Đinh Nhật Minh: Chỉ có 3 phút để tỏa sáng

“Với tôi, để có thể đi trên con đường dài nghệ thuật thì phải nỗ lực và tôi thường chỉ có 3 phút để ‘gói lại’ khoảng thời gian khổ luyện ấy qua tiết mục mình thể hiện” - nghệ sĩ sáo trúc Đinh Nhật Minh chia sẻ.


Nghệ sĩ sáo trúc Đinh Nhật Minh 

Trong nhiều năm qua, nghệ sĩ sáo trúc Đinh Nhật Minh đã ghi dấu ấn tiếng sáo của mình qua những nhạc phẩm: Despacito, Attention, Để mị nói cho mà nghe, Words of the Winds, Hoa nắng,... và các phần thi, như: Cô đôi thượng ngàn của Thiện Nhân trong chung kết The Voice Kids, Đi đâu để thấy hoa bay của Thiên Khôi trong chung kết Vietnam Idol Kids và mới đây là sự kết hợp giữa anh và DJ trẻ tuổi tài năng Hoaprox trong Words of the winds. 

Chào nghệ sĩ Đinh Nhật Minh. Xin anh cho biết, anh bén duyên với cây sáo trúc từ khi nào? 

Mặc dù bố là NSƯT Đinh Linh, ông nội là NSƯT Đinh Thìn nhưng phải đến 9 tuổi, tôi mới bắt đầu làm quen với cách thổi sáo. Ban đầu ba mẹ muốn tôi theo ngành y vì nghĩ rằng, sau này nếu trong nhà có ai bị bệnh sẽ được nhờ. Đến tận sau này tôi mới biết rằng, ba mẹ không muốn tôi theo con đường âm nhạc dân tộc bởi cái nghề này cực khổ và khó kiếm sống. Nhưng chắc có lẽ là nghề đã chọn mình rồi nên dù ba mẹ có tính thế nào, cũng không bằng trời tính (cười).


Đinh Nhật Minh và violinist Hạnh Phúc thể hiện tiết mục “Để Mị nói cho mà nghe” trong chương trình “HTV Chào xuân 2020”

Đinh Nhật Minh có gặp nhiều khó khăn khi theo học loại sáo này?  

Để đạt được dáng vẻ thong dong trong khi biểu diễn, người nghệ sĩ sáo trúc phải trải qua một quá trình luyện tập rất cực khổ. Bộ môn này khác với các nhạc cụ khác vì phải sử dụng hơi rất nhiều nên khi luyện tập thường xuyên với cường độ cao dễ làm cho người học cảm thấy chóng mặt và chóng đói. 

Điều này thể hiện rõ trong lần tôi đại diện cho Học viện nghệ thuật Quảng Tây - nơi tôi đang theo học khi ấy luyện tập cho cuộc thi Độc tấu nhạc cụ dân tộc Thanh thiếu niên ở Trung Quốc, tôi đã ngất xỉu nhiều lần. 

Có nhiều lúc, tôi muốn từ bỏ vì áp lực mà tự tôi tạo nên, đó là mình phải nỗ lực để xứng đáng với những gì ông nội và ba tôi đã làm. Có những lúc tôi nản lòng khi âm nhạc dân tộc nói chung và bộ môn sáo trúc nói riêng không được nhiều người đón nhận và quý trọng như những nhạc cụ khác... Mỗi lần như thế, tôi nghe lại tiếng sáo của ông nội để lấy tinh thần. 


Đinh Nhật Minh tham gia chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” trên sóng HTV

Trong quá trình theo học môn sáo trúc, những kỷ niệm nào khiến anh nhớ nhất?

Năm 10 tuổi, tôi đã trình diễn tác phẩm Trên đường chiến thắng do chính ông nội sáng tác với phần đệm của ba, mẹ, anh trai và các cô chú khác trong chương trình giao lưu văn hoá Việt - Pháp tại sân khấu Idecaf. 

