Việt Nam - Góc nhìn nơi hoang dã

Sống động và đầy sắc màu với thế giới tự nhiên ở Bàu Sấu

Nghỉ chân dưới gốc cổ thụ trên 400 năm tuổi; xử lý khi bị vắt cắn; gặp gỡ ếch cây Helen; buổi sáng sớm ở Bàu Sấu với trích cồ, ó cá, diệc xám; kỹ thuật chụp hình cá sấu... là những điều rất thú vị trên hành trình đi về phía Nam Vườn quốc gia Cát Tiên.

Ngồi dưới gốc cây tung trên 400 tuổi

Trong "Việt Nam - Góc nhìn nơi hoang dã" tập 14, đồng hành với bộ đôi nhiếp ảnh gia quen thuộc Đào Tấn Phát, Nguyễn Dũng là một gương mặt mới, bác sĩ - nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Mẫn.

Theo chân các nhiếp ảnh gia trong hành trình xuyên rừng để khám phá Bàu Sấu - một vùng đất ngập nước nằm ở phía Nam của Vườn quốc gia Cát Tiên, khán giả có dịp "diện kiến" một cổ thụ - cây tung trên 400 năm tuổi. Ngồi nghỉ chân dưới gốc cổ thụ, anh Tấn Phát chia sẻ lại bí quyết dùng muối để trị vắt. 

Muối sẽ hút hết nước trong người con vắt

Anh Minh Mẫn còn cho biết thêm: "Trước khi rớt xuống, con vắt sẽ ói ngược lại chất dịch bên trong ra vết thương đã hở. Vi trùng sẽ theo đó đi vào cơ thể, gây nhiễm trùng.

Một điều khác, trước khi cắn, con vắt sẽ tiết một chất gọi là Hirudin gây loãng máu. Với những người đi rừng mà có bệnh lý và từng uống thuốc kháng đông (như tim mạch, đái tháo đường...) thì sẽ càng dễ bị nhiễm trùng. Vậy nên trước khi rắc muối, cần làm động tắc vuốt cho ra hết phần máu bẩn đó đi". 

Ếch cây Helen

Cũng trên đường đi, bộ ba nhiếp ảnh gia đã bắt gặp ếch cây Helen, có màu xanh lá, chân có màng và phần bụng trắng. Anh Tấn Phát kể "anh và anh Minh Mẫn từng chụp ếch cây Helen ở Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Ếch cây Helen phân bố rất rộng, ở Bình Thuận, Đồng Nai và cả TP.HCM. Hiện nay, phải rất hên mới gặp được vì nó là một trong các loài nằm trong sách đỏ. Ếch cây Helen khi nguy hiểm phải nhảy đi, nó sẽ xịt nước trước khi nhảy để cơ thể nhẹ bớt". 

Sau một đêm ngủ tại Bàu Sấu, sáng sớm hôm sau, các nhiếp ảnh gia đã săn được ảnh đẹp của một số sinh vật sinh sống tại đây. 

 

Chim trích cồ

Cặp diệc xám

Chim ó cá

 

Cá sấu xiêm ở Bàu Sấu, Nam Cát Tiên

Khi anh Nguyễn Dũng hỏi về kinh nghiệm chụp cá sấu, anh Minh Mẫn tiết lộ: "Không nên tiếp cận quá gần, khoảng cách an toàn chừng 5 mét. Thường thì cá sấu này sẽ không tấn công trừ mùa sinh sản (từ tháng 4 đến tháng 10) khi ta tiếp cận quá gần.

Hiện Nam Cát Tiên là nơi duy nhất ở miền Nam còn cá sấu xiêm ở dạng tự nhiên, vì được bảo tồn chặt chẽ. Để chụp cá sấu trong nước đẹp dưới điều kiện nắng chiếu và mặt sông loang sáng, nên "chụp hơi thiếu sáng một chút, hoặc chọn góc chếch để không đánh trực tiếp vào mặt cá sấu. Chụp chếch một chút sẽ thấy được độ nổi khối lên. Cũng có thể dùng filter JBL để chặn bớt sáng", anh Minh Mẫn chia sẻ. 

Đón xem các số tiếp theo hứa hẹn nhiều hấp dẫn và thú vị của "Việt Nam - Góc nhìn nơi hoang dã", phát sóng lúc 10g25 Chủ nhật hàng tuần trên HTV7. 

Thiên Bình