Việt Nam - Góc nhìn nơi hoang dã

Cận cảnh bọ sát thủ "hút cạn" con mồi

Các nhiếp ảnh gia Đào Tấn Phát, Dương Thái Dũng, Nguyễn Dũng trong "Việt Nam - Góc nhìn nơi hoang dã" tập 5 đã gặp khá nhiều côn trùng thú vị ở hai bên bìa rừng, trên đường đi đến đến rừng thác Mai - Bàu nước sôi.

Bọ sát thủ - Thiên địch của sâu bọ có hại

Đầu tiên, bộ ba nhiếp ảnh gia đã bắt gặp bọ sát thủ - thuộc phân loại bọ xít. Trong khi anh Thái Dũng và Nguyễn Dũng tranh thủ săn ảnh, anh Tấn Phát đã tìm một con sâu "cỡ bự" để các đồng nghiệp tận mắt thấy bọ sát thủ ăn con mồi.

Thì ra, bọ sát thủ khi bắt được con mồi thì sẽ không nhai cũng không xé xác. Chúng giết chết con mồi bằng cách chích và bơm chất độc vào để hóa lỏng "món ăn" và hút. Giống những côn trùng khác, bọ sát thủ lột xác khoảng bốn lần thì trưởng thành và những bọ sát thủ khi non chưa có cánh. Thông thường, bọ sát thủ có thể hút những con sâu lớn hơn trọng lượng nó từ 5-7 lần. 

Tắc kè săn mồi

Khi tiến sâu hơn vào rừng thác Mai ẩm ướt, dưới trời đêm, các nhiếp ảnh gia đã bắt gặp tắc kè hoa. Anh Tấn Phát đã cố tình dọi đèn có ánh sáng mạnh vào thẳng tắc kè để "đóng băng" nó.

Anh giải thích: "Ánh sáng lớn làm đồng tử của tắc kè thẳng đứng, nó không nhìn được và có khả năng nó sẽ đứng lại (thay vì bỏ chạy khi thấy chúng ta làm động), để cảm nhận xung quanh". 


Chân của tắc kè có bộ móng rất đẹp

Anh Tấn Phát còn tiết lộ: "Loại tắc kè hoa này có thể thay đổi màu đậm hơn hoặc nhạt hơn, không phải loại tắc kè biến màu liên tục như ở nước ngoài. Chúng có thể lớn tới gần 40cm. Đặc biệt chân của chúng có bộ móng đẹp, có kết cấu giúp bám cứng vào cây. Và khi chúng cắn thì cũng rất dữ!".

Được biết, một thời gian tắc kè hoa bị săn bắt rất nhiều vì nó là bài thuốc trong y học cổ truyền, nhưng nên cẩn trọng vì trên chúng có rất nhiều ký sinh, bài thuốc nếu không biết đúng phương pháp sẽ gây hại cho sức khỏe. 

"Việt Nam - Góc nhìn nơi hoang dã" - 10g25 Chủ Nhật hàng tuần trên HTV7.

Thiên Bình