Nhiều người cho rằng, sân khấu xã hội hóa dễ khiến người làm nghệ thuật thỏa hiệp. Thế nhưng, với sân khấu kịch Sài Gòn, các vở diễn luôn được dàn dựng nghiêm túc, từ sự khổ công của một gương mặt quen thuộc với khán giả HTV, đó là danh hài Hữu Nghĩa.
Danh hài Hữu Nghĩa
Lý giải về sân khấu hài theo mô hình xã hội hóa, nghệ sĩ Hữu Nghĩa cho biết: “Theo tôi, nhận định sân khấu xã hội hóa dễ khiến người làm nghệ thuật thỏa hiệp với thương trường là chưa chính xác và xa rời thực tế. Bằng chứng là số lượng vở hài được dàn dựng tại TP. Hồ Chí Minh luôn tăng, chất lượng kịch bản hài ngày càng được chọn lọc và diễn viên hài đã có một cuộc trở về đúng nghĩa để tiếng cười gắn liền với số phận. Tôi có may mắn là làm việc nhiều với các diễn viên hài, nên chiêu thức, mảng miếng, cách khai thác tiếng cười của họ tôi đã quen và biết như một quán tính. Tôi vui là các bạn diễn viên hài đã ý thức được chuyện quay về với vai diễn hơn là dựa vào tên tuổi để tự tung, tự tác”.
Nghệ sĩ Hữu Nghĩa đánh giá cao tiếng cười thông qua vai diễn của các đồng nghiệp, hầu hết họ đã đều cộng tác với HTV qua các chương trình: Siêu thị cười, Chuyện bốn mùa, Tâm hồn cao thượng, Chuyện không của riêng ai…
Anh nói, họ nhờ thế mà ấn tượng hơn, sâu sắc hơn so với những gì đã đạt được trước đó. Bằng chứng là khi Hữu Nghĩa về sân khấu kịch Sài Gòn đã có nhiều vai diễn được khán giả yêu thích như: Oan hồn bên suối, Mảnh đất nhiều ma, Hồn không mộ, Quỷ, Bóng ma sau giường cưới…
Khán giả đến sân khấu này đã hỏi tên anh rồi mới quyết định mua vé vào xem. Đó thật sự là niềm hạnh phúc của NS Hữu Nghĩa sau nhiều năm miệt mài gắn bó với sân khấu hài. Và có thể khẳng định, sân khấu kịch Sài Gòn là chiếc nôi nghệ thuật mà anh đã và sẽ gắn bó để được cống hiến sau khi vở kịch đầu tay anh làm đạo diễn mang tên Đứa bé triệu đô la đã đưa anh đến với nghề đạo diễn.
Với phong cách diễn xuất thật mộc mạc, dung dị, và tiếng cười của NS Hữu Nghĩa nhờ thế nhẹ nhàng đi vào lòng người, cuốn hút những tràng pháo tay mỗi khi anh nhấn nhá một câu thoại. So với cách diễn lúc còn đi nhóm tấu hài, Hữu Nghĩa đã không còn láu táu chuyện “tán dóc” mà đi vào số phận nhân vật, làm toát lên tiếng cười ý nghĩa qua các nhân vật có số phận.
Trong cách dàn dựng kịch cũng thế, anh đã định hướng được phong cách qua thủ pháp dàn dựng hết phóng khoáng. Bản dựng của anh vì thế làm người xem cười bằng nét diễn ngẫu hứng nhưng đậm chất đời. “Hầu hết các vai hài của Hữu Nghĩa và kể cả bản dựng đều đọng lại trong lòng khán giả cá tính của nhân vật. Đó là điều quý nhất khi sân khấu hài ngày càng có nhiều vở diễn, vai diễn được chăm chút, sáng tạo trong đó có công lao của Hữu Nghĩa” – đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc nhận xét.
Năm 2018, có nhiều chương trình ca múa nhạc, thời trang, tạp kỹ, cải lương… được dàn dựng và có sự tham gia của diễn viên hài. Theo Hữu Nghĩa, trước hết là nhằm giảm đi sự căng thẳng, kế đến là có chỗ để khán giả cười cùng nghệ sĩ hài tên tuổi. Song, vai hài trong các chương trình này rất hiếm khi hay, vì sự lắp ghép chẳng thể tạo được ấn tượng.
Từ 5 năm qua, Hữu Nghĩa còn tham gia giảng dạy trên sân khấu kịch, anh làm thầy đứng trên bục giảng và đúc kết giáo trình giảng dạy bằng chính kinh nghiệm hơn 35 năm gắn bó với sân khấu.
“Tôi cho rằng, HTV đã tạo nhiều cơ hội để nghệ sĩ hài làm nghề nghiêm túc, sự tác động này đã hình thành phong cách diễn xuất của người nghệ sĩ, để mỗi khi nhận vai, chịu hòa mình vào một tác phẩm sân khấu, diễn viên hài sẽ ý thức rõ mình cần phải làm nghề một cách nghiêm túc. Sự dễ dãi lâu nay trong cách tập dợt của diễn viên hài vì họ ỷ lại cái duyên sân khấu sẵn có, nên đôi lúc “diễn cương, diễn ngoài lề kịch bản”. Tôi tin rằng, thông qua một vai diễn hài có số phận, có cách diễn sáng tạo hoặc qua một chương trình truyền hình hay sẽ góp phần tích cực với giới chuyên môn, làm trong sạch môi trường hài vốn bị sự tùy tiện lấn át” – NS Hữu Nghĩa đã nói.
Thanh Hiệp