Ca sĩ Huy Luân là một trong những nghệ sĩ trẻ hiếm hoi lựa chọn dòng nhạc cách mạng để theo đuổi. Với anh, những giai điệu hào hùng của dân tộc là nguồn cảm hứng để anh miệt mài chinh phục và không bỏ cuộc khi chưa hoàn thành.
Ca sĩ Huy Luân là một trong những nghệ sĩ trẻ lựa chọn dòng nhạc cách mạng để theo đuổi
Kể từ sau ngôi vị Á quân “Tôi là người chiến thắng”, Huy Luân được mọi người biết đến nhiều hơn, nhưng để bước lên một vị trí cao hơn hiện tại, dường như là chưa thể với bạn. Có phải một phần do dòng nhạc của Luân hát khá đặc thù: cách mạng, tiền chiến?
Từ sau cuộc thi Tôi là người chiến thắng, tôi thừa nhận bản thân được khán giả biết đến nhiều hơn. Thậm chí, khi đi hát ở các phòng trà, sân khấu, người hâm mộ cũng tâm sự với tôi sau cuộc thi. Nhưng sự thành công của một ca sĩ không hoàn toàn phụ thuộc vào danh hiệu người ấy đạt được mà bằng việc vạch định hướng đi của mình sau khi bước ra từ cuộc thi ấy.
Tôi là một người làm việc theo cảm tính, cái gì thích là mình sẽ làm mà không ngại cực khổ hay tốn kém ra sao. Nhưng để vạch định một chiến lược lâu dài, có lẽ đó không phải sở trường của mình. Tôi yêu nhạc cách mạng, tiền chiến và cứ thế là rung mic theo từng ca khúc ấy. Tôi thấy mình thoải mái và sảng khoái khi hát những dòng nhạc này. Tôi vẫn mong sau này mình sẽ tìm được một người quản lý và một ê-kíp thật sự hiểu mình để có thể phát triển hơn trong tương lai.
Nam ca sĩ này thoải mái và sảng khoái khi hát những dòng nhạc cách mạng
Các gameshow âm nhạc hiện tại thường chọn những dòng nhạc thịnh hành, theo phong trào của giới trẻ. Tuy nhiên, đất diễn cho nhạc cách mạng dường như là rất ít. Ðiều này có phải là một thiệt thòi của các nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc này không?
Mỗi một dòng nhạc đều có lợi thế của nó, khán giả là người thưởng thức và họ có quyền “nuông chiều” cảm xúc của bản thân. Tuy nhiên, cái gì nghe hoài cũng có thể sinh ngán.
Tôi tin rằng nhạc cách mạng không phải không có đất diễn mà do chúng ta đã ở trong thời đại mới thì cần tìm cái mới. Các bài hát nhạc đỏ vẫn có thể được làm mới và thể hiện bởi những người trẻ, nhưng giá trị cũ vẫn nên được trân trọng. Chúng ta cần để khán giả trẻ tiếp cận được dòng nhạc này bằng một cách truyền tải khác chứ không phải hoàn toàn “đóng khung” vào cách truyền thống.
Mẹ luôn là người ủng hộ con đường mà Huy Luân lựa chọn
Dòng nhạc cách mạng thường được các nghệ sĩ gạo cội theo đuổi. Huy Luân là một nghệ sĩ khá trẻ lại chọn dòng nhạc này để biểu diễn, anh có gặp khó khăn gì không?
Tôi hoàn toàn không có áp lực nào cả. Tôi hát nhạc cách mạng theo cách của mình, theo cảm nhận của mình. Tôi cũng chọn lựa các ca khúc cách mạng có tình ca trong đó để hợp với giọng của mình nên không lo bị so sánh. Quan trọng là mình thấy thoải mái khi hát chứ không phải gò bó theo một khuôn mẫu nào hết.
Mỗi nghệ sĩ đều có một phong cách rất riêng biệt, không trộn lẫn. Tuy nhiên, cái cốt lõi là vẫn giữ lại chất hào sảng, gợi lên tinh thần yêu nước trong từng ca khúc.
