace (Nơi cùng nhau sáng tạo)
Với sứ mệnh của tổ chức là tạo một môi trường trải nghiệm học tập tự do sáng tạo cho giới trẻ, dưới hình thức các khóa học ngoại khóa về tư duy thiết kế, sử dụng nguyên vật liệu tái chế và ứng dụng bộ môn STEAM, Duy Cường mong muốn tiếp tục mở rộng mô hình hoạt động đến các cấp học nhỏ hơn, hoặc đi xa hơn đến các trường ở khu vực miền Tây.
Để thực hiện điều đó, trong tương lai, chương trình phải thuyết phục được đông đảo đội ngũ giáo viên và nhà trường khu vực Đồng bằng sông Cửu long. Hơn nữa, mô hình học tập STEAM, bởi tính ứng dụng thực tế, cũng phải được thay đổi cho phù hợp với tình hình và điều kiện của từng vùng. Mà điều này, đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị giáo án kỹ lưỡng và sự phối hợp của ngành giáo dục địa phương.
Từ một chuyến du học đến Sri Lanka, một đất nước có nhiều điều tốt đẹp nhưng bị ô nhiễm môi trường nặng nề với hình ảnh những núi rác khổng lồ bao vây môi trường sống của người dân, Nguyễn Duy Cường đã quyết định hành động để góp phần ngăn chặn thảm họa này ở Việt Nam, bắt đầu từ việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các bạn trẻ.
Nói đến STEAM không thể không nhắc đến Giáo án điện tử. Một tiết học STEAM thông thường có hai phần: Phần giáo án điện tử tương tác trực quan để người học nắm vững lý thuyết và phần thực hành làm thành các sản phẩm cụ thể. Giáo án điện tử làm thay công việc cho nhiều giáo viên bộ môn chuyên biệt như toán, lý, công nghệ,... đem đến một bức tranh tổng quan giúp học sinh tiếp thu bài nhanh và có tính khái quát cao. Chị Nguyễn Quỳnh Vân – Giám đốc “ngân hàng video giáo dục”, đang sở hữu một “kho dữ liệu” trên 300 video như thế.
Khởi đầu từ bức tranh về sự tư duy của não bộ, chị Quỳnh Vân khá ấn tượng về phần não phải với hình ảnh con người học tập, vui chơi, hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp. Chị đã đặt vấn đề, “Nếu môi trường học đường không thể đáp ứng được cho con trẻ những tiết học ngoài trời giàu cảm xúc như thế, vậy tại sao không đem những điều tươi sáng đó vào trong lớp học để hỗ trợ thầy cô và các em?” Thế là ý tưởng thực hiện video giáo dục được tiến hành, cung cấp kiến thức liên quan đến các cấp học (II và III) và bám sát nội dung sách giáo khoa.
Nguyễn Quỳnh Vân – CEO Ngân hàng giáo dục trẻ và bức tranh tạo cảm hứng khởi nghiệp
Năm 2018, dự án “Ngân hàng video giáo dục” của chị Vân đã đoạt giải nhì tại Startup Wheel 2018, một sân chơi khởi nghiệp lớn nhất cả nước. Tại đây chị đã bước đầu kết nối với các đơn vị giáo dục để đưa sản phẩm vào phục vụ khách hàng, những học sinh đang rất cần được dạy và học theo phương thức trực quan sinh động đầy sáng tạo.
Một số hình ảnh trong video giáo dục môn vật lý
Xuất thân là một kỹ sư môi trường tốt nghiệp tại Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, những video clip chị tạo nên cũng mang hơi thở yêu thương thiên nhiên và thái độ trân trọng với môi trường. Trong tương lai, ngoài toán và vật lý, chị Quỳnh Vân mong muốn thực hiện video giáo dục cho nhiều môn hơn nữa, đặc biệt là “Môi trường”, môn học hiện nay chưa có sách chính thống, mà chỉ được dạy lồng ghép với các môn học khác.
Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.
Xuân Long