Studio H9 đã mời đến một người đặc biệt luôn đứng đằng sau những chương trình, sân khấu hoặc các cuộc thi và mang lại giá trị tốt đẹp cho khán giả cũng những người nghệ sĩ biểu diễn. Đó chính là đạo diễn Vũ Thành Vinh.
Chân dung đạo diễn Vũ Thành Vinh
Vũ Thành Vinh tốt nghiệp lớp quay phim năm 1996 và tốt nghiệp đạo diễn điện ảnh năm 1999. Anh làm việc tại Đài truyền hình TP.HCM với chức danh đạo diễn suốt 15 năm và đã đạt được nhiều giải thưởng, như: Huy chương vàng phim truyện Xe lăn (2002), Giải Mai vàng báo Người lao động, Đạo diễn được yêu thích nhất năm 2003 (Phim Xe lăn), Huy chương vàng phim ca nhạc thiếu nhi Những bông hoa cổ tích (2006), Huy chương vàng phim ca nhạc Khát vọng tuổi trẻ (2011)… Anh được phong tặng nghệ sĩ ưu tú năm 2016.
Người dẫn dắt gamehow truyền hình từ những ngày đầu
Xuất hiện tại phim trường Studio H9, đạo diễn Vũ Thành Vinh cảm thấy xao xuyến, bồi hồi vì HTV được anh xem như "ngôi nhà thứ hai" trong suốt 15 năm, và để lại cho anh nhiều kỉ niệm khó quên. Từng tham gia dàn dựng những gameshow nổi tiếng vào những năm đầu thập niên 2000 như Nốt nhạc vui (HTV), Rồng Vàng (HTV)... nhưng phải đến khi tự thành lập công ty riêng (Công ty Truyền thông Khang năm 2015) thì đạo diễn Vũ Thành Vinh mới có thêm nhiều đột phá.
Hình ảnh đạo diễn Vũ Thành Vinh phía sau sân khấu
Cho đến tận bây giờ, Nốt nhạc vui vẫn được xem là chương trình có một tiêu chuẩn truyền hình tốt. Chắc chắn để làm được điều đó ở những năm tháng về trước, đạo diễn Vũ Thành Vinh gặp rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng lại học được rất nhiều. Đó là lần đầu tiên anh được làm việc với ê-kíp nước ngoài, cụ thể là Mỹ. Vì khi mua một chương trình fornat nước ngoài về Việt Nam thì rất cần một người quản lý hiện trường để tạo không khí, sắp xếp tại trường quay, nhưng thời điểm đó nước ta vẫn chưa có khái niệm đó, nên đích thân anh và MC Thanh Bạch phải có mặt tại đó để làm việc cùng họ. Những việc đó đã thành bài học mà đạo diễn Vũ Thành Vinh nhớ mãi đến hiện tại.
Sau khi "ra riêng" với Công ty Truyền thông Khang, Vũ Thành Vinh mới được thỏa sức sáng tạo những format gameshow thuần Việt, hầu hết đều thu hút người xem như: Dấu ấn, Tình bolero, Solo cùng bolero, Tình bolero hoan ca, Cười xuyên Việt, Cùng nhau tỏa sáng, Ngôi sao phương Nam, Hát cùng mẹ yêu (HTV), Én vàng (HTV), Gương mặt điện ảnh (HTV).
Giải đáp những ý kiến trái chiều về "Én Vàng"
Đến với Studio H9, từ khóa dành cho đạo diễn Vũ Thành Vinh là Én Vàng. Bởi vì anh không chỉ là nhà sản xuất, đạo diễn đã gắn bó với chương trình này trong suốt 13 năm qua, mà còn thành viên trong ban giám khảo (Én Vàng 2016, Én Vàng học đường 2018). Én Vàng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của khán giả, thậm chí còn tạo ra những cơn sốt trên mạng xã hội - điều mà hiếm có cuộc thi mang tính đặc thù của lĩnh vực người dẫn chương trình làm được. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều người bày tỏ những ý kiến trái chiều về chương trình này.
