Rắn hổ mây gờ - tên tuy có vẻ đáng sợ nhưng thực chất rất hiền lành; Âm thanh "rùng rợn" do mối lũ lượt đập cánh tạo nên; Cảnh báo khi gặp rắn lục đuôi đỏ mắt hồng ngọc...
Mối không có mắt
"Việt Nam - Góc nhìn nơi hoang dã" tập 6 là hành trình rừng đêm, đi sâu hơn nữa vào thác Mai - Bàu nước sôi của các nhiếp ảnh gia Đào Tấn Phát, Dương Thái Dũng, Nguyễn Dũng. Chọn ở lại một đêm để quan sát kĩ hơn cảnh động - thực vật sinh hoạt, họ thấy được nhái vàng, cào cào, cú mèo, rắng hoa cỏ cổ đỏ, bươm bướm...
Mối đập đầu vào lá tạo âm thanh cảnh báo
Mỗi loài sẽ có những khung giờ hoạt động riêng, thường chập tối rất có nhiều hoạt động nhiều như: săn mồi, lột xác, giao phối...
Anh Tấn Phát chia sẻ: "Đêm trong rừng có nhiều loài độc đáo, kiến và mối là hai loại thường thấy nhất và cách phân biệt rất dễ. Mối không có mắt, kiến thì có mắt. Mối di chuyển bằng cọng râu, con này nối đuôi con kia rất chính xác. Khi sử dụng ống kính macro độ phóng đại cao, chúng ta có thể thấy rõ được mối không có mắt".
Rắn hổ mây gờ chỉ ăn duy nhất ốc sên
Đặc biệt, các nhiếp ảnh đã dừng lại khi thấy con rắn hổ mây gờ và rất thích thú trước những thông tin thú vị về loài rắn hiền lành này.
Anh Tấn Phát tiết lộ: "Răn hổ mây gờ ăn duy nhất ốc sên. Chúng không cắn, khó gặp, hoàn toàn không độc, lành tính, sống trên cây nên cũng sạch hơn những bò sát sống trên đất.
Cấu trúc miệng như bàn nạo của rắn hổ mây gờ rất phù hợp để cắn ốc sên và nuốt vô, ốc sên dễ dàng bị tuột hoàn toàn ra khỏi vỏ. Loài rắn này chỉ hoạt động ban đêm, ban ngày thường lên cây nằm ngủ".
Phản xạ của rắn lục đuôi đỏ mắt hồng ngọc khá chậm
Cũng trong chuyến đi này, các nhiếp ảnh gia đã gặp được rắn lục đuôi đỏ mắt hồng ngọc hay còn gọi là rắn lục mắt rubi, một loài rắn rất độc. Dạng rắn này ở Việt Nam có tới vài loại: rắn lục đuôi đỏ, rắn lục miền Nam, rắn lục đuôi đỏ mắt hồng...
Được biết, rắn lục đuôi đỏ là rắn độc nanh trước, khi cắn sẽ bơm độc được ngay và chúng rất nguy hiểm. Anh Tấn Phát tiết lộ: "Khoảng cách an toàn là 1m! Phản xạ của loài rắn này tương đối chậm, không phải kiểu bò từ điểm A đến B để gí cắn người mà chỉ có khi đang trong tư thế săn mồi, con người vô tình ở khoảng cách quá gần với nó thì mới bị cắn".
Rắn lục đuôi đỏ mắt hồng ngọc có độc tế bào
Đặc biệt, nếu không may bị rắn lục đuôi đỏ mắt hồng ngọc cắn thì không được buộc garo ngay chỗ vết cắn. Cách này chỉ đúng với rắn hổ mang - một loài rắn độc về thần kinh thôi. Còn rắn lục đuôi đỏ có độc về tế bào, nên khi bị cắn cần rửa thật sạch vết cắn bằng xà phòng để tránh nhiễm trùng rồi đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm huyết thanh, tránh bị hoại tử.
Nếu buộc garo khi bị rắn lục đuôi đỏ mắt hồng ngọc cắn thì nguy cơ bị hoại tử là trên 80%. Một điều nguy hiểm khác là, dù nó chết rồi nhưng cơ chế của hàm vẫn cắn được, thậm chí người đi rừng dùng dao để chặt đầu rắn nhưng nó vẫn cắn được và lượng nọc bơm vào vẫn đủ để gây sát thương lớn".
"Việt Nam - Góc nhìn nơi hoang dã" - 10g25 Chủ nhật hàng tuần trên HTV7.
Thiên Bình