Dấu ấn thời gian: Những ca khúc một thời nhạc phim TFS

Tiếp tục với loạt chương trình giới thiệu những ca khúc nhạc phim, “Dấu ấn thời gian” phát sóng lúc 15g20 ngày 2/11 trên HTV giới thiệu đến khán giả 3 nhạc phẩm gắn liền tên tuổi của nhạc sĩ Bảo Phúc.


Thanh Nguyên và Minh Trí sống lại thuở “Người đẹp Tây Đô”

Nhạc sĩ Bảo Phúc và những tình yêu gửi vào trong phim

Khi nhắc đến nhạc sĩ Bảo Phúc người ta nhớ ngay đến một người nghệ sĩ đã dành phần lớn cuộc đời mình cho những sáng tác nhạc phim. Những ca khúc ghi nhiều dấu ấn trong lĩnh vực này có thể kể như: Ngôi sao cô đơn, Những nẻo đường phù sa, Dòng sông không trở lại, Gót hồng, Khi đời có em, Nắng hồng soi mắt em...

Nhạc sĩ Bảo Phúc sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thừa Thiên - Huế trong một gia đình dòng dõi hoàng tộc. Cha mẹ đều là nghệ nhân nổi tiếng của ca Huế. Có 6 anh em trai, trong đó, Bảo Phúc và người anh cả (nhạc sĩ Bảo Chấn) là theo nghiệp âm nhạc.

Khi lên 6, ông theo học nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Năm 8 tuổi, ông theo học tại Trường Quốc gia Âm nhạc Huế nhưng được một thời gian ngắn, sau đó ông thi vào Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Trong thời gian này, ông đoạt giải nhất cuộc thi âm nhạc toàn quốc. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc, ông đầu quân về công tác tại Viện Nghiên cứu Âm nhạc và Múa TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, ông được mời về Đoàn Ca Múa Bông Sen, kế tiếp qua Đoàn Ca Nhạc Nhẹ thành phố, Bảo Phúc bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp từ đó.

Cũng từ năm 1986, ông lấn sân sang lĩnh vực thu âm, lúc ấy còn rất mới mẻ. Sau một thời gian cộng tác với các hãng băng đĩa, Bảo Phúc đã khẳng định được tên tuổi của mình trong làng phối khí. Năm 1990, Bảo Phúc đột phá vào lĩnh vực nhạc phim. Bộ phim đầu tay, ông hợp tác với đạo diễn Cảnh Đôn là “Ngôi sao cô đơn”. Bảo Phúc nhanh chóng trở thành chuyên biệt trong việc làm nhạc phim (gần 300 bộ phim).


Nhạc sĩ Bảo Phúc một đời tâm huyết với nhạc phim

Bảo Phúc cũng hòa âm phối khí cho hơn 400 bài hát, dàn dựng show ca nhạc từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp, soạn nhạc lễ hội, nhạc múa, làm phim truyện Video (đoạt giải “Nhạc sĩ xuất sắc” tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 15), thành lập công ty dịch vụ tổ chức biểu diễn, biên tập viên cho công ty Vật phẩm Văn Hóa. Ngoài ra, ông còn hứng thú với công việc hướng dẫn du lịch sinh thái về miền sông nước Cửu Long.

Như “Dòng sông không trở lại”, nhạc sĩ Bảo Phúc đột ngột ra đi, để lại biết bao tiếc nuối tiếc cho gia đình, bạn bè và những người hâm mộ. Nhiều người nói, nhạc sĩ Bảo Phúc chính là một dòng sông như những gì ông đã viết trong ca khúc: “Có những dòng sông không trở về đâu...”.

Dòng sông không trở lại

Ca khúc Dòng sông không trở lại được nhạc sĩ Bảo Phúc viết riêng cho bộ phim Dòng đời - một trong những phim truyền hình dài hơi đầu tiên của HTV với 52 tập. Vào thời điểm phim lên sóng năm 2001, ca khúc Dòng sông không trở lại đã nhanh chóng bước ra ngoài bộ phim để trở thành một hit đình đám của "mỹ nhân ngư" Mỹ Lệ.