Anh nghĩ thế nào khi một số người cho rằng Én Vàng là một cuộc thi chỉ cần học thuộc bài rồi lên sân khấu diễn xuất là đủ?
Tôi không nghĩ học thuộc bài mà lại thể hiện được một bài văn có cảm xúc như thế ở các em thí sinh. Học thuộc là kĩ năng cần thiết ở người MC nhưng biến cái học thuộc thành ngôn ngữ của con tim lại không đơn giản. Kịch bản chỉ là một "đường dây" để người MC dẫn dắt đến trái tim mà thôi.
Ban giám khảo cuộc thi Én Vàng từ trái qua: MC Tùng Leo - Trác Thúy Miêu - Phước Lập - đạo diễn Vũ Thành Vinh
Én Vàng xây dựng nhóm ban giám khảo khó tính để tạo kịch tính nên người ta chỉ xem giám khảo chứ không xem thí sinh?
Ý kiến này đúng nhưng vẫn phải theo hướng tích cực. Với tôi làm nghệ thuật hay bất cứ việc gì đầu tiên phải khó với bản thân mình trước. Én Vàng là một cuộc thi chứ không phải một sân chơi, và nó cần phải khắc nghiệt với giám khảo lẫn thí sinh để đào tạo ra những con người hội tụ đầy đủ các kĩ năng mà người MC cần phải có.
Còn việc khán giả chỉ xem giám khảo thì tôi rất vui vì đó cũng là dụng ý của tôi. Tại sao tôi lại mời Tùng, mời Trác Thúy Miêu, mời Phước Lập mà lại không mời người khác? Bởi vì các bạn có cùng quan điểm “cấp tiến” để có thể thay đổi cùng với chương trình. Trong sự thay đổi đó thì “cá tính” và “thẳng tính” là điều tôi cần đến để tạo ra những nét riêng biệt. Các thí sinh đến với cuộc thi không chỉ để “được khen” mà các em cần được chỉ ra những điểm hạn chế... Và điều quan trọng đó là những giám khảo này có vốn kiến thức sâu rộng về nghề dẫn mà nhiều bạn MC hiện nay còn thiếu.
Én Vàng là cách chọn lựa người dẫn chương trình theo kiểu cũ?
Thật ra có những cái cũ là điều cần thiết và tạo nên được cái hồn cho cả chương trình, có những cái chuẩn mực mình phải giữ mà Én Vàng cũng không ngoại lệ. Đó là người dẫn chương trình đứng trên sân khấu phải dùng con tim và chất giọng để nói cho rất nhiều người nghe. Ban giám khảo tuy là những người cũ và khó tính nhưng tôi tin rằng những họ vẫn luôn luôn cập nhật xu thế mới.
Én Vàng học đường là sân chơi bổ ích cho các em học sinh
Tại sao năm vừa qua anh lại cho ra phiên bản Én Vàng học đường?
Đó là cả mơ ước của tôi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và cũng là mơ ước của bao bạn học sinh, sinh viên được nói lên chính kiến, những điều mà mình quan tâm, muốn được thể hiện mình. Thực ra phải nói rằng đây là nguyện vọng của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh khi muốn có một sân chơi cho các em học sinh phổ thông, mà truyền hình hiện nay rất ít. Én Vàng học đường đã giúp các em làm được điều đó.
Ngoài kĩ năng của một người dẫn dắt thì sự hùng biện được đưa lên rất nhiều trong chương trình. Đó là một xu hướng mới, tuổi trẻ phải nói được, làm được và đứng lên nói ra suy nghĩ của mình. Và tôi cũng rất mừng là đêm chung kết diễn ra đã chứng kiến được các em trưởng thành. Các em đã nói ra được chính kiến và thể hiện được trách nhiệm của mình với vấn đề đó.
Cám ơn anh về những chia sẻ thú vị!
Minh Thiện