Lần đầu tiên đứng sân khấu lớn như vậy, tôi rất hồi hộp. Dù rất chú tâm vào bài nhạc đang trình diễn, một chân của tôi đập theo nhịp, chân còn lại thì run bần bật. Cho đến khi hoàn tất phần trình diễn, tôi vẫn cảm nhận được chân mình còn run. Đến năm 2012, tôi giành được Huy chương Vàng độc tấu sáo trúc trong cuộc thi Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại Đắk Lắk khi ấy tôi mới 16 tuổi. Tôi nghĩ con đường chuyên nghiệp của tôi bắt đầu từ đó.

Cách tập luyện một tiết mục sáo trúc có cầu kỳ và mất nhiều thời gian không thưa anh? 

Thời gian luyện tập cho một tác phẩm sáo trúc tuỳ thuộc vào độ khó của tác phẩm. Có những tác phẩm có thể thổi ngay được, nhưng cũng có những tác phẩm phải luyện tập 1-3 năm, thậm chí là nhiều năm mới thấm nhuần hết được ý tưởng của tác giả cũng như thể hiện được sự sáng tạo của mình. 


Đinh Nhật Minh trong chương trình phục vụ kiều bào đón Tết tại Bỉ

Sau một thời gian dài gắn bó với loại nhạc cụ này, anh cảm nhận như thế nào về vẻ đẹp âm nhạc của cây sáo trúc?

Tự hào. Đó là từ đầu tiên tôi muốn mô tả cảm xúc của mình về âm nhạc dân tộc nói chung và cây sáo dân tộc nói riêng. Những giai điệu và những nhạc cụ độc đáo này bạn chỉ có thể thấy ở Việt nam, nơi không chỉ có cảnh đẹp, đồ ăn ngon, con người tốt mà còn có âm nhạc độc đáo. 

Âm nhạc dân tộc của chúng ta muôn màu muôn vẻ, mỗi nơi đều có những làn điệu riêng, nhạc cụ đặc trưng khác nhau. Tôi may mắn được tham gia rất nhiều chương trình quảng bá âm nhạc dân tộc tại nước bạn. Và mỗi lần trình diễn, tôi lại càng tự hào về âm nhạc của dân tộc mình được bạn bè trên khắp thế giới đón nhận.

Đinh Nhật Minh muốn nhắn nhủ đến khán giả trẻ điều gì để họ ngày càng thêm yêu cây sáo trúc?

Không chỉ với cây sáo trúc mà còn với cả âm nhạc dân tộc nói chung. Tôi muốn cho các bạn một cái nhìn mới về loại hình nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Thay vì các bạn có thể nghĩ âm nhạc dân tộc là những điều cũ kỹ nên được cất trong bảo tàng thì tôi mong các bạn thấy được những âm thanh độc đáo đó có thể hoà nhập vào cuộc sống hiện đại này một cách tuyệt vời. 

Tôi đã đi trình diễn tại Pháp, Đức, Hà Lan, Cộng hoà Czech, Hungary, Bỉ, Ukraine, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Colombia, Venezuela, Lào, Campuchia... Tôi đều trình diễn tiết mục truyền thống Việt Nam và đều được đón nhận nồng nhiệt. Đó là điều tôi luôn tự hào!


Đinh Nhật Minh trong chương trình phục vụ kiều bào đón Tết tại Pháp năm 2019

Đến nay, Đinh Nhật Minh có những kế hoạch đặc biệt nào cho thời gian sắp tới? 

Mỗi năm tôi đều có những mục tiêu cho mình để thực hiện. Năm sau, mục tiêu đầu tiên tôi muốn thực hiện là xuất bản Album đầu tay cho riêng mình. Trong album sẽ có những tác phẩm đã mang lại cho mình những Huy chương Vàng cùng với đó là những tác phẩm sáo với phong cách mới như kêt hợp EDM và rock. Sau đấy sẽ là một MV được đầu tư kỹ lưỡng về khả năng sáo, hát, thậm chí là nhảy của tôi.

Xin cám ơn về những chia sẻ thú vị của nghệ sĩ Đinh Nhật Minh. Chúc anh luôn thành công!

Hoàng Quyên