Hiện nay có không ít ca sĩ trẻ làm mới và phá cách với dòng nhạc cách mạng. Theo Huy Luân việc đổi mới có làm mất “chất” của dòng nhạc này không?
Thời đại mới chúng ta cần có cách tiếp cận mới. Nhạc cách mạng vốn đã rất hay rồi nhưng không thể cứ lấy lối hòa âm cũ áp dụng vào thị trường âm nhạc bây giờ. Tuy nhiên việc phá cách là sáng tạo chứ không phải phá cách là “thảm họa”. Chúng ta đang bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm ấy. Vì vậy, bản thân tôi ủng hộ sự sáng tạo, nhưng lại không cổ xúy cho việc làm biến chất dòng nhạc này. Nếu có thì đó là lỗi của ca sĩ và nhạc sĩ hòa âm.
Với Huy Luân, mẹ là nguồn cảm hứng mỗi khi anh ngân những giai điệu hào hùng của dân tộc
Theo quan điểm của Huy Luân, ưu thế của dòng nhạc cách mạng là gì? Nếu so sánh với các dòng nhạc khác hiện nay, anh có nghĩ rằng nhạc cách mạng bị “lép vế” không?
Nhạc cách mạng thể hiện cả một thời kỳ lịch sử hào hùng của đất nước, cũng giống như nhạc vàng, nhạc tiền chiến.... Cái gì đã mang tính lịch sử thì cần được bảo tồn và gìn giữ để không bị mất gốc. Nhất là các bạn trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi văn hóa ngoại lai.
Nếu nói nhạc cách mạng bị “lép vế” trong thị trường âm nhạc thì đó là điều chưa chính xác. Dòng nhạc cách mạng có 1 sức sống mãnh liệt, mà bằng chứng là những ngày lễ trọng đại của đất nước thì không thể hợp hơn khi hát những ca khúc này.
Anh có đủ yếu tố để trở thành một ca sĩ nổi tiếng, nhưng lại chọn một lối đi khác. Có bao giờ anh thấy tiếc không?
Tôi chưa bao giờ tiếc nuối vì mình không thay đổi dòng nhạc. Tôi cũng tự nhận mình là người rất nghệ sĩ, cái gì mình thích mình mới làm. Bạn có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng quan trọng là bạn có vui với số tiền bạn kiếm được hay không.
Huy Luân cùng mẹ tham gia chương trình “Hát cùng mẹ yêu”
Huy Luân từng tham gia nhiều chương trình trên sóng HTV, trong đó có cả chương trình "Hát cùng với mẹ" là NSƯT Kim Xuân. Vậy mẹ của anh có ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp ca hát của anh?
Mẹ luôn là người ủng hộ tất cả những con đường mà tôi đi, đồng thời cũng có bà xã nữa. Từ những vai diễn của mẹ, từng lời động viên của mẹ là động lực to lớn để tôi vững bước trên con đường mình chọn. Dĩ nhiên, mẹ không ràng buộc tôi theo một kế hoạch hay một dòng nhạc nào nhất định, tất cả là do tôi lựa chọn. Nhưng mẹ là chất xúc tác tuyệt vời cho tôi, là nguồn cảm hứng cho tôi hát những ca khúc cách mạng.
Nhiều người nói nếu biết cách tiếp cận, nhạc cách mạng vẫn có thể đến gần với khán giả trẻ. Ðiều đó có khó không khi giới trẻ hôm nay chỉ thích cái mới?
Theo tôi là khó bởi để các bạn trẻ nghe thì dễ, nhưng để đọng lại trong lòng họ là điều không phải ai cũng làm được. Nhưng cái gì khó mà mình chinh phục được mới cảm thấy hạnh phúc. Tôi và các nghệ sĩ theo dòng nhạc này vẫn miệt mài chinh phục điều đó và sẽ không bỏ cuộc khi mình chưa hoàn thành.
Cảm ơn Huy Luân về cuộc chuyện này!
Tiểu Di