“Có những dòng sông không trở lại bao giờ/ Có những tình yêu dật dờ theo từng con sóng/ Có những chiều chếnh choáng tình yêu thở qua kẽ tay.

Cuộc đời là dòng sông... chứa đầy nghịch lưu/ Ai lường được... vòng xoáy dòng sông ấy?/ Bỗng một ngày... chợt nghe mái đầu trắng sóng/ Rồi chợt nghe... tiếng hát thảng thốt chiều...”.

Những giai điệu dịu dàng và da diết này của ca khúc ngày ấy đã ăn sâu vào tiềm thức người nghe trong mỗi buổi tối vào giờ vàng phát sóng phim Việt trên HTV. 52 tập phim là 52 lần khắc đậm trong lòng người hâm mộ vẻ đẹp của “Một dòng sông không trở lại”.


Trong chương trình, ca sĩ Tuyết Mai sẽ khắc họa một “Dòng sông không trở lại” với lối thể hiện mới mẻ, trẻ trung và hiện đại

Những nẻo đường phù sa

Ca khúc làm công chúng âm nhạc nhớ đến nhạc sĩ Bảo Phúc nhiều nhất có lẽ đó là Những nẻo đường phù sa - một ca khúc nhạc phim. Có thể nói, Những nẻo đường phù sa là thành quả ấn tượng nhất của nhạc sĩ Bảo Phúc khi anh đã viết nhạc cho hàng trăm bộ phim và rất nhiều ca khúc đã bước ra khỏi ranh giới điện ảnh để đi vào đời sống âm nhạc. 

Sau khi bộ phim truyền hình dài 39 tập được trình chiếu trên sóng HTV, ca khúc Những nẻo đường phù sa đã nhanh chóng tạo được chỗ đứng cho riêng mình khi liên tục dẫn đầu trong bảng xếp hạng Làn Sóng Xanh vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Sáng tác của Bảo Phúc được đánh giá là "nối được bước của dòng nhạc cách mạng" và có mặt trong sổ tay của nhiều người yêu nhạc. 

Cố nhạc sĩ Bảo Phúc từng chia sẻ: “Những nẻo đường phù sa được tái hiện 2 lần ở phần dạo đầu và lúc kết thúc bộ phim cùng tên, nhờ đó ca khúc thấm sâu vào lòng người nghe và người nghe cảm thấy gần gũi hơn”. Với ca từ nhẹ nhàng mang đầy cảm xúc tình người, hòa cùng giai điệu nồng nàn, bi hùng, Những nẻo đường phù sa trở thành ca khúc nằm lòng với những người yêu bài hát và cả tiếng hát của chính tác giả.


Dù thể hiện theo lối hát mộc nhưng “Những nẻo đường phù sa” qua giọng ca Đào Mác đã thực sự mang đến một cảm xúc rất đặc biệt

Bông cúc trắng

Bông cúc trắng được nhạc sĩ Bảo Phúc viết cho bộ phim Người đẹp Tây Đô được lên sóng HTV lần đầu tiên vào năm 1996. Nhạc sĩ Bảo Phúc mượn hình ảnh một bông hoa cúc với màu trắng tinh khôi để diễn tả nét đẹp của người phụ nữ thời chiến tranh. Mộc mạc nhưng mang màu trắng rất riêng, sự thuần khiết của người phụ nữ... dù có vượt qua bao gian khó vẫn vững lòng đối mặt và vượt qua, mà ở đó nàng Bạch Cúc trong bộ phim Người đẹp Tây Đô chính là hiện thân cho vẻ đẹp tinh khôi và quyền quý của người Phụ nữ Việt Nam thời bấy giờ. 


Màn kết hợp ăn ý giữa 2 ca sĩ trẻ Thanh Nguyên và Minh Trí trong tiết mục “Bông cúc trắng”

Thiên Hương