Nguyễn Tấn Phước là một đạo diễn được nhiều khán giả yêu mến qua các bộ phim truyền hình như: Ghen, Không thể ngừng yêu, Cõi mộng, Hồn cát…
Đạo diễn Nguyễn Tấn Phước
Ngoài ra, anh cũng giữ vai trò phó đạo diễn trong nhiều bộ phim điện ảnh như: Mỹ nhân già & Găng tơ, Con đường sáng, Cầu vồng không sắc, Cho em gần anh thêm chút nữa… Bộ phim điện ảnh Ngày mai Mai cưới là bộ phim điện ảnh đầu tay do anh làm đạo diễn, khẳng định bước tiến mới trong sự nghiệp làm phim của mình.
Đến với chương trình Box thư giãn, đạo diễn Nguyễn Tấn Phước đã chia sẻ cho khán giả biết thêm về công việc và những nhận xét của anh về phim truyền hình ở thời điểm hiện tại.
Chào đạo diễn Nguyễn Tấn Phước! Có rất nhiều bộ phim truyền hình của anh được khán giả yêu thích. Trước hết, xin được hỏi là trong gia đình anh, có ai làm về điện ảnh không?
Gia đình tôi thì có cậu làm việc ở Đài Truyền hình Nha Trang, nên khi cậu lên nhà tôi chơi, nghe cậu nói về công việc của mình thì tôi bắt đầu thích thú và tìm hiểu. Sau đó, tôi thường coi phim điện ảnh vào chiều thứ bảy.
Đạo diễn Nguyễn Tấn Phước trong chương trình "Box thư giãn"
Lúc đó, anh chỉ đơn thuần là yêu thích phim ảnh hay thích mình là người thực hiện những bộ phim đó?
Ban đầu chỉ là thích xem phim, sau đó tìm tòi và muốn kể những câu chuyện của mình cho khán giả xem. Tôi mới bắt đầu học hỏi trên sách báo, cũng chưa biết về điện ảnh mấy. Cuối cùng là đăng kí vào Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh.
Thi vào trường Sân khấu Điện ảnh, anh có gặp khó khăn gì không?
Ngày xưa, tôi cũng tìm hiểu và quen được thầy giáo dạy môn Trợ lí và Thư ký đạo diễn, nên tôi mới đăng kí học. Tôi cũng học song song ngành Công nghệ thông tin ở Đại học Bách Khoa, nên sau khi học trợ lí đạo diễn thì tôi chuyển qua học dựng phim. Sau đó là xin cộng tác với trường Sân khấu điện ảnh trong hai năm.
Anh có thể kể thêm về bộ phim đầu tay của mình không?
Nếu nói về bộ phim đầu tay được giải thưởng và cũng là phim tốt nghiệp của tôi thì phải nói đến Hồn cát. Lúc đầu, tôi chỉ làm để báo cáo hoàn thành khóa học đạo diễn của mình. Nhưng trường gửi phim đi dự thi rồi được giải. Trong lòng tôi cũng vui và cảm thấy có động lực phấn đấu hơn nữa khi ra đời.
Trong những bộ phim anh đã ra mắt khán giả thì bộ phim nào để lại cho anh nhiều ấn tượng nhất?
Bộ phim để lại ấn tượng nhất có lẽ là phim Con cu ly bé nhỏ năm 2014 - nói về con người vùng đất Ninh Thuận và bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Ấn tượng để tôi ấp ủ làm bộ phim này là vì hướng đi của kịch bản có thể truyền đi thông điệp, giáo dục được cho thế hệ trẻ.
Quá trình quay bộ phim này anh có gặp nhiều khó khăn không?
Quay phim nào cũng cực nhưng miễn là cả ê-kíp cùng chung tay thì sẽ làm được. Đối với Con cu ly bé nhỏ thì quay động vật có phần khó hơn so với những cảnh khác, vì chúng nó không diễn theo ý mình được. Vì vậy, tôi phải set up một cảnh rất lẩu, rất tỉ mỉ. Một cảnh cần biết bao nhiêu con người đặt đèn, đặt ánh sáng, phải canh từng khung hình, từng cử chỉ của động vật.
Cảnh trong phim "Con cu ly bé nhỏ"
Tính tới thời điểm hiện tại, anh là đạo diễn trẻ sở hữu rất nhiều bộ phim truyền hình. Anh nghĩ như thế nào về phim truyền hình hiện nay?
Theo tôi đánh giá, phim truyền hình hiện nay có sự tiến bộ rất rõ, về đề tài, về diễn xuất của diễn viên, chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn, hiện trường, bối cảnh, thiết kế máy quay... tất cả đều được đầu tư một cách nghiêm túc. Nên khi tôi coi thấy có những sản phẩm rất tốt, nhưng ở thời đại 4.0, các bạn trẻ tiếp xúc với các thiết bị thông minh nhiều, nên các bạn ấy có thể bỏ qua những tác phẩm mang tính nhân văn trên các đài truyền hình. Vì vậy, sau này xuất hiện web drama để đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khán giả.
Là một đạo diễn chuyên về phim truyền hình, thì cơ duyên nào khiến anh rẽ bước làm phim điện ảnh?
Cái gì cũng cần phải có cái duyên, nhưng tôi vốn được đào tạo chuyên sâu về đạo diễn điện ảnh. Sau khi ra trường, ai cũng muốn được thực hiện một bộ phim điện ảnh của riêng mình, nhưng không phải nói là làm được ngay. Người mới tốt nghiệp phải trau dồi kiến thức một thời gian, như tôi thì đi làm phó đạo diễn, để đúc kết được kinh nghiệm làm một phim điện ảnh.
Còn phim điện ảnh tôi làm thì cũng là vô tình thôi. Một nhà sản xuất gọi điện mời tôi thì lúc đó tôi rất vui, nhưng cũng xin xem kịch bản trước rồi mới quyết định. Sau khi đọc, tôi thấy kịch bản hài hước, mang tính nhân văn, giáo dục nên nhận lời.
Nguyễn Tấn Phước ưu tiên chọn phim đề tài về con người
Anh có thể cho biết làm phim truyền hình và điện ảnh khác nhau thế nào?
Giống nhau là mục đích phim nào thì cũng hướng đến những giá trị, nhưng về thời lượng thì phim truyền hình dài tập, còn phim điện ảnh thì chỉ có 90 phút và nội dung phải gói gọn trong đó.
Cách kể của hai thể loại cũng khác. Phim truyền hình đôi khi chiếu hết một tập hấp dẫn thì những tập sau, khán giả không còn gì để coi nữa.
Phim điện ảnh thì kinh phí đầu tư cao hơn, đòi hỏi ê-kíp phải chỉn chu hơn, chuyên nghiệp hơn, và từng khung hình đạo diễn muốn thể hiện thế nào, nhiều khung cảnh đôi khi phải chuẩn bị cả tháng. Như bộ phim Ngày mai Mai cưới, tôi phải đi xem và chọn nhà nào có dàn bông giấy, rồi liên hệ với thiết kế để lên mô hình, cải tạo lại để phù hợp với bối cảnh trong kịch bản yêu cầu. Dàn bông cũng phải được tưới nước hàng ngày tầm một tháng rưỡi, trước khi đoàn phim xuống quay để dàn hoa tươi và có sức sống.
Cảnh trong phim điện ảnh "Ngày mai Mai cưới"
Với anh, thì anh thường chọn đề tài nào cho bộ phim của mình?
Đạo diễn ai cũng muốn được thực hiện nhiều thể loại, nhưng tôi ưu tiên chọn những kịch bản nói về con người, về gia đình như tình mẫu tử, tình cha con, tình chị em...
Đối với một người đạo diễn thì ai cũng muốn mình sở hữu một giải thưởng điện ảnh. Anh đã từng tham gia giải Cánh Diều Vàng năm 2009 và nhận giải Khuyến khích. Anh cảm nhận thế nào về điều này?
Tôi xin nói thêm là phim Ngày mai Mai cưới năm đó được giải phụ cho "Thiết kế âm thanh xuất sắc nhất". Nếu phim tốt được ban giám khảo chấm thì tôi rất vui. Nhưng cái vui nhất là khán giả đón nhận phim mình.
Đạo diễn Nguyễn Tấn Phước (áo khoác xanh) cùng dàn diễn viên "Ngày mai Mai cưới"
Khi thực hiện một bộ phim truyền hình hay điện ảnh, anh chọn ê-kíp theo tiêu chí nào?
Tiêu chí để tôi chọn ê-kíp thứ nhất là trình độ, thứ hai là phải có đức, thứ ba là tài. Tài năng thì có nhiều nhưng để tìm người có sự cống hiện với bộ phim, chia sẻ với đạo diễn là cả một vấn đề.
Đến hiện tại, tôi cũng đang rất vui vì có những anh em ê-kíp luôn hỗ trợ mình. Dù quay đêm, quay trên rừng thì anh em cũng làm việc hết mình và luôn vui vẻ với nhau.
Cám ơn những chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Tấn Phước.
Đón xem chương trình "Box thư giãn" phát sóng lúc 7g Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.
Linh